Print

Ethiopia vỡ nợ quốc gia

Thứ Năm, 28 /12/2023 08:49

Không thể thanh toán số tiền 33 triệu USD trái phiếu quốc tế, ngày 26/12, Ethiopia chính thức trở thành quốc gia châu Phi thứ ba vỡ nợ trong nhiều năm qua.

Hãng thông tấn Reuters đưa tin, hồi tháng 12, Ethiopia- đất nước đông dân thứ hai ở châu Phi tuyên bố dự định công bố tình trạng vỡ nợ vì phải chịu áp lực tài chính nghiêm trọng sau đại dịch COVID-19 và cuộc nội chiến kéo dài 2 năm vừa kết thúc vào tháng 11/2022.

Theo lịch trình, Ethiopia phải thực hiện thanh toán vào ngày 11/12 nhưng trên lý thuyết ngày 26/12 mới là hạn cuối nhờ điều khoản "thời gian ân hạn" 14 ngày được ghi trong loại trái phiếu trị giá 1 tỷ USD này. Các nguồn thạo tin cho biết, các trái chủ vẫn chưa được trả lãi tính đến cuối ngày 22/12- ngày làm việc cuối cùng của ngân hàng quốc tế trước khi hết thời gian ân hạn.

Các quan chức chính phủ Ethiopia đã không trả lời yêu cầu bình luận. Tuy nhiên, vụ vỡ nợ được nhiều người dự đoán trước sẽ khiến nước này cùng với hai quốc gia châu Phi khác là Zambia và Ghana tham gia tái cơ cấu "Khuôn khổ chung" toàn diện.

Ethiopia lần đầu tiên yêu cầu giảm nợ theo sáng kiến Sáng kiến đình chỉ nghĩa vụ trả nợ do Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) thúc đẩy vào đầu năm 2021. Tiến độ ban đầu bị trì hoãn do tình hình nội chiến, nhưng do quốc gia Đông Phi này rơi vào cảnh dự trữ ngoại hối cạn kiệt và lạm phát tăng cao, các chủ nợ chính phủ chính thức trong đó có Trung Quốc đã đồng ý một thỏa thuận đình chỉ nghĩa vụ trả nợ vào tháng 11.

Hôm 8/12, chính phủ Ethiopia thừa nhận các cuộc đàm phán song song mà họ thực hiện với các quỹ hưu trí và các chủ nợ tư nhân nắm giữ trái phiếu đã thất bại.

Bị hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19 và xung đột quân sự ở vùng Tigray, Ethiopia phải chật vật tìm cách thanh toán các khoản nợ quốc tế. Tuần trước, Bộ Tài chính nước này cho biết họ đã nỗ lực đàm phán lại các điều khoản trái phiếu trước thời hạn thanh toán lãi. Tuy nhiên, các bên không đạt được thỏa thuận về việc gia hạn trả lãi suất và chia nhỏ các đợt thanh toán cho khoản nợ trái phiếu 1 tỷ USD của Ethiopia. Khoản nợ dự kiến đáo hạn vào tháng 12/2024.

Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) được công bố ngày 13/12 vừa qua, chi phí đi vay toàn cầu tăng mạnh nhất trong 4 thập niên đã đẩy khoản thanh toán nợ nước ngoài của tất cả các nước đang phát triển lên 443,5 tỷ USD vào năm 2022. Điều này làm cạn kiệt nguồn vốn cho các nhu cầu quan trọng về y tế, giáo dục và khí hậu, đồng thời khiến các nước nghèo nhất có nguy cơ ngày càng tăng "rơi vào khủng hoảng nợ".

Trong Báo cáo nợ quốc tế mới nhất, WB cho biết, các khoản thanh toán dịch vụ nợ - bao gồm cả gốc và lãi đã tăng 5% lên mức kỷ lục 443,5 tỷ USD trong năm 2022 so với một năm trước đó, trong bối cảnh lãi suất toàn cầu tăng mạnh nhất trong 4 thập niên. Các khoản thanh toán dịch vụ nợ có thể tăng cao hơn 10% trong giai đoạn năm 2023-2024.

Trong đó, 75 quốc gia nghèo nhất sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Các khoản thanh toán dịch vụ nợ công nước ngoài của các quốc gia này đạt mức kỷ lục 88,9 tỷ USD vào năm 2022 và sẽ tăng 40% trong giai đoạn 2023-2024. Chỉ riêng khoản thanh toán lãi đã tăng gấp bốn lần kể từ năm 2012 lên 23,6 tỷ USD.

"Đây là thập kỷ của sự tính toán… Mức nợ kỷ lục và lãi suất cao đã đẩy nhiều quốc gia vào con đường khủng hoảng", nhà kinh tế trưởng Indermit Gill của WB bình luận.

Chi phí trả nợ cao, gánh nặng nợ cao cùng với tốc độ tăng trưởng chậm lại ở nhiều quốc gia đã làm dấy lên mối lo ngại về một cuộc khủng hoảng nợ mới và nguy cơ lây lan, nhưng ông Gill không cho rằng rủi ro đó "sắp xảy ra".

Hoàng Dương