Print

Khám chữa bệnh từ xa tại tuyến y tế cơ sở

Thứ Năm, 14 /12/2023 11:58

Nhu cầu KCB từ xa ở Việt Nam rất cần thiết, nhất là ở vùng, miền khó khăn về địa lý đối với việc đi lại, thiên tai và đại dịch.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đưa ra định nghĩa, khám chữa bệnh (KCB) từ xa hay Telemedicine là: “Việc cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe trong điều kiện có khoảng cách về địa lý, bởi tất cả các chuyên gia chăm sóc sức khỏe sử dụng CNTT và truyền thông để trao đổi thông tin hợp lệ nhằm chẩn đoán, điều trị, phòng ngừa bệnh tật và chấn thương, hỗ trợ phân tích, nghiên cứu, đánh giá, đào tạo liên tục cho nhân viên chăm sóc sức khỏe, với mục đích nâng cao sức khỏe của cá nhân và cộng đồng”.

Tại Việt Nam, Luật Khám bệnh, chữa bệnh ban hành năm 2009 và sửa đổi, bổ sung năm 2023, sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2024 có quy định về: “KCB từ xa giữa người hành nghề với người bệnh tức là giữa bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên… với người bệnh”; “Hội chẩn trực tuyến, KCB từ xa giữa các cơ sở KCB”. Nhu cầu KCB từ xa ở Việt Nam là cần thiết, nguyên nhân chính là tuy nước ta có hơn 11.000 trạm y tế (TYT) xã/phường/thị trấn nhưng năng lực chẩn đoán và điều trị tương đối hạn chế; trong đó, các TYT xã chưa được kết nối với Hệ thống KCB từ xa cấp Quốc gia (chủ yếu chỉ gồm các đơn vị y tế tuyến Trung ương, tuyến tỉnh và tuyến huyện) theo Đề án Khám, chữa bệnh từ xa giai đoạn 2020-2025 được ban hành theo Quyết định số 2628/QĐ-BYT của Bộ trưởng Bộ Y tế ngày 22/6/2020.

KCB từ xa mang lại nhiều lợi ích thiết thực, nhất là trong bối cảnh khó khăn về địa lý đối với việc đi lại, thiên tai và đại dịch. Hơn nữa, việc lồng ghép KCB từ xa trong hệ thống y tế sẽ giảm thiểu sự bất bình đẳng và các rào cản trong tiếp cận dịch vụ y tế của các nhóm yếu thế; giúp tiết kiệm được nguồn lực (chi phí, thời gian, công sức); giúp người bệnh tuân thủ điều trị tốt hơn và quản lý sức khoẻ hiệu quả hơn, tuyến trên hỗ trợ tuyến dưới tăng khả năng cung cấp dịch vụ y tế cũng như sự tin tưởng của người dân với y tế cơ sở; giúp mang lại sự an toàn cho người bệnh cũng như nhân viên y tế, đặc biệt là trong các tình huống có nguy cơ lây nhiễm bệnh...

Khi Đại dịch Covid-19 xuất hiện vào đầu năm 2020, Chương trình Phát triển LHQ (UNDP) tại Việt Nam phối hợp với Bộ Y tế và các Sở Y tế Hà Giang, Bắc Kạn và Lạng Sơn phát triển phần mềm KCB từ xa Bác sĩ cho mọi nhà, ứng dụng trên điện thoại thông minh và trình duyệt web https://bacsichomoinha.ehealth.gov.vn. Từ năm 2022, ứng dụng Bác sĩ cho mọi nhà được triển khai mở rộng tại Thừa Thiên Huế, Quảng Ngãi, Bình Định, Cà Mau và Đắk Lắk. Năm 2023, Bộ Y tế triển khai Nền tảng Hỗ trợ tư vấn KCB từ xa VTelehealth, bao gồm chức năng hội thoại truyền hình, chức năng quản lý hồ sơ sức khỏe điện tử cá nhân và các tính năng hỗ trợ tư vấn sức khỏe cho người dân qua ứng dụng di động, đồng thời kết nối các thiết bị và hệ thống thông tin tiên tiến để cung cấp các dịch vụ gia tăng lợi ích về sức khỏe cho người dân tại địa chỉ https://vtelehealth.gov.vn/. Nền tảng Vtelehealth sẽ là nơi tích hợp các giải pháp, ứng dụng hỗ trợ tư vấn khám chữa bệnh từ xa trên toàn quốc. Mục đích của Hướng dẫn này là xây dựng các nguyên tắc, tiêu chuẩn và quy trình về khám bệnh, chữa bệnh từ xa, cung cấp các khuyến nghị kỹ thuật để triển khai khám bệnh, chữa bệnh từ xa, đảm bảo cung ứng dịch vụ chăm sóc sức khoẻ chất lượng tốt và an toàn tại tuyến y tế cơ sở ở Việt Nam.

Tại Hướng dẫn KCB từ xa tại tuyến y tế cơ sở (ban hành kèm Công văn 7946/BYT-KCB 2023), Bộ Y tế nhấn mạnh, cơ sở y tế có thể sử dụng bất kỳ phần mềm nào trong số các phần mềm hỗ trợ KCB từ xa đã được tích hợp với nền tảng Vtelehealth. Danh mục các phần mềm đã được tích hợp có thể tham khảo trên trang web của Vtelehealth tại https://vtelehealth.gov.vn/. Các TYT, phòng khám bệnh mạn tính của các BV, phòng khám Bác sĩ gia đình, phòng khám chăm sóc sức khoẻ ban đầu, chuyên khoa (đơn vị công lập, tư nhân) được áp dụng các phương thức KCB từ xa khi đủ điều kiện. Người bệnh có thể đến khám theo hẹn đã đặt trước qua ứng dụng KCB từ xa, hoặc tự đến. Cán bộ y tế tại Trạm y tế đánh giá tình trạng người bệnh và thực hiện buổi tư vấn KCB từ xa nếu cần và nếu có sự đồng thuận của người bệnh.

Hướng dẫn KCB từ xa tại tuyến y tế cơ sở cũng lưu ý, trường hợp cấp cứu sẽ xử lý như sau: Trong tất cả các cuộc KCB từ xa, nếu đó là một tình huống khẩn cấp, thì mục tiêu phải là cung cấp dịch vụ chăm sóc tại chỗ trực tiếp trong thời gian sớm nhất. Tuy nhiên, các bước tư vấn hướng dẫn sơ cứu ban đầu là rất quan trọng có thể giúp cứu sống người bệnh. Chẳng hạn, trong trường hợp chấn thương, lời khuyên và hướng dẫn về việc duy trì tư thế cố định cổ phù hợp có thể giúp bảo vệ cột sống và người bệnh. Khi đó, dựa theo kinh nghiệm của bản thân và điều kiện thực tế bác sĩ tuyến trên sẽ đưa ra các phán đoán, đánh giá để quyết định cách tiếp cận cân bằng giữa việc hướng dẫn sơ cứu ban đầu và việc cung cấp dịch vụ chăm sóc tại chỗ trực tiếp trong thời gian sớm nhất có thể. Các quyết định chuyên môn có thể được xem xét là hướng dẫn cách sơ cấp cứu ban đầu khi cần; tư vấn về các biện pháp chăm sóc trực tiếp tại chỗ; tạo điều kiện chuyển người bệnh lên tuyến trên khi cần thiết và điều kiện cho phép. Đồng thời, điều phối, hỗ trợ và chuẩn bị tiếp nhận bệnh nhân tại tuyến trên nếu cần thiết.

Tùng Anh