Print

Nepal: Những người có ảnh hưởng trên TikTok điêu đứng sau lệnh cấm đột ngột

Thứ Ba, 26 /12/2023 11:18

Hơn một năm nay, cô Anjana Aryal từ nội trợ trở thành doanh nhân bằng cách chia sẻ công thức nấu ăn và bán đồ ăn trực tuyến trên ứng dụng TikTok. Nhưng công việc kinh doanh đang trên đà phát triển của cô đã ngưng trệ từ tháng trước, do Nepal ban hành lệnh cấm ứng dụng này vì lo ngại về bảo mật dữ liệu.

Năm ngoái, cô Anjana Aryal gia nhập TikTok và nhanh chóng trở thành người có ảnh hưởng trên mạng xã hội (KOL) ở Nepal. Các video clip cô đăng tải thu hút hàng triệu lượt xem, thu hút gần 600.000 người theo dõi (followers), nhờ việc chia sẻ công thức nấu ăn và bán đồ ăn trực tuyến. Thế nhưng hồi tháng trước, Chính phủ Nepal ban hành lệnh cấm TikTok do lo ngại về bảo mật dữ liệu, điều này làm các KOL như cô Anjana Aryal điêu đứng: “Cuộc sống của tôi và gia đình đã thay đổi rất nhiều nhờ TikTok. Rất nhiều người nhận ra tôi ở bất cứ nơi nào tôi đến và ủng hộ mua hàng".

Cô Anjana Aryal cho biết thêm, bên cạnh việc kinh doanh trực tuyến dưa muối chua đóng hộp mang tên mình, cô còn kiếm được gần 3.000 USD từ các hợp đồng quảng cáo chỉ trong tháng 10/2023- cao hơn gấp đôi thu nhập trung bình hàng năm của người Nepal. Nhưng kể từ khi có lệnh cấm, cô Aryal và những người sáng tạo nội dung nổi tiếng khác của Nepal buộc phải đối mặt với việc mất đi sinh kế, tương lai gần không biết xử lý như thế nào.

Thuộc sở hữu của ByteDance (Bắc Kinh, Trung Quốc), TikTok là một trong những nền tảng truyền thông xã hội phổ biến nhất thế giới với hơn 1 tỷ người dùng. Sự tăng trưởng bùng nổ của ứng dụng này mang lại cho những người sáng tạo nội dung và nhất là KOLs nguồn lợi nhuận lý tưởng, cùng tệp khách hàng khổng lồ. Tuy nhiên, TikTok cũng gây tranh cãi về bảo mật thông tin cá nhân hay việc phát tán thông tin sai lệch. Hiện TikTok đang phải đối mặt với sự giám sát chặt chẽ ở Hoa Kỳ và các quốc gia khác, đồng thời, bị cấm hoặc hạn chế ở một số quốc gia như Ấn Độ, Pakistan... và Nepal.

Phản ứng của những người sáng tạo nội dung, KOLs ở Nepal khá căng thẳng. Một số ít người tổ chức biểu tình ở Kathmandu yêu cầu dỡ bỏ lệnh cấm. Còn đa số người bày tỏ sự lo âu về sinh kế của mình. Ông Manish Adhikari, người sử dụng TikTok để hỗ trợ công việc buôn bán ô tô và các công ty khởi nghiệp (start-up) ở Nepal, cho biết ông đã có một số hợp đồng bị hủy bởi lệnh cấm TikTok: "Các thương hiệu, đối tác bắt đầu gọi cho tôi để xác minh về mức độ ảnh hưởng của lệnh cấm đối với DN của tôi. Tôi cũng đang tự hỏi, trường hợp công việc kinh doanh của tôi bị ảnh hưởng quá nặng, liệu tôi có sắp phá sản không? Gần đây, tôi đã chuyển hướng sang Instagram nhưng lượt xem, lượt theo dõi chỉ bằng một phần nhỏ so với ở TikTok. Tôi đã mất gần hết lượng người theo dõi vì trước đây chỉ hoạt động tích cực ở TikTok. Bây giờ tôi phải bắt đầu từ con số 0".

Theo Hiệp hội Các nhà cung cấp dịch vụ Internet, có khoảng 2,2 triệu người dùng TikTok trong số dân số 30 triệu người của Nepal. Ông Monayac Karki, người sáng lập Công ty Uptrendly, cho biết: “Trước lệnh cấm, mức độ phổ biến của TikTok đã tăng theo cấp số nhân ở Nepal. Việc thực thi cấm TikTok đã làm ảnh hưởng đến một thị trường có giá trị ước tính vượt quá 5 triệu USD mỗi năm dành cho người sáng tạo nội dung, KOL. Vì thế, tôi thực sự hy vọng lệnh cấm này chỉ là tạm thời và sẽ sớm được dỡ bỏ, sau khi Chính phủ tìm ra phương thức quản lý TikTok hiệu quả”.

Tùng Anh (Theo AsiaOne)