Đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài góp phần xóa đói giảm nghèo
Thời gian tới, cánh cửa để lao động Việt Nam ra nước ngoài làm việc sẽ rộng mở hơn, nhất là việc đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài góp phần quảng bá hình ảnh, giá trị tốt đẹp của đất nước, đồng thời đem lại nguồn ngoại tệ lớn cho đất nước, giúp nhiều người thoát nghèo…
Theo Bộ LĐ-TB&XH, hiện có khoảng 650.000 lao động Việt Nam đang làm việc tại hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ, thuộc hơn 30 nhóm ngành nghề và thời hạn hợp đồng khác nhau. Cụ thể, năm 2018 có 142.860 lao động, năm 2019 có 147.387 lao động đi làm việc ở nước ngoài. Trong 2 năm 2020-2021, mặc dù đại dịch Covid-19 hoành hành, nhưng Việt Nam cũng đã đưa hơn 123.000 lao động ra nước ngoài làm việc.
Bước sang năm 2022, khi đại dịch được khống chế, các nước đi lại bình thường, hoạt động xuất khẩu lao động của Việt Nam tiếp tục thích ứng với điều kiện bình thường mới và đã đưa được 142.779 lao động ra nước ngoài làm việc. Đến năm 2023, do thuận lợi về nhiều mặt, nên chỉ trong 11 tháng của năm 2023, Việt Nam đã đưa 146.156 lao động đi làm việc ở nước ngoài, đạt 121,8% kế hoạch năm.
Đặc biệt, Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi) có hiệu lực từ ngày 1/1/2022 là "cú hích", tạo hành lang pháp lý cho hoạt động xuất khẩu lao động. Theo đó, luật này đã góp phần làm minh bạch thị trường xuất khẩu lao động, đẩy mạnh vai trò của DN phái cử trong công tác tuyển chọn, đào tạo, phái cử và sau phái cử; qua đó giúp NLĐ được hưởng lợi từ việc giảm chi phí- vốn là rào cản trên con đường ra nước ngoài làm việc của họ.
Phát biểu tại Hội thảo “Nâng cao hiệu quả xuất khẩu lao động, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội của đất nước”, ông Nguyễn Bá Hoan- Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cho rằng, trong quá trình hội nhập quốc tế, cùng với đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội, tạo việc làm cho thị trường trong nước, Đảng và Nhà nước đã đề ra nhiều chủ trương, chính sách đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Qua đó, góp phần tăng nguồn thu ngoại tệ cho đất nước; cũng như tăng cường quan hệ hợp tác giữa Việt Nam với những nước sử dụng lao động...
Cũng theo ông Nguyễn Bá Hoan, lực lượng lao động này mỗi năm gửi về nước 3,5-4 tỷ USD kiều hối, góp phần phát triển kinh tế-xã hội đất nước, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống gia đình; đồng thời góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Đáng chú ý, lao động Việt Nam như những đại sứ du lịch, giúp quảng bá văn hóa, hình ảnh đất nước, con người Việt Nam ra thế giới.
“Những kết quả đạt được đã khẳng định chủ trương của Đảng và Nhà nước ta là đúng đắn, đem lại nhiều lợi ích thiết thực. Nhiều người khi về nước đã tiếp tục tham gia có hiệu quả vào thị trường lao động trong nước, với tinh thần, ý thức trách nhiệm và năng lực, trình độ, kỹ năng tay nghề cao, phục vụ quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”- ông Hoan khẳng định.
Nguyệt Hà