Malaysia: Đồng Ringgit mất giá, du học sinh Malaysia gặp khó
Kinh tế Malaysia chưa thực sự phục hồi sau Covid-19, dẫn đến đồng Ringgit (RM) mất giá. Nhiều du học sinh Malaysia cho biết, họ đang phải đối mặt với chi phí giáo dục tăng cao và những thách thức đi kèm với việc này.
Kaushna, 23 tuổi, sinh viên ngành Luật, đang theo học năm cuối tại Đại học Hertfordshire (Vương quốc Anh). Kaushna cho biết, cô đi du học với học bổng bán phần, song hiện tại chi phí của cô đã tăng đáng kể so với năm 2019. “Tôi nhớ lần đầu tiên khi tôi hỏi về chương trình trao đổi/liên kết sinh viên quốc tế vào năm 2019, chi phí chắc chắn thấp hơn so với hiện tại. Ba năm trước, anh trai tôi đi du học theo chương trình này, cùng một khoa với tôi, chi phí cũng phải chăng hơn rất nhiều. Không ngờ chỉ sau vài năm, chi phí đã tăng lên quá nhiều, khiến gia đình của tôi gặp áp lực lớn về kinh tế”.
Đồng quan điểm với Kaushna, Zarith, 22 tuổi, hiện đang học năm thứ 2 ngành Quản lý kinh doanh tại Đại học Queen's Belfast (Vương quốc Anh) cho biết: “Mọi thứ đều đắt đỏ hơn, từ chỗ ở, sách vở cho đến chi phí sinh hoạt hàng ngày. Dù lịch học căng thẳng nhưng tôi vẫn phải tìm công việc bán thời gian để trang trải cuộc sống. Ban đầu, tôi dự kiến tốt nghiệp Đại học xong sẽ theo học chương trình Thạc sĩ nhưng với những bất ổn kinh tế, không biết học phí và chi phí có thể tăng thêm bao nhiêu trong tương lai, thật khó để lập kế hoạch dài hạn”.
Theo nghiên cứu gần đây được thực hiện bởi Wise, một dịch vụ tài chính ngoại hối có trụ sở tại Vương quốc Anh, du học sinh Malaysia phải đối mặt với khoản thanh toán vượt mức hàng năm khoảng 69,9 triệu RM trong tổng chi phí chuyển khoản. Nghiên cứu trên được thực hiện với gần 60.000 du học sinh Malaysia, cho thấy mức hao tổn trung bình hàng năm là 1.183 RM cho mỗi sinh viên do các khoản phí liên quan đến chuyển trường.
Ngoài ra, du học sinh Malaysia đầu tư nhiều nhất vào giáo dục ở Mỹ, trung bình 130.470 RM/năm, vượt qua mức trung bình toàn cầu. Australia và Vương quốc Anh nằm trong TOP5 điểm đến giáo dục hàng đầu của sinh viên Malaysia, cũng được xác định là những quốc gia có chi phí học tập đắt đỏ, với chi phí hàng năm dao động từ 65.665 RM đến 77.221 RM. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, ông Teh Choon Jin- Tổng Thư ký Hiệp hội Các tổ chức giáo dục tư nhân quốc gia (Napei), cho biết, số lượng sinh viên quốc tế đăng ký vào các cơ sở giáo dục Đại học của Malaysia lại tăng vọt, do mức học phí và chi phí phải chăng, một phần là do đồng RM mất giá.
Như vậy, sự mất giá của đồng RM đang gây áp lực lạm phát cho các hộ gia đình có thu nhập từ thấp đến trung bình, làm giảm ngân sách gia đình của họ. Điều này đem đến xu hướng thanh thiếu niên và gia đình họ đang tìm kiếm phương thức giáo dục mới, thay vì đi du học nước ngoài thì xem xét các trường Đại học công lập, các trường Đại học có mức phí thấp hơn hoặc trực tiếp tham gia thị trường lao động. Các tổ chức giáo dục Đại học tư nhân cũng đang nỗ lực tìm kiếm hợp tác với trường Đại học ở khu vực châu Á để cung cấp các chương trình trao đổi/liên kết với học phí phải chăng để tăng cơ hội du học cho thanh thiếu niên. Một số trường đang thí điểm cung cấp các lựa chọn du học với thời gian ngắn hơn. Tất cả những nỗ lực này được thực hiện một cách chiến lược nhằm giảm bớt gánh nặng tài chính liên quan đến việc mất giá đồng RM, đảm bảo sinh viên Malaysia vẫn có thể hưởng lợi từ những trải nghiệm giáo dục quốc tế có giá trị.
Tùng Anh (Theo Malay Mail)