Print

Phát triển thị trường lao động bền vững, đảm bảo an sinh cho người dân

Thứ Ba, 26 /12/2023 11:30

Sáng 26/12, tại Hà Nội, Bộ LĐ-TB&XH tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai nhiệm vụ lao động, người có công và xã hội năm 2024.

Thị trường lao động tiếp tục được phục hồi

Theo báo cáo của Bộ LĐ-TB&XH, việc thực hiện đồng bộ các giải pháp phục hồi và phát triển thị trường lao động đã mang lại những kết quả tích cực, giúp các khu công nghiệp, khu chế xuất, các vùng kinh tế trọng điểm cơ bản duy trì được lực lượng lao động ổn định; tình trạng hàng trăm nghìn lao động bị buộc nghỉ giãn việc, thôi việc, mất việc ở các DN diễn ra từ quý IV/2022 đã giảm nhiệt trong các tháng cuối năm 2023; các chỉ số về lực lượng lao động, tỷ lệ thất nghiệp, tỷ lệ lao động qua đào tạo, lao động có việc làm, thu nhập của NLĐ cơ bản ổn định. Ước năm 2023, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 68%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 27-27,5%; tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị khoảng 2,76%- đạt mục tiêu đề ra.

Bên cạnh đó, các giải pháp ổn định và phát triển thị trường lao động ngoài nước được đẩy mạnh; công tác tuyển chọn, đào tạo và đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng được quản lý chặt chẽ hơn. Ước thực hiện cả năm, số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng khoảng 155.000 người, đạt 129% so với kế hoạch năm, tăng 8,55% so với năm 2022, đạt mức cao nhất từ trước đến nay.

Về công tác thực hiện chính sách BHXH, Bộ LĐ-TB&XH đã xây dựng, trình Chính phủ để Chính phủ trình Quốc hội hồ sơ Luật BHXH (sửa đổi); trình Chính phủ ban hành Nghị định số 42/2023/NĐ-CP ngày 29/6/2023 về điều chỉnh lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp hằng tháng, Nghị quyết số 60/NQ-CP ngày 24/4/2023 về việc phê duyệt Hiệp định giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Hàn Quốc về BHXH, phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách BHXH.

Công tác phát triển đối tượng tham gia BHXH tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực. Ước thực hiện cả năm, tỷ lệ lao động trong độ tuổi tham gia BHXH khoảng 39,25%; tỷ lệ lao động trong độ tuổi tham gia BH thất nghiệp khoảng trên 31,58%, đạt và vượt các mục tiêu đề ra. Mặt khác, tổ chức thực hiện đầy đủ, kịp thời chính sách BH thất nghiệp. Tính đến đến ngày 30/11/2023, tổng số người nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp là 1.034.889 người, tăng 12,6% so với cùng kỳ năm 2022, số người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp là 955.058 người, tăng 9,5%.

Cùng với đó, ngành LĐ-TB&XH đã thực hiện đầy đủ, kịp thời chế độ, chính sách trợ cấp thường xuyên cho hơn 1,1 triệu đối tượng với kinh phí thực hiện cả năm khoảng 29.000 tỷ đồng; trợ cấp một lần cho 2.332 người với tổng kinh phí 100 tỷ đồng. Các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, huy động nguồn lực xã hội chăm lo đời sống người có công với cách mạng được đẩy mạnh. Đời sống người có công và thân nhân người có công tiếp tục được cải thiện, nâng cao hơn.

Đặc biệt, thực hiện chính sách trợ cấp xã hội hằng tháng cho hơn 3,3 triệu đối tượng bảo trợ xã hội và 354.340 hộ gia đình, cá nhân nhận chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng hằng tháng. Các đối tượng yếu thế, người có hoàn cảnh khó khăn trong xã hội được quan tâm, tiếp cận, thụ hưởng các chính sách phúc lợi xã hội, y tế, giáo dục, học nghề, tìm việc làm để ổn định cuộc sống…

Về lĩnh vực an sinh xã hội, trong năm 2023, các chính sách, chương trình giảm nghèo được thực hiện khá toàn diện và tương đối đầy đủ, đời sống của hộ nghèo từng bước được cải thiện, nâng cao, an sinh xã hội luôn được đảm bảo. Ước tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều năm 2023 còn 2,93% (giảm 1,1% so với cuối năm 2022); tỷ lệ hộ nghèo tại các huyện nghèo còn khoảng 33% (giảm 5,62%); tỷ lệ hộ nghèo DTTS còn khoảng 17,82% (giảm 3,2%) và đạt mục tiêu đề ra…

Chính sách xã hội chuyển sang giai đoạn mới

Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ LĐ-TB&XH, chất lượng cung lao động còn hạn chế, chưa đáp ứng cho cầu lao động của một thị trường lao động hiện đại, linh hoạt, bền vững và hội nhập; tỷ lệ nhân lực qua đào tạo có bằng cấp chứng chỉ còn thấp. Bên cạnh đó, vẫn còn tình trạng xin lùi, rút văn bản hoặc chậm trình cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật so với thời hạn được giao. Việc kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra, quyết định xử lý sau thanh tra đối với đối tượng được thanh tra chưa được triển khai nhiều. Ngoài ra, một số cơ quan, đơn vị chưa quyết liệt trong công tác chỉ đạo, điều hành, tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ.

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nhấn mạnh, năm 2023 là năm đầy sóng gió, thách thức vượt cả dự báo. Sự đứt gãy chuỗi sản xuất, suy giảm đơn hàng, xung đột và những bất ổn về an ninh lương thực, an ninh năng lượng đang gây những tác động kép tới nền kinh tế toàn cầu, khiến những bước phục hồi sau đại dịch Covid-19 rất chậm chạp. Tại Việt Nam, tình trạng phải nghỉ giãn việc, giảm việc của NLĐ đã xuất hiện từ quý IV/2022 và kéo dài suốt năm nay...

Trong bối cảnh đó, từ sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và sự nỗ lực của các bộ, ngành, Việt Nam đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Dù chỉ tiêu tăng trưởng GDP trên 5% chưa đạt kỳ vọng đề ra, nhưng với nhiều nước đã là niềm mơ ước. Các thị trường thương mại, dịch vụ, du lịch cũng đã vượt những mục tiêu đề ra. “Về lĩnh vực xã hội, Việt Nam là điểm sáng được quốc tế ghi nhận trong cuộc chiến chống đói nghèo. Việt Nam tăng nhiều bậc trong bảng xếp hạng những quốc gia tham gia các chỉ số đánh giá về phát triển xã hội”- Phó Thủ tướng khẳng định.

Cũng theo Phó Thủ tướng, Trung ương đã tổng kết Nghị quyết 15 về chính sách an sinh xã hội và tiếp tục ban hành Nghị quyết 42 về vấn đề chính sách xã hội trong tình hình mới, chuyển đổi từ việc thực hiện chính sách xã hội đảm bảo và ổn định sang ổn định và phát triển… Trên tinh thần đó, Phó Thủ tướng yêu cầu ngành LĐ-TB&XH cần phối hợp với các bộ, ngành, địa phương nỗ lực hơn nữa thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao, để góp phần đảm bảo phát triển kinh tế-xã hội đất nước bền vững.

Vũ Thu