Chuyển đổi số nhanh, hiệu quả, bền vững, toàn diện, không để ai bị bỏ lại phía sau
Chiều 28/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp thứ 7 của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số về tổng kết hoạt động năm 2023 và phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2024.
Tham dự Hội nghị có Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang- Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số; Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng- Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số; lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương; Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Đức Hoà- Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo chuyển đổi số ngành BHXH Việt Nam tham dự tại điểm cầu BHXH Việt Nam.
Đánh giá kết quả nổi bật về chuyển đổi số quốc gia năm 2023, đại diện Bộ TT-TT thông cho biết, Chương trình Chuyển đổi số quốc gia, Chiến lược Quốc gia phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số đặt ra 62 mục tiêu, trong đó 18 mục tiêu đã hoàn thành (đạt 29%), 27 mục tiêu có khả năng hoàn thành cao (chiếm 43,5%) và 17 mục tiêu cần phải nỗ lực tập trung mới có thể hoàn thành đúng hạn (chiếm 27,5%). Kế hoạch năm 2023 đặt ra 126 nhiệm vụ, trong đó có 102 nhiệm vụ đã hoàn thành, đạt tỷ lệ 81%.
Tại Hội nghị, các báo cáo và ý kiến phát biểu của lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, DN đã đánh giá về những thành tựu, kết quả, tồn tại, hạn chế, điểm nghẽn, khó khăn, vướng mắc, chia sẻ cách làm hay, bài học kinh nghiệm trong chuyển đổi số thời gian qua. Đồng thời, nêu rõ các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm và đề xuất, kiến nghị cho thời gian tới.
Đáng chú ý, Bộ Công an triển khai CSDL quốc gia về dân cư, đã kết nối, chia sẻ dữ liệu cho 15 bộ, ngành, 63 địa phương và 4 DN, phục vụ hơn 1,3 tỷ lượt yêu cầu tra cứu, 537 triệu lượt đồng bộ thông tin. Hiệu quả của việc khai thác dữ liệu dân cư đã tạo thuận lợi cho người dân khi thực hiện các DVC.
Ví dụ, việc đăng ký KCB đã giảm thời gian từ 10 phút đến vài giờ còn khoảng 10 giây; thời gian đón tiếp bệnh nhân ước tính giảm được hơn 1 giờ so với trước; rút ngắn thời gian chờ cấp thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi từ 5 ngày xuống còn 2 ngày; rút ngắn thời gian giải quyết hưởng mai táng phí từ 10 ngày xuống còn 7 ngày.
Dịch vụ cấp hộ chiếu phổ thông do Bộ Công an cung cấp đã tiếp nhận trên 2,15 triệu hồ sơ, trong đó có 1,98 triệu hồ sơ trực tuyến, đạt tỷ lệ trên 95%. Hộ chiếu sẽ được gửi theo đường bưu chính công ích về tận nhà. Dịch vụ thông báo lưu trú do Bộ Công an cung cấp đã tiếp nhận 4.919.882 hồ sơ, trong đó có 4.912.994 hồ sơ trực tuyến, đạt tỷ lệ 99,9%.
Trong lĩnh vực giáo dục-đào tạo, trước đây, hơn 1 triệu học sinh tham gia dự thi THPT và hơn 660.000 thí sinh đăng ký xét tuyển phải nhập tay các thông tin bằng phiếu xét tuyển, mất nhiều thời gian và dễ gặp sai sót. Năm 2023, 94% học sinh đã đăng ký theo hình thức trực tuyến. Các thông tin cơ bản đã được đồng bộ và điền tự động vào biểu mẫu, học sinh không cần nhập lại dữ liệu đã có trong CSDL quốc gia về dân cư và CSDL chuyên ngành.
Việc giải quyết TTHC ở một số địa phương có sự thay đổi đột phá. Ví dụ, tháng 6/2023, tỉnh Quảng Ninh cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho 2 dự án có tổng vốn gần 250 triệu USD chỉ trong 12 giờ làm việc- kể từ thời điểm nhà đầu tư nộp hồ sơ trực tuyến qua C ổng DVC của tỉnh, rút ngắn thời gian 14 ngày làm việc so với quy định.
Phát biểu kết luận Phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, chuyển đổi số nhanh, hiệu quả, bền vững, toàn diện hơn, không để ai bị bỏ lại phía sau là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, đột phá của Chính phủ trong nhiệm kỳ này. Đánh giá cao những đóng góp tích cực của chuyển đổi số đối với phát triển kinh tế-xã hội đất nước, Thủ tướng nhấn mạnh: "Năm Dữ liệu số quốc gia 2023 đã tạo những nền tảng cơ bản trong tạo lập và chia sẻ dữ liệu trong cơ quan nhà nước, tạo nền móng cho phát triển cả 3 trụ cột là: Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số".
Thủ tướng cũng nhấn mạnh các kết quả chính như: Đánh giá quốc tế về chuyển đổi số của Việt Nam đạt nhiều kết quả tích cực. Việt Nam là quốc gia có tốc độ phát triển kinh tế số nhanh nhất khu vực Đông Nam Á trong 2 năm liên tiếp (2022-2023). Theo ước tính của Bộ TT-TT, kinh tế số năm 2023 đã đóng góp khoảng 16,5% GDP. Năm Dữ liệu số quốc gia đạt nhiều thành tích quan trọng. Các CSDL quốc gia, chuyên ngành được đẩy mạnh triển khai xây dựng, kết nối, chia sẻ; tạo tiện ích trong việc cung cấp DVC trực tuyến cho người dân, DN.
Công tác hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách tạo khuôn khổ cho chuyển đổi số quốc gia được triển khai tích cực, hiệu quả. Phát triển hạ tầng số đạt nhiều kết quả tích cực. Gần 80% người dân Việt Nam sử dụng internet. An ninh mạng, an toàn thông tin ngày càng được coi trọng. Có 65% hệ thống thông tin được xác nhận bảo vệ an toàn thông tin theo cấp độ. Gần 4.800 trang web của cơ quan nhà nước được đánh giá và dán nhãn tín nhiệm mạng...
Bên cạnh kết quả đạt được, Thủ tướng cũng chỉ rõ những tồn tại, hạn chế như: Việc xây dựng, hoàn thiện môi trường pháp lý, cơ chế, chính sách còn chậm so với yêu cầu phát triển; còn 18 mục tiêu của Chương trình Chuyển đổi số quốc gia cần nỗ lực tập trung mới có thể hoàn thành đúng hạn; nhiều TTHC chưa được cắt giảm, đơn giản hóa; vẫn chưa ban hành được phương pháp đo lường tỷ trọng kinh tế số trong GDP cũng như tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực.
Bên cạnh đó, chất lượng DVC trực tuyến còn chưa cao. Việc phát triển hạ tầng số còn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Công tác bảo đảm an ninh, an toàn các hệ thống thông tin, CSDL, bảo vệ dữ liệu cá nhân còn nhiều hạn chế, bất cập. Nhân lực số vừa thừa vừa thiếu, do đào tạo số lượng lớn, nhưng chưa bảo đảm chất lượng. Công tác thông tin, truyền thông, tạo đồng thuận trong xã hội nhằm thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia tại nhiều nơi chưa được coi trọng, mang tính hình thức, chiếu lệ...
Nêu rõ chủ đề chuyển đổi số năm 2024 là "Phát triển kinh tế số với 4 trụ cột công nghiệp công nghệ thông tin, số hóa các ngành kinh tế, quản trị số, dữ liệu số- Động lực quan trọng cho phát triển kinh tế-xã hội nhanh và bền vững", Thủ tướng yêu cầu các cấp, các ngành phải luôn có tư duy đổi mới, tầm nhìn chiến lược, tư tưởng phải thông, quyết tâm phải lớn, nỗ lực phải cao, hành động phải quyết liệt với phương pháp khoa học, thực tiễn, hiệu quả.
Bên cạnh đó, cần bám sát thực tiễn; kế thừa, phát huy hơn nữa những kết quả đạt được; tạo đột phá hơn nữa với quan điểm toàn diện, tổng thể, không để ai bị bỏ lại phía sau trong công cuộc chuyển đổi số; ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tạo động lực theo tinh thần bắt kịp, tiến cùng và nỗ lực đột phá vượt lên trong phát triển kinh tế số ngang tầm quốc tế, khu vực, góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả.
Theo Thủ tướng, phát triển kinh tế số phải lấy tri thức và dữ liệu số làm yếu tố sản xuất chủ yếu, công nghệ số làm động lực cốt lõi và hạ tầng số hiện đại làm nền tảng quan trọng để đẩy nhanh công cuộc cơ cấu lại nền kinh tế, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và mô hình quản trị văn minh, hiện đại, thực hiện khát vọng công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Đồng thời, phát huy tính chủ động, sáng tạo; huy động mọi nguồn lực, sự tham gia của cả hệ thống chính trị, người dân và cộng đồng DN để phát triển kinh tế số. Xây dựng cơ chế, chính sách nhằm tận dụng mọi nguồn lực, nhằm phát triển mạnh mẽ hạ tầng số, ứng dụng số, dữ liệu số đồng bộ, hiện đại, có tính liên thông, kết nối cao làm cơ sở cho phát triển thương mại điện tử, dịch vụ số thuận tiện, chất lượng cao, chi phí hợp lý...
Ngoài ra, Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần tích cực, chủ động, kịp thời, hiệu quả hơn nữa trong phối hợp với Bộ Công an để khai thác toàn diện, kịp thời, hiệu quả CSDL quốc gia về dân cư, phục vụ đơn giản hóa TTHC, giảm chi phí đầu vào, thời gian đi lại cho người dân, DN, góp phần xây dựng CSDL "đúng, đủ, sạch, sống"... Đặc biệt, chú trọng đảm bảo an toàn thông tin, an ninh mạng các hệ thống thông tin, CSDL.
Hà Thủy