Canada: Chi phí sinh hoạt tăng cao, người nhập cư gặp khó khăn
Giấc mơ ổn định đời sống trở thành cuộc chiến sinh tồn của nhiều người nhập cư ở Canada do họ phải đối mặt với chi phí sinh hoạt cao và tiền thuê nhà tăng. Một số người nhập cư mới không trụ nổi, buộc phải quay về quê hương hay tìm đường di cư sang quốc gia khác với tương lai bấp bênh.
Đầu thập niên 60s, Canada bắt đầu nới lỏng chính sách nhập cư để có thêm nguồn lao động trẻ đối phó với già hóa dân số và góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Kết quả là dân số Canada tăng với tốc độ nhanh nhất trong hơn 6 thập kỷ trở lại đây, với kỷ lục 2,5 triệu người nhập cư chỉ trong 8 năm. Tuy nhiên, đến nay, mọi chuyện đang có xu hướng đảo ngược. Theo dữ liệu thống kê chính thức, 6 tháng đầu năm 2023, có khoảng 42.000 người đã rời Canada; trước đó, đã có 93.818 người rời đi vào năm 2022 và 85.927 người rời đi vào năm 2021.
Theo một báo cáo gần đây của Viện Quốc tịch Canada (Canadian Citizenship, ICC), tỷ lệ người nhập cư rời Canada đã đạt mức cao nhất trong 2 thập kỷ trở lại đây vào năm 2019. Tỷ lệ này có giảm xuống trong thời gian giãn cách xã hội vì đại dịch Covid-19, gần đây lại một lần nữa tăng lên. Mặc dù đây chỉ là một phần nhỏ trong số 263.000 người nhập cư cùng thời kỳ nhưng rõ ràng làn sóng người nhập cư rời Canada gia tăng đều đặn đang khiến một số cơ quan chức năng theo dõi và cảnh báo.
Cô Cara, 25 tuổi, đến Canada vào năm 2022 với tư cách là người tị nạn từ Hong Kong, hiện phải trả khoảng 650 đô-la Canada (tương đương với 474 USD) tiền thuê hàng tháng cho căn hộ tầng hầm một phòng ở Scarborough (Toronto). Như vậy, tiền thuê nhà bằng khoảng 30% thu nhập cô kiếm được hằng tháng. “Tôi chưa bao giờ nghĩ đến việc khi định cư ở một quốc gia châu Âu, tôi phải sinh sống ở tầng hầm. Tôi gần như tiêu hết từng xu kiếm được. Ở Hong Kong, tôi có thể tiết kiệm được khoảng 1/3 số tiền lương hằng tháng của mình”. Cara cho biết thêm, cô hiện đang làm 3 công việc bán thời gian (part-time), mức lương tối thiểu là 16,55 đô-la Canada/giờ, trong khi đang theo học nốt một số tín chỉ Đại học.
Đối với một quốc gia có thị trường lao động xây dựng dựa trên người nhập cư, xu hướng người nhập cư rời khỏi Canada ngày càng tăng tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Theo một cuộc khảo sát, phần lớn người rời Canada cho biết lý do là vì chi phí sinh hoạt cao và tiền thuê nhà tăng. Trong khi đó, một báo cáo tháng 9/2023, RBC cho biết, trung bình ở Canada cần khoảng 60% thu nhập hộ gia đình để trang trải chi phí sở hữu nhà, con số này tăng lên khoảng 98% ở Vancouver và 80% ở Toronto– vì vậy, việc sở hữu nhà riêng là việc không tưởng với đa phần người nhập cư, ngay cả người nhập cư lâu năm. Chẳng hạn, ông Myo Maung, 55 tuổi, di cư đến Canada từ Myanmar hơn 3 thập kỷ trước và có sự nghiệp thành công với vai trò là đại lý bất động sản kiêm chủ nhà hàng. Tuy nhiên, ông Myo nói với phóng viên, ông dự định nghỉ hưu ở một đất nước Đông Nam Á, có thể là Thái Lan, vì ước tính không thể duy trì được mức sống ở Canada bằng thu nhập hưu trí của mình.
GS.Phil Triadafilopoulos, chuyên ngành Khoa học chính trị về người nhập cư (Đại học Toronto, UofT), cho biết: Việc bùng nổ người nhập cư làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu nhà ở ở Canada. Vì vậy, không có gì đáng ngạc nhiên khi một bộ phận người nhập cư lựa chọn quay về quê hương hoặc di cư đến một quốc gia khác sau khi sinh sống một thời gian ở Canada. Và tháng 11/2023, Chính phủ Canada quyết định giới hạn số lượng người nhập cư mới chỉ dao động khoảng nửa triệu người mỗi năm kể từ năm 2025 trở đi để giảm bớt áp lực lên thị trường nhà ở.
Nhưng đối với một số người nhập cư, đây quyết định khá muộn màng. Anh Justinas Stankus, 38 tuổi, đến Canada từ Lithuania vào năm 2019 để theo đuổi bằng TS ngành Khoa học chính trị tại Đại học Toronto, UofT, đang xem xét chuyển đến Đông Nam Á- nơi có chi phí sinh hoạt thấp hơn, để ổn định đời sống mà vẫn có thể theo đuổi chuyên ngành của mình: “Hiện tôi phải trả 2.000 đô-la Canada để thuê căn hộ nhỏ một phòng ngủ. Trong khi đó, chi phí sinh hoạt ngày càng tăng gây khó khăn cho tôi, ngay cả trong việc mua những nhu yếu phẩm cơ bản. Với thu nhập của sinh viên mới tốt nghiệp, tương lai không có gì bền vững. Tôi cảm thấy bị mắc kẹt và muốn rời đi. Bất cứ khi nào có cơ hội rời đi, tôi sẽ tận dụng cơ hội”.
Tùng Anh (Theo WaLone)