Print

Mít tinh hưởng ứng Ngày Quốc tế phòng chống dịch bệnh năm 2023

Thứ Tư, 27 /12/2023 16:21

Sáng nay (27/12), Bộ Y tế tổ chức Lễ mít tinh hưởng ứng Ngày Quốc tế phòng chống dịch bệnh. Tham dự Lễ mít tính có Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương; Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt; đại diện các bộ, ban ngành và Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam…

Phát biểu tại Lễ mít tinh, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết, trên thế giới, dịch bệnh truyền nhiễm đang diễn biến phức tạp, khó lường, có xu hướng tăng dần tần suất và xuất hiện nguy cơ lây nhiễm các biến thể mới, các dịch bệnh mới nổi. Các bệnh lưu hành như sốt xuất huyết, tay chân miệng, sởi cũng gia tăng đáng kể, trong đó số ca mắc sốt xuất huyết tăng hơn 10 lần trong 10 năm qua...

Các đại biểu nhấn nút hưởng ứng Ngày Quốc tế phòng chống dịch bệnh năm 2023

Cũng trong năm 2023, thế giới tiếp tục ghi nhận các trường hợp mắc, tử vong do các bệnh lây truyền từ động vật sang người, các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, mới nổi tại nhiều quốc gia. "Việt Nam nằm trong khu vực khí hậu nhiệt đới gió mùa, nóng ẩm, mưa nhiều, cùng với nhu cầu giao thương, du lịch ngày càng tăng cao, nên nguy cơ đối mặt với sự lây lan của nhiều loại dịch bệnh khác nhau là rất lớn"- Thứ trưởng Liên Hương nhấn mạnh.

Để phòng bệnh từ sớm, từ xa, Bộ Y tế đã và đang tập trung tổ chức triển khai các nhiệm vụ, giải pháp theo chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ như: Chỉ thị số 25-CT/TW ngày 25/10/2023 của Ban Bí thư, Nghị quyết số 99/2023/QH15 của Quốc hội và Nghị quyết số 218/NQ-CP ngày 18/12/2023 của Chính phủ. Đồng thời, chủ động đẩy mạnh tiếp cận an ninh y tế toàn cầu trong phòng chống dịch, trên cơ sở phối hợp liên ngành, đa lĩnh vực, thể hiện tinh thần trách nhiệm của Việt Nam cùng cộng đồng quốc tế ứng phó với dịch bệnh…

Nhân dịp này, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương đã kêu gọi toàn dân và cộng đồng nâng cao ý thức phòng bệnh, tăng cường sức khỏe; thường xuyên, tích cực tham gia các hoạt động phòng chống dịch. Đồng thời, đề nghị các ngành, các địa phương phối hợp chỉ đạo và huy động toàn hệ thống chính trị-xã hội tham gia phòng chống dịch, đảm bảo chuẩn bị sẵn sàng các phương án ứng phó với các đại dịch hoặc tình huống khẩn cấp về dịch bệnh.

Bên cạnh đó, xác định rõ vị trí, vai trò và tầm quan trọng của y tế dự phòng, y tế cơ sở; củng cố, nâng cao năng lực của hệ thống phòng chống dịch các tuyến, đặc biệt tại các vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, khu vực miền núi, biên giới, hải đảo, khu vực tập trung đồng bào DTTS.

"Để tiếp tục hoàn thành tốt nhiệm vụ phòng chống dịch nói riêng và sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân nói chung, ngành Y tế mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ; sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ban ngành, địa phương; sự đóng góp, hỗ trợ của bạn bè quốc tế và sự ủng hộ, đồng lòng tham gia tích cực của cộng đồng xã hội"- Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương nhấn mạnh.

Phát biểu tại Lễ mít tinh, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt cũng cho biết, các hoạt động kỷ niệm Ngày Quốc tế phòng chống dịch bệnh nhắc chúng ta về tác động của các dịch bệnh đã và đang gây ra; nhận thức được tầm quan trọng của phòng chống dịch bệnh để giáo dục, tuyên truyền về việc phòng ngừa và ứng phó với dịch bệnh. Đồng thời, cũng giúp nâng cao mức độ sẵn sàng ứng phó nhanh hơn, hiệu quả hơn, phù hợp hơn với bất kỳ dịch bệnh nào có thể xảy ra.

Nhân Ngày Quốc tế phòng chống dịch bệnh năm 2023, Tổng Thư ký Liên hợp quốc đã đưa ra thông điệp hưởng ứng "Từ bài học của đại dịch Covid-19, hãy cùng nhau hành động cho một thế giới khỏe mạnh hơn, bình đẳng hơn". Các thông điệp truyền thông hưởng ứng ngày này cũng đã được Bộ Y tế xây dựng.

Cụ thể gồm: Toàn dân, toàn xã hội tham gia phòng, chống dịch bệnh; không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác; chủ động phòng bệnh từ sớm, từ xa, từ cơ sở; phòng chống dịch bệnh bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình và cộng đồng; thường xuyên rửa tay, vệ sinh cá nhân để phòng chống dịch bệnh; ăn chín, uống sôi, an toàn thực phẩm để phòng chống dịch bệnh; thường xuyên vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, nơi ở để ngăn ngừa mầm bệnh phát triển; tiêm vắc-xin là biện pháp hiệu quả để chủ động phòng chống dịch bệnh; quan hệ tình dục an toàn để phòng chống bệnh lây truyền qua đường tình dục; thực hiện lối sống khoa học, dinh dưỡng đầy đủ để tăng cường sức đề kháng; không tiếp xúc động vật ốm, chết và không sử dụng thực phẩm không an toàn; phòng chống dịch bệnh mùa Đông Xuân: giữ ấm cơ thể; thể dục, thể thao; nâng cao thể trạng; khi có dấu hiệu mắc bệnh, đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, thăm khám kịp thời; không tự ý mua, sử dụng kháng sinh để phòng và chữa bệnh; thực hiện 2K (khẩu trang-khử khuẩn) để phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm; đeo khẩu trang khi đến cơ sở y tế, trên các phương tiện công cộng, tại các địa điểm tập trung đông người.

Hà Hùng