Print

Băn khoăn quy định ngân hàng làm đại lý bảo hiểm nhân thọ

Thứ Hai, 15 /01/2024 16:05

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ 5, chiều 15/1/2024, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Vương Đình Huệ, Quốc hội tiến hành thảo luận về Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).

Thảo luận tại Hội trường, ĐB Phạm Văn Thịnh (Bắc Giang) đánh giá cao quá trình tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), đồng thời bày tỏ nhất trí cao với nhiều nội dung Dự thảo Luật. ĐB cho biết tại 2 kỳ họp trước đã phát biểu về việc ngân hàng thương mại làm đại lý BH nhân thọ, cơ quan soạn thảo tiếp thu một phần những vẫn còn băn khoăn.

Theo ĐB Thịnh, mức chiết khấu tối đa cho đại lý BH nhân thọ với 2 loại sản phẩm BH nhân thọ phổ biến là BH nhân thọ tử kỳ và BH hỗn hợp là 4% cho phí BH năm đầu. Tại các ngân hàng thương mại có liên kết lại làm đại lý BH nhân thọ có hiện tượng gợi ý ép khách hàng vay vốn phải mua BH nhân thọ với mức đóng 1 năm bằng từ 2% đến 4% giá trị khoản vay. Tại các ngân hàng thương mại, nhân viên ngân hàng được giao chỉ tiêu số hợp đồng BH và chỉ tiêu doanh thu phí BH nhân thọ. “Theo kết luận thanh tra của Bộ Tài chính tháng 7/2023 đối với 4 doanh nghiệp BH nhân thọ cung cấp sản phẩm BH cho khách hàng qua kênh ngân hàng thương mại đã cho thấy tỷ lệ hủy hợp đồng sau năm đầu tiên của khách hàng lên tới 70%. Mà hủy năm đầu thì khách hàng mất không số phí đã nộp. Nhiều ngân hàng còn gợi ý khách hàng vay vốn nộp phí 2 năm đầu 2 năm đầu thì số tiền khách hàng vay vốn phải bỏ thêm còn lên đến 4 đến 8% giá trị khoản vay. Lãi suất thực của vốn đưa ra nền kinh tế do phải mua thêm BH nhân thọ có thể tăng lên đến 50 đến 100% trong 2 năm đầu so với lãi suất trên hợp đồng tín dụng”- ĐB dẫn chứng.

Với thực tiễn và lợi ích lớn như vậy, ĐB Phạm Văn Thịnh cho rằng nếu dự thảo Luật chỉ tiếp thu theo hướng bổ sung khoản 2, Điều 113: Ngân hàng thương mại được thực hiện hoạt động đại lý BH theo quy định của pháp luật về kinh doanh BH, phù hợp với phạm vi hoạt động đại lý BH theo quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước thì sẽ không có gì đảm bảo cho được tình trạng chèn ép khách hàng vay vốn mua BH hoặc lợi dụng sự thiếu hiểu biết của khách hàng có tiền gửi tiết kiệm để mua sản phẩm BH nhân thọ như thời gian gian vừa qua. “Dự thảo Luật cần bổ sung 1 điều giao Chính phủ ban hành văn bản quy định việc kinh doanh các sản phẩm BH mà ngân hàng thương mại và các tổ chức tín dụng làm đại lý để đảm bảo công khai, minh bạch, bảo vệ quyền của khách hàng vay vốn cũng như gửi tiết kiệm tại ngân hàng”- ĐB Thịnh đề nghị.

Đồng tình với ý kiến trên, ĐB Phạm Văn Hòa- Đồng Tháp nhấn mạnh, hệ lụy của việc các ngân hàng liên doanh, liên kết bán BH thời gian qua đã rất rõ ràng rồi. Các ngân hàng vốn không có trụ sở BH. Do vậy, quan điểm là không cho phép các ngân hàng liên doanh, liên kết bán BH…

Liên quan đến cơ cấu sở hữu cổ phần tại Dự thảo luật, ĐB Đoàn Thị Lê An- Cao Bằng cho rằng, về tỷ lệ sở hữu cổ phần (Điều 63) giảm xuống, việc khống chế tỷ lệ sở hữu cổ phần có thể ảnh hưởng tới các ngân hàng. Do đó, cần xem xét các thủ tục, làm rõ cơ cấu sở hữu cổ phần, đặc biệt là những trường hợp cố ý làm trái quy định. Cụ thể, tỷ lệ sở hữu cổ phần của cổ đông là tổ chức và người có liên quan của cổ đông đó không vượt quá 15% và 20% giảm xuống còn 10% và 15%. Mục đích của việc giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần này nhằm hướng tới việc loại bỏ tình trạng sở hữu chéo, sử dụng tỷ lệ sở hữu cổ phần để thao túng, chi phối hoạt động của các tổ chức tín dụng từ một số cổ đông, nhóm cổ đông lớn. “Vấn đề điều chỉnh tỷ lệ sở hữu này không có nhiều ý nghĩa để hạn chế sở hữu chéo. Điều này chỉ kiểm soát được về mặt hồ sơ. Việc khống chế tỷ lệ không quan trọng bằng việc giám sát thực thi quy định, chưa nói đến việc có thể tạo ra rào cản ngăn cản dòng vốn ngoại chảy vào hệ thống ngân hàng Hà Nội khi những người chủ ngân hàng nắm giữ 15- 20% vốn ngân hàng không thể lũng đoạn các hoạt động cho vay của chính tổ chức đó. Trên thực tế, những trường hợp sai phạm vừa qua cho thấy tỷ lệ sở hữu thực sự của những chủ thể này cao hơn rất nhiều so với quy định thông qua các công ty con, công ty liên kết hoặc các cá nhân đứng tên đó”- ĐB Lê An phân tích.

Cũng theo ĐB Lê An, việc sửa đổi pháp luật để phù hợp thực tiễn rất cần thiết. Tuy nhiên, khống chế tỷ lệ sở hữu tại ngân hàng không đủ ngăn tái diễn vụ việc tương tự như Ngân hàng SCB bởi sở hữu chéo hay thao túng ngân hàng bản chất rất phức tạp. Nếu nhìn trên giấy tờ, nhiều cổ đông sở hữu thấp hơn tỷ lệ cho phép nhưng vẫn nắm quyền chi phối. Do đó, bên cạnh việc siết tỷ lệ sở hữu với hiệu quả còn khá mơ hồ. Cần xem xét quy định thật chặt chẽ về điều kiện, thủ tục cấp tín dụng cho khách hàng liên quan. Cổ đông có hệ thống giám sát chéo, thiết lập một khung pháp lý cụ thể trong lĩnh vực tài chính để làm rõ cơ cấu sở hữu, chủ sở hữu thực và trách nhiệm giải trình, xử lý nghiêm minh với những trường hợp cố ý làm trái…

V.Thu