Print

Thị trường lao động chuyển động tích cực những tháng cuối năm

Thứ Sáu, 29 /12/2023 11:55

Thị trường lao động đang có xu hướng chuyển động khá tích cực trong những tháng cuối năm khi lao động có việc làm và thu nhập bình quân tháng của NLĐ tăng; tỷ lệ thất nghiệp và tỷ lệ thiếu việc làm trong độ tuổi lao động giảm so với quý trước...

Báo cáo nhanh từ các địa phương cho biết, số lao động nghỉ giãn việc của các DN trên cả nước trong quý IV năm nay là khoảng 77,8 nghìn người, giảm 187,3 nghìn người so với quý trước và giảm 218,2 nghìn người so với cùng kỳ năm trước, trong đó chiếm đa số là các DN có vốn đầu tư nước ngoài (chiếm 72,6% tổng số lao động nghỉ giãn việc), chủ yếu ở ngành da giày (chiếm 45,7%) và dệt may (chiếm 25,1%).

Số lao động bị mất việc trong quý IV/2023 là 85,5 nghìn người, giảm 32,9 nghìn người so với quý trước và giảm 32,1 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, tập trung chủ yếu ở các DN ngoài nhà nước với 75,2% và chủ yếu tập trung ở TP.HCM khoảng 28,1 nghìn người.

Báo cáo tổng hợp của Tổng cục Thống kê cũng chỉ ra một số điểm tích cực của thị trường lao động Việt Nam. Năm 2023, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên trên cả nước đạt 52,4 triệu người, cao hơn 0,7 triệu người so với năm trước. Lao động từ 15 tuổi trở lên có việc làm đạt 51,3 triệu người, tăng 683 nghìn người (tương ứng tăng 1,35%) so với năm 2022. Số lao động có việc làm ghi nhận tăng ở cả khu vực thành thị và nông thôn cũng như ở nam giới và nữ giới.

Tính chung năm 2023, lao động có việc làm là 51,3 triệu người, tăng 683 nghìn người (tương ứng tăng 1,35%) so với năm trước. Trong đó, khu vực thành thị là 19 triệu người, tăng 331,8 nghìn người so với năm trước; khu vực nông thôn là 32,3 triệu người, tăng 351,1 nghìn người. Xét theo khu vực kinh tế, lao động có việc làm năm 2023 trong khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản là 13,8 triệu người, chiếm 26,9% và giảm 118,9 nghìn người so với năm trước; khu vực công nghiệp và xây dựng là 17,2 triệu người, chiếm 33,5% và tăng 248,2 nghìn người; khu vực dịch vụ là 20,3 triệu người, chiếm 39,6% và tăng 553,6 nghìn người. Đây là xu hướng chuyển dịch khá tích cực của thị trường lao động khi NLĐ đang có xu hướng chuyển sang những khu vực kinh tế có mức thu nhập cao hơn.

Điều đáng ghi nhận khác là tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ năm 2023 là 27%, có sự gia tăng so với năm trước. Thu nhập bình quân tháng của NLĐ cũng có xu hướng tăng lên. Cụ thể, thu nhập bình quân của lao động quý IV/2023 là 7,3 triệu đồng/tháng, tăng 180 nghìn đồng so với quý III/2023 và tăng 444 nghìn đồng so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, thu nhập bình quân tháng của lao động nam là 8,3 triệu đồng/tháng, lao động nữ là 6,1 triệu đồng/tháng; thu nhập bình quân của lao động ở khu vực thành thị là 8,9 triệu đồng/tháng, khu vực nông thôn là 6,3 triệu đồng/tháng.

Tính chung năm 2023, thu nhập bình quân của lao động là 7,1 triệu đồng/tháng, tăng 6,9%, tương ứng tăng 459 nghìn đồng so với năm trước. Trong đó, thu nhập bình quân của lao động nam là 8,1 triệu đồng/tháng, lao động nữ là 6 triệu đồng; thu nhập bình quân của lao động ở khu vực thành thị là 8,7 triệu đồng/tháng, khu vực nông thôn là 6,2 triệu đồng/tháng.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Tổng cục Thống kê, chất lượng thị trường lao động vẫn chưa được cải thiện khi số lao động làm các công việc bấp bênh, thiếu tính ổn định vẫn chiếm tỷ trọng lớn. Số lao động có việc làm phi chính thức chung (bao gồm cả lao động làm việc trong hộ nông, lâm nghiệp và thủy sản) trong quý IV/2023 là 33,5 triệu người, chiếm 65,1% trong tổng số lao động có việc làm, tăng 90,1 nghìn người so với quý trước và tăng 108,8 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Tính chung năm 2023, tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức là 64,9%, giảm 0,9 điểm phần trăm so với năm trước. Trong đó, khu vực thành thị là 49,4%, giảm 0,9 điểm phần trăm; khu vực nông thôn là 74,1%, giảm 0,8 điểm phần trăm; nam là 68,1%, giảm 0,8 điểm phần trăm và nữ là 61,4%, giảm 0,9 điểm phần trăm.

So với năm trước, tình hình thất nghiệp và thiếu việc làm có cải thiện nhưng vẫn ở tỷ lệ khá cao. Tính chung năm 2023, số người thiếu việc làm trong độ tuổi lao động là 918,5 nghìn người (giảm 79,8 nghìn người so với năm trước), chiếm tỷ lệ 2,01% (giảm 0,20 điểm phần trăm so với năm trước). Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động năm 2023 là 2,28% (giảm 0,06 điểm phần trăm so với năm trước), trong đó khu vực thành thị là 2,73%; khu vực nông thôn là 2%. Trong đó, riêng tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên (từ 15-24 tuổi) năm 2023 là 7,63%, giảm 0,15 điểm phần trăm so với năm trước...

Thống kê các năm qua cho thấy, tỷ lệ lao động không sử dụng hết tiềm năng (lao động có nhu cầu làm việc nhưng không được đáp ứng đủ công việc) của Việt Nam thường dao động ở mức 4%. Đa số lao động không sử dụng hết tiềm năng là những người từ 15-34 tuổi (49,3%). Tính chung năm 2023, số lao động không sử dụng hết tiềm năng là 2,3 triệu người, chiếm tỷ lệ 4,3% (giảm gần 0,3 triệu người, tương đương giảm 0,6 điểm phần trăm so với năm trước). Điều này cho thấy Việt Nam vẫn còn một bộ phận không nhỏ lực lượng lao động tiềm năng chưa được khai thác, đặc biệt là nhóm lao động trẻ.

Hiện vẫn có khoảng 38 triệu NLĐ chưa qua đào tạo từ sơ cấp trở lên. So với các năm trước, sự chuyển dịch cơ cấu ngành giữa khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản và hai khu vực còn lại năm nay dường như chậm lại. Nếu các năm 2020 và 2022, tỷ trọng lao động trong ngành nông nghiệp giảm lần lượt là 1,0 điểm phần trăm và 1,6 điểm phần trăm và tăng lên tương ứng ở hai khu vực còn lại thì đến năm 2023 thì tỷ trọng lao động trong ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản giảm chậm hơn, chỉ giảm 0,6 điểm phần trăm...

Theo đánh giá của Tổng cục Thống kê, bước sang năm 2024, kinh tế-xã hội nước ta phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn nên chịu tác động đan xen nhiều mặt. Trong khi đó, kinh tế thế giới đang gia tăng khả năng suy thoái, bất ổn; biến động nhanh và khó lường về kinh tế, chính trị, quân sự; thiên tai dịch bệnh khó dự báo trước. Do đó, để đạt mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, tạo đà tăng trưởng và hoàn thành mục tiêu của giai đoạn 2021-2025 là thách thức rất lớn. Đó cũng là điều kiện cần thiết để thị trường lao động cải thiện, ổn định đời sống nhân dân.

Một trong những giải pháp các bộ, ngành cần chung tay thực hiện, đó là tạo điều kiện đẩy mạnh sản xuất trong nước, nhất là các mặt hàng nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào, quy hoạch các vùng nguyên liệu phục vụ sản xuất để chủ động nguồn cung đồng thời với tăng cường tiêu thụ hàng hóa, sản phẩm đầu ra. Triển khai hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu, tháo gỡ rào cản, tạo thuận lợi cho tiêu thụ trong nước và xuất khẩu sản phẩm nông, lâm nghiệp, thủy sản và công nghiệp chế biến chế tạo; đa dạng hóa thị trường và hàng hóa xuất khẩu. Điều chỉnh kịp thời chính sách nhằm tăng cường thu hút đầu tư trực tiếp của nước ngoài có chất lượng cao.

Thái An