Print

Doanh nghiệp toàn cầu ồ ạt phá sản

Thứ Năm, 21 /12/2023 09:23

Chi phí đi vay ngày càng cao cùng với việc chính phủ các nước rút lại khoản trợ cấp từ giai đoạn đại dịch COVID-19 đã khiến nhiều doanh nghiệp vỡ nợ, dẫn tới tỷ lệ phá sản toàn cầu ở mức kỷ lục.

Dẫn dữ liệu từ các văn phòng thống kê quốc gia, ngày 19/12, tạp chí Financial Times đưa tin lĩnh vực doanh nghiệp trên thế giới đã bị ảnh hưởng bởi làn sóng phá sản xảy ra với tốc độ hai con số chưa từng thấy trong nhiều thập niên. Tình trạng mất khả năng thanh toán của doanh nghiệp ở Mỹ tăng 30% trong 12 tháng tính đến tháng 9 so với cùng kỳ năm ngoái.

Trên toàn Liên minh châu Âu (EU), số công ty phá sản tăng 13% trong 9 tháng tính đến tháng 9 so với cùng kỳ năm ngoái - mức cao nhất trong 8 năm. Tại Đức, nền kinh tế lớn nhất EU, số vụ phá sản đã tăng 25% từ tháng 1 đến tháng 9 so với cùng kỳ năm trước.

Trong tháng 10, Pháp và Hà Lan đã chứng kiến số vụ phá sản tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm trước. Với phần lớn thành viên là các quốc gia giàu có, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) gần đây cũng thông báo, ở một số quốc gia thành viên trong đó có Đan Mạch, Thụy Điển và Phần Lan, tỷ lệ phá sản đã xô đổ các kỷ lục trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Tình trạng vỡ nợ ở Anh và xứ Wales cũng ở mức cao nhất kể từ năm 2009 vào khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 9 năm nay.

Trao đổi với Financial Times, Neil Shearing- nhà kinh tế trưởng tại công ty tài chính Capital Economics lý giải xu hướng này chủ yếu là do tình hình lãi suất cơ bản cao hơn và do các công ty được gọi là "xác sống" vật vờ bấy lâu nhờ sự trợ cấp liên quan đến COVID của chính phủ. Ông Shearing đề cập đến các yếu tố gồm tiền lãi nợ, việc chính phủ chấm dứt chính sách hỗ trợ và hoá đơn giá năng lượng cao, đặc biệt là ở những ngành có mức độ tiêu thụ năng lượng lớn.

Theo ước tính của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), các chính phủ đã chi hơn 10 nghìn tỷ USD để hỗ trợ doanh nghiệp và hộ gia đình trong năm 2020 và 4 tháng đầu năm 2021. Sau đó, các gói hỗ trợ giảm dần và kết thúc. Theo ông Shearing, làn sóng vỡ nợ của doanh nghiệp trên toàn cầu sẽ tiếp diễn khi nhiều công ty đến kỳ đáo hạn nợ với mức lãi suất cao hơn trong những tháng sắp tới, ngay cả khi lãi suất của các ngân hàng trung ương được dự báo là đã qua đỉnh.

Giới phân tích cũng cho rằng sự gia tăng của số doanh nghiệp vỡ nợ sẽ gây áp lực lên hoạt động kinh tế và tăng trưởng việc làm trên phạm vi toàn cầu trong vài năm tới đây.

Tổ chức đánh giá tín nhiệm Moody’s dự báo, tỷ lệ vỡ nợ của các doanh nghiệp có nợ được đánh giá tín nhiệm ở hạng đầu cơ trên toàn cầu sẽ tiếp tục tăng trong năm 2024 sau khi chạm mốc 4,5% trong kỳ 12 tháng kết thúc vào tháng 10 năm nay, cao hơn tỷ lệ bình quân lịch sử là 4,1%.

Trong khi đó, công ty dịch vụ tài chính Đức Allianz dự báo tốc độ gia tăng của số doanh nghiệp vỡ nợ trên toàn cầu sẽ lên tới 10% trong năm 2024 sau khi tăng 6% trong năm 2023. "Chúng tôi nhận thấy sự gia tăng của số doanh nghiệp vỡ nợ ở hầu hết các quốc gia trên thế giới", chuyên gia Maxime Lemerle của Allianz Research cho biết.

Theo phản ánh của Allianz, cho tới nay, các ngành sử dụng nhiều lao động như dịch vụ lưu trú, giao thông và bán lẻ là những lĩnh vực có nhiều doanh nghiệp vỡ nợ nhất. Công ty nghiên cứu này cho biết những ngành có mức độ nhạy cảm cao hơn với lãi suất cao như bất động sản và xây dựng cũng sẽ là những ngành chịu áp lực vỡ nợ lớn.

Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng trợ cấp năng lượng và các biện pháp khác sẽ giúp nhiều doanh nghiệp chống chọi được với làn sóng vỡ nợ, đồng nghĩa mức đỉnh của số vụ vỡ nợ doanh nghiệp có thể sẽ không cao như trong các cuộc khủng hoảng trước kia. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp cũng đã tích trữ đượng lượng tiền mặt đáng kể và ký kết được các thoả thuận vay vốn khi lãi suất còn thấp.

Hoàng Dương