Print

Indonesia báo động các sân bay chặn COVID-19

Thứ Ba, 12 /12/2023 07:40

Các nhà chức trách Indonesia đã đặt các sân bay ở nước này trong tình trạng cảnh báo cao độ nhằm ngăn chặn sự xâm nhập của COVID-19 trong bối cảnh số ca mắc căn bệnh này đang tăng cao tại Singapore.

Văn phòng Y tế cảng (KKP) thuộc Sân bay quốc tế Soekarno-Hatta ở ngoại ô thủ đô Jakarta, hôm 9/12, thông báo thực hiện tăng cường các biện pháp giám sát du khách trong và ngoài nước, như một biện pháp phòng ngừa dịch bệnh trước kỳ nghỉ lễ cuối năm nay.

Bà Naning Nugrahini, người đứng đầu KKP của sân bay Soekarno-Hatta, cho biết vẫn chưa phát hiện trường hợp nào nhiễm virus SARC-CoV-2 tại đây. Tuy nhiên, do lượng hành khách rất đông, cơ quan này đã tăng cường cảnh giác và chuẩn bị các cơ sở y tế như phòng khám cho những ai có triệu chứng mắc bệnh.

"Nếu phát hiện, chúng tôi sẽ chuyển họ đến phòng khám của KKP để các bác sĩ kiểm tra và tiến hành xét nghiệm kháng nguyên", bà Nugrahini nói.

Hiện KKP cũng đang phối hợp với một nhóm bác sĩ tiến hành truy vết tiếp xúc và kiểm tra sức khỏe cho hành khách. Lực lượng chuyên trách kiểm soát COVID-19 của Sân bay Soekarno-Hatta cũng sẽ tăng cường thực thi các quy trình y tế đối với các hành khách. Bên cạnh đó, các máy đo thân nhiệt và nhân viên y tế đã được triển khai tại tất cả các nhà ga quốc nội và quốc tế.

Bà Nugrahini cho biết thêm, hành khách tại sân bay được khuyến cáo tuân thủ các quy định về y tế như đeo khẩu trang, duy trì khoảng cách và rửa tay sát khuẩn. Các quy trình y tế ngừa COVID-19 này cũng đã được phổ biến tới tất cả các hãng hàng không của Indoensia.

Trước đó, người đứng đầu Văn phòng Y tế cảng Batam của Indonesia, ông Ahmad Hidayat, cho biết cơ quan này đã cho lắp đặt lại các máy đo thân nhiệt tại cảng biển quốc tế kết nối với Singapore. "Thực tế, chúng tôi đã siết chặt giám sát kể từ khi xuất hiện các ca viêm phổi. Chúng tôi đã tiếp cận người dân và đang siết chặt giám sát tại cảng", vị này nói.

Theo ông Hidayat, hiện giới chức Indonesia không có yêu cầu đặc biệt nào đối với các hoạt động nhập cảnh từ nước ngoài. Tuy nhiên, KKP Batam vẫn tiếp tục tiến hành kiểm tra tại các địa điểm nhập cảnh.

Quan chức này khuyến nghị người dân duy trì các biện pháp phòng ngừa y tế phòng chống COVID-19 ở nơi công cộng, đặc biệt là đối với các nhóm dễ bị tổn thương và những người có bệnh nền.

Bộ trưởng Y tế Indonesia Budi Gunadi Sadikin cũng đã lên tiếng kêu gọi người dân đảm bảo sự bảo vệ kép thông qua tiêm chủng và tuân thủ các quy trình y tế. Ông khuyên những người chưa hoàn thành chủng ngừa COVID-19 có thể đến cơ sở y tế gần nhất và yêu cầu tiêm vắc xin, đồng thời nhắc lại rằng loại vắc xin này vẫn được chính phủ cung cấp miễn phí tới hết tháng 12 tại các trung tâm y tế cộng đồng dù đại dịch đã kết thúc.

Theo số liệu thống kê ngày 6/12 của Bộ Y tế Indonesia, số ca mắc mới COVID-19 trong ngày tại quốc gia Đông Nam Á này đã tăng thêm 35-40 người, trong khi số nhập viện tăng 60-131 bệnh nhân và số tử vong ở mức tối đa 3 ca mỗi ngày. Số mắc mới phần lớn là do biến thể phụ Omicron XBB 1.5 vốn từng hoành hành ở châu Âu và Mỹ. Ngoài ra, biến thể phụ EG2 và EG5 cũng đã được phát hiện ở một số bệnh nhân. Tuy vậy, số ca mắc mới COVID-19 hiện vẫn thấp hơn nhiều so với thời kỳ đại dịch (50.000-400.000 ca/tuần).

Mới đây, các nhà chức trách tại Malaysia và Thái Lan cũng đã khuyến cáo phòng ngừa COVID-19 trong bối cảnh số ca nhiễm gia tăng dịp cuối năm.

Trong một tuyên bố đưa ra ngày 8/12, Bộ trưởng Y tế Malaysia Zaliha Mustafa phản ánh thực tế số ca mắc COVID-19 đang ở Malaysia, phù hợp với xu hướng thường xảy ra vào cuối năm và tương tự tại các quốc gia khác. Tuy nhiên, theo bà Zaliha, người nhiễm có triệu chứng nhẹ và không cần điều trị tại bệnh viện. Bà khẳng định chưa có biến thể mới nào được phát hiện ở Malaysia. 

Tương tự tại Thái Lan, các chuyên gia y tế cũng khuyến cáo người dân nên đeo khẩu trang tại các nơi công cộng, giữ khoảng cách tại những chỗ đông người và không gian kín, đồng thời thường xuyên rửa tay để phòng tránh lây nhiễm COVID-19.

Hoàng Dương