Người cao tuổi Trung Quốc chiếm gần 20% dân số
Dữ liệu mới nhất được công bố cuối tuần trước cho thấy, số người trên 60 tuổi ở Trung Quốc đã vượt 280 triệu vào cuối năm 2022, chiếm 19,8% tổng dân số. Quy mô người cao tuổi của nước này dự kiến đạt đỉnh vào khoảng năm 2054.
Với tỷ lệ hơn 14% dân số trên 65 tuổi, Trung Quốc đã bước vào giai đoạn già hóa dân số vừa phải. Theo dự báo của Liên Hợp Quốc trong "Triển vọng Dân số Thế giới 2022", Trung Quốc sẽ bước vào giai đoạn già hóa nghiêm trọng trước năm 2035 (dân số trên 65 tuổi vượt 21%) và sẽ bước vào giai đoạn già hóa cực độ trước năm 2050 (dân số trên 65 tuổi vượt 28%).
Kể từ khi trở thành xã hội già hóa vào cuối thế kỷ 20, số lượng và tỷ lệ người cao tuổi ở Trung Quốc liên tục tăng. Dân số trên 60 tuổi ở nước này đã tăng từ 126 triệu năm 2000 lên 249 triệu vào năm 2018 và hơn 280 triệu vào năm 2022. Tỷ lệ người cao tuổi cũng tăng từ 10,2% năm 2000 lên 17,9% năm 2018 và tiếp tục tăng lên 19,8% vào năm 2022. Ủy ban Y tế quốc gia ước tính, Trung Quốc sẽ có 402 triệu người trên 60 tuổi vào năm 2040.
Theo dự báo của Liên Hợp Quốc, số người trên 60 tuổi ở Trung Quốc sẽ vượt 400 triệu vào khoảng năm 2033 và đạt đỉnh khoảng 520 triệu vào khoảng năm 2054. Trong khi đó, dân số trên 65 tuổi sẽ vượt 300 triệu vào khoảng năm 2034 và đạt xấp xỉ 430 triệu vào khoảng năm 2057.
Trung Quốc hiện là một trong những quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Một trong những nguyên nhân gây nên tình trạng này là tỷ lệ sinh thấp. Dữ liệu của Trung tâm Nghiên cứu Dân số và Phát triển Trung Quốc cho thấy, tỷ lệ sinh ở nước này đã giảm xuống 1,09 vào năm 2022- mức sinh thấp nhất trong số các quốc gia có dân số trên 100 triệu người.
Hồi tháng 5 vừa qua, Bắc Kinh đã lên tiếng thừa nhận những thách thức nhân khẩu học mà quốc gia này phải đối mặt, trong đó có tỷ lệ sinh thấp và xã hội già hóa nhanh, đồng thời cam kết phát triển dân số chất lượng cao, mặc dù chưa đưa ra những biện pháp cụ thể.
"Thập niên tới sẽ là thời điểm quan trọng nhất để Trung Quốc tích cực ứng phó với tình trạng dân số già đi"- Phó hiệu trưởng Đại học Nhân dân Trung Quốc Du Peng đánh giá.
Trung Quốc phải vật lộn để lấy lại động lực kinh tế, trong bối cảnh lợi tức nhân khẩu học đang biến mất và áp lực lương hưu tăng làm phức tạp thêm các nỗ lực phục hồi. Lần đầu tiên, lương hưu đã vượt qua nguồn hỗ trợ từ gia đình để trở thành nguồn thu nhập tài chính chủ yếu của thành phần người cao tuổi ở quốc gia tỷ dân vào năm 2020. Ông Du Peng coi đó là một tín hiệu tích cực. Theo chuyên gia này, Trung Quốc cần đẩy nhanh việc tích hợp bảo hiểm hưu trí tư nhân, tăng cường bảo hiểm y tế và hoàn thiện các khuôn khổ chăm sóc người cao tuổi.
Đầu năm 2022, chính phủ Trung Quốc xác nhận sẽ dần đẩy lùi tuổi nghỉ hưu bắt buộc (60 đối với nam, 55 đối với nữ nhân viên văn phòng và 50 đối với nữ công nhân) trong những năm tới. Quỹ hưu trí người lao động đô thị, vốn là xương sống của hệ thống lương hưu nhà nước của đất nước, dự kiến cạn tiền vào năm 2035 khi lực lượng lao động giảm xuống trong khi khoảng cách giữa đóng góp và chi tiêu tăng lên.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết đến năm 2030, cứ 6 người trên thế giới thì có 1 người trên 60 tuổi. Vào năm 2050, 2,1 tỷ người trên toàn thế giới sẽ ở độ tuổi trên 60.
Hoàng Dương