Print

Liên Hợp Quốc kêu gọi xây dựng thế giới bình đẳng và khỏe mạnh hơn

Thứ Tư, 03 /01/2024 12:35

Thế giới phải chuẩn bị cho đại dịch tiếp theo và hành động dựa trên những bài học rút ra từ COVID-19 - Tổng thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres nhấn mạnh như vậy trong thông điệp nhân Ngày Quốc tế Chuẩn bị cho Dịch bệnh (27/12).

Đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng đến hàng trăm triệu người, khiến hàng triệu người tử vong và gây ra những tác động tàn khốc cho nhân loại. Sau những nỗ lực chưa từng có trên khắp thế giới trong suốt 3 năm, vào ngày 5/5, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tuyên bố chấm dứt tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng đối với COVID-19 nhưng khẳng định điều đó không có nghĩa là căn bệnh này không còn là mối đe dọa toàn cầu.

"Thiệt hại kinh tế do đại dịch gây ra vẫn còn. Nhiều hệ thống chăm sóc sức khỏe đang gặp khó khăn. Hàng triệu trẻ em đang bị đe dọa bởi bệnh tật sau khi không được tiêm chủng định kỳ", ông Guterres phản ánh trong thông điệp đăng trên trang web của Liên Hợp Quốc.

Theo nhà lãnh đạo Liên Hợp Quốc, ba năm sau khi vắc xin ngừa COVID-19 đầu tiên được phát triển, hàng tỷ người vẫn không được bảo vệ, chủ yếu ở các nước đang phát triển.

"Khi đại dịch tiếp theo xảy ra, chúng ta phải làm tốt hơn. Nhưng chúng ta vẫn chưa sẵn sàng. Chúng ta phải chuẩn bị và hành động dựa trên những bài học về COVID-19", ông Guterres kêu gọi.

"Chúng ta phải loại bỏ thảm họa y tế và đạo đức khi các nước giàu tích trữ và kiểm soát nguồn cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho đại dịch, đồng thời đảm bảo mọi người đều có quyền tiếp cận chẩn đoán, điều trị và vắc xin", ông nói và nhấn mạnh thêm rằng thẩm quyền và nguồn tài chính của WHO cũng phải được tăng cường.  

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc chỉ ra con đường phía trước nằm ở sự hợp tác toàn cầu. Thế giới phải cải thiện việc giám sát virus, tăng cường hệ thống y tế và biến lời hứa về Bảo hiểm Y tế Toàn cầu thành hiện thực. Và những nỗ lực này đang đạt được tiến bộ.

Ông Guterres nhắc lại rằng cuộc họp cấp cao về Phòng chống, Chuẩn bị và Ứng phó với Đại dịch, được tổ chức hồi tháng 9, đã kết thúc bằng một tuyên bố chính trị mạnh mẽ bổ sung cho các cuộc đàm phán đang tiến hành hướng tới một hiệp định về đại dịch. Ông kêu gọi các nước chung tay xây dựng một văn kiện toàn diện về sẵn sàng phòng chống dịch bệnh tại Phiên họp Hội đồng Y tế thế giới năm 2024, xây dựng một thế giới bình đẳng và khỏe mạnh hơn cho tất cả mọi người.

Trước đó, trong thông điệp cuối năm được phát đi ngày 26/12, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus đã bày tỏ niềm vui khi thấy cuộc sống trở lại bình thường sau 3 năm "khủng hoảng, đau khổ và mất mát" trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19.

Vào tháng 5/2023, WHO cũng đã dỡ bỏ cảnh báo nguy hiểm đối với bệnh Mpox (đậu mùa khỉ) và phê duyệt các loại vắc-xin mới chống sốt rét, sốt xuất huyết và viêm màng não. Trong thông điệp của mình, ông Tedros mô tả năm 2023 đánh dấu bước ngoặt trong cuộc chiến chống lại các vấn đề y tế nghiêm trọng bất chấp "những khổ đau/bất hạnh mà lẽ ra thế giới đã có thể tránh được".

Qua thông điệp đăng trên nền tảng mạng xã hội X, Chủ tịch Đại hội đồng Liên Hợp Quốc Dennis Francis kêu gọi tăng cường đoàn kết toàn cầu và lòng tin để bảo vệ quyền sức khỏe của tất cả mọi người, vì hòa bình, thịnh vượng và phát triển bển vững.

Tiếp nối Tuyên bố chính trị của lãnh đạo cấp cao các nước đưa ra tại Phiên họp cấp cao đầu tiên của Liên Hợp Quốc về sẵn sàng phòng chống và ứng phó dịch bệnh vào tháng 9/2023, Chủ tịch Francis cũng kêu gọi các nước tiếp tục nỗ lực trong bàn bạc việc sửa đổi Điều lệ Y tế toàn cầu.

Ngọc Tuấn