Print

Agribank cấp hơn 12.000 tỷ đồng tín dụng xanh

Chủ nhật, 10 /12/2023 09:07

Dư nợ cho vay đối với lĩnh vực xanh tại Agribank tính đến 31/10/2023 đạt hơn 12.098 tỷ đồng, với gần 42 nghìn khách hàng còn dư nợ. Trong đó, dư nợ lĩnh vực lâm nghiệp bền vững khoảng 7.000 tỷ đồng, chiếm 55% tổng dư nợ tín dụng xanh; tiếp đến là lĩnh vực năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, công nghiệp...

Chia sẻ tại Hội thảo “Dẫn nguồn vốn lớn cho tín dụng xanh” tổ chức mới đây, bà Phùng Thị Bình- Phó Tổng Giám đốc Agribank cho biết, trong giai đoạn 2018-2020, dư nợ tín dụng xanh ghi nhận bước tăng trưởng nhanh từ 100% đến 380%/năm (từ 1.727 tỷ đồng năm 2018 lên 13.010 tỷ đồng năm 2020). Sau giai đoạn này, do ảnh hưởng của các yếu tố vĩ mô như đại dịch COVID-19, căng thẳng leo thang Nga-Ukraina và các nước phương Tây, suy thoái kinh tế của các nền kinh tế lớn trên thế giới đã ảnh hưởng tới kinh tế Việt Nam, tốc độ tăng trưởng dư nợ suy giảm nhẹ, tuy nhiên vẫn khá ổn định về giá trị cho vay lẫn số lượng khách hàng.

Bà Phùng Thị Bình- Phó Tổng Giám đốc Agribank

Cũng theo bà Bình, với vai trò chủ lực cung ứng vốn và dịch vụ tài chính cho nông nghiệp, nông thôn, Agribank xác định mục tiêu hướng tới nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn thân thiện môi trường và quyết tâm thúc đẩy tăng trưởng xanh, quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng. “Hiện nay, Agribank đang triển khai hiệu quả 7 chương trình chính sách và 2 chương trình quốc gia về xóa đói giảm nghèo và phát triển bền vững. Đây là mắt xích quan trọng trong chuỗi liên kết xây dựng phát triển bền vững và hỗ trợ giảm phát thải”- bà Bình thông tin.

Bên cạnh đó, từ năm 2016, Agribank đã đồng hành cùng Bộ NN&PTNT và Đài Truyền hình Việt Nam triển khai chương trình “Nông nghiệp sạch” phát sóng hàng ngày trên VTV1, triển khai chương trình “Tín dụng nông nghiệp sạch- con đường nông sản Việt”. Sau một năm thực hiện, dư nợ chương trình đạt hơn 30.000 tỷ đồng- là tiền đề để thực hiện chương trình OCOP (mỗi xã một sản phẩm). Agribank cũng tích cực triển khai nhiều dự án có liên quan đến môi trường do Ngân hàng Thế giới (WB) và các tổ chức tài chính tài trợ như: Dự án Nâng cao chất lượng, an toàn sản phẩm nông nghiệp và phát triển chương trình khí sinh học; Dự án Nguồn lợi ven biển vì sự phát triển bền vững; Dự án Quản lý rủi ro thiên tai; Dự án Hỗ trợ nông nghiệp các-bon thấp; Dự án Cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn vùng đồng bằng sông Hồng; Dự án về năng lượng tái tạo…

Với lợi thế rộng khắp, số lượng khách hàng lớn, Agribank đã triển khai cho vay theo chuỗi khép kín, từ người nông dân đến các DN, với các sản phẩm xuất khẩu theo xu hướng thân thiện với môi trường, đảm bảo tiêu chuẩn của các nước nhập khẩu bên cạnh tiêu chuẩn về chất lượng. Đáng chú ý, Agribank là ngân hàng đi đầu tham gia chương trình cho vay đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản có vốn tín dụng khoảng 15.000 tỷ đồng, trong đó Agribank đăng ký tham gia 3.000 tỷ đồng và đến nay đã đạt con số gần gấp đôi.

Agribank chú trọng đầu tư cho tín dụng xanh

Trong 12 định hướng phân loại ngành tín dụng xanh, Agribank không chỉ tham gia về lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, mà còn tham vào các lĩnh vực khác như năng lượng tái tạo, phát triển công nghiệp, hay đồng hành với DN dệt may như: Công ty CP Đầu tư quốc tế Thagaco (tại Thái Nguyên) trong xây dựng nhà máy xanh thông minh.

Theo đánh giá của lãnh đạo Agribank, xét về con số tăng trưởng, dư nợ tín dụng xanh ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng sau 5 năm. Tuy nhiên, tỷ trọng dư nợ tín dụng xanh vẫn chỉ ở mức khiêm tốn. Tính đến ngày 31/10/2023, tổng tài sản của Agribank đạt hơn 1,96 triệu tỷ đồng, dư nợ cho vay nền kinh tế hơn 1,5 triệu tỷ đồng, trong đó dư nợ cho vay trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn chiếm khoảng 65%.

Trước nhu cầu tiếp cận nguồn vốn xanh quốc tế đang rất lớn, trong thời gian tới, Agribank sẽ thực hiện theo yêu cầu của NHNN tại Thông tư số 17/2022/TT-NHNN về hướng dẫn thực hiện quản lý rủi ro về môi trường trong hoạt động cấp tín dụng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Ngoài ra, tập trung triển khai áp dụng chính sách quản trị rủi ro môi trường và xã hội (ESG) trong hoạt động cấp tín dụng, ban hành khung tài chính xanh, khung tài chính xã hội chính sách ESG trong vận hành của ngân hàng, xác định mục tiêu cụ thể và xây dựng lộ trình triển khai trong ngắn hạn và dài hạn nhằm tạo môi trường thuận lợi trong phát triển tín dụng xanh, ngân hàng xanh và thu hút các nguồn vốn quốc tế xanh và bền vững.

Đồng thời, Agribank sẽ hoàn thiện tổ chức, chức năng, nhiệm vụ của các tổ chức liên quan trong triển khai thực hiện ESG. “Agribank đã thành lập BCĐ và Tổ giúp việc nhằm xây dựng Đề án triển khai ESG toàn diện tại Agribank trong ngắn hạn và dài hạn, với thành phần gồm nhân sự cấp cao của Agribank- cho thấy quyết tâm của Agribank trong việc triển khai một cách đồng bộ và hiệu quả việc áp dụng ESG trong toàn hệ thống”- bà Bình chia sẻ.

Cùng với đó, Agribank sẽ ưu tiên cung ứng vốn và dịch vụ tài chính phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân; tiếp tục duy trì tỷ trọng cho vay nông nghiệp, nông thôn chiếm 60-70% tổng dư nợ. Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ NN&PTNT triển khai thực hiện Quyết định số 1490/QĐ-TTg ngày 27/11/2023 của Thủ tướng Chính phủ nhằm thực hiện mục tiêu đến năm 2030 hình thành 1 triệu héc-ta vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tổ chức lại hệ thống sản xuất theo chuỗi giá trị, áp dụng các quy trình canh tác bền vững, nhằm gia tăng giá trị, phát triển bền vững ngành lúa gạo, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, thu nhập và đời sống của người trồng lúa, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính, góp phần thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam.

Ngoài ra, sẽ tiếp tục chủ động tìm kiếm các đầu mối thông qua các tổ chức, chuẩn bị phát hành trái phiếu xanh tăng vốn; tập trung đẩy mạnh phát triển các sản phẩm dịch vụ tài chính các hộ gia đình kinh doanh, tiện ích công nghệ số, xây dựng thói quen thân thiện môi trường cho khách hàng, xây dựng và triển khai các biện pháp tổng thể, tổ chức đào tạo nhằm nâng cao kiến thức cho nhân viên thẩm định rủi ro các dự án.

Tuy nhiên, để triển khai thành công Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và bền vững, bà Bình đặc biệt nhấn mạnh sự cần thiết của việc tham gia đồng bộ của tất cả các ban ngành từ Trung ương đến địa phương. “Nếu chỉ một mình hệ thống ngân hàng tham gia, thì không khác gì vỗ tay trên một bàn tay trong phát triển tín dụng xanh. Khơi thông nguồn vốn tín dụng xanh cần sự đồng hành vào cuộc của các cơ quan ban ngành như ban hành các thể chế, nguồn lực tài chính hỗ trợ các tập thể, cá nhân tham gia vào quá trình này, bởi đó là xu hướng phát triển tất yếu của toàn cầu”- bà Bình nhấn mạnh.

K.Ngân