Print

Thư viện làng và văn hóa đọc ở nông thôn Ấn Độ

Thứ Ba, 16 /01/2024 12:16

Vào một buổi chiều oi bức, chúng tôi bước vào thư viện của làng Kalda, nằm ở Panchayat Ghar (Ấn Độ). Cái nóng dường như dịu đi rất nhiều vì thư viện nằm giữa cánh đồng xanh tươi, từng làn gió mát thổi qua, cánh cửa rộng mở.

Có khoảng một chục thanh thiếu niên đang ngồi chăm chú đọc sách trên những chiếc bàn mới tinh. Các kệ của thư viện có đầy đủ sách thuộc nhiều thể loại khác nhau. Qua cửa sổ thư viện, người ta có thể nhìn thấy đường cao tốc ngoại vi phía Đông (EPE) ở phía xa xa. “Khai trương vào tháng 11 năm ngoái bằng tiền đóng góp của dân làng, thư viện là địa điểm yêu thích của thanh thiếu niên nơi đây. Ngoài sách truyện, ở đây có cả sách tham khảo và học sinh, sinh viên còn dành nhiều thời gian để thu thập tài liệu chuẩn bị cho các kỳ thi”- Arvind Nagar, một tình nguyện viên, hiện giúp quản lý thư viện cho biết.

Làng Kalda không phải là ngôi làng duy nhất ở Ấn Độ thành lập thư viện. Trên thực tế, phong trào xây dựng thư viện ở khu vực nông thôn đã và đang lan rộng ở Ấn Độ trong vài năm trở lại đây. Chỉ riêng trong năm qua, khoảng 100 thư viện với cơ sở vật chất khang trang và trang bị điều hòa được thành lập ở các làng Noida, Ghaziabad, Meerut, Bulandshahr… và nhiều nơi khác hưởng ứng một sáng kiến cộng đồng do thanh thiếu niên khởi xướng. Mọi chuyện bắt đầu vào năm 2020, một nhóm học sinh ở Ghaziabad đã đến gặp Lal Bahar- Thanh tra của Ủy ban Nhân quyền Quốc gia Ấn Độ- phản ánh về việc thiếu không gian học tập. Ông tiếp nhận phản ánh và đề nghị xem xét mở thư viện ở làng Ghaziabad. Chính quyền và người dân lập tức đồng ý. Dân làng đã quyên góp được 5 vạn rupee và thư viện đã được khai trương vào tháng 8 năm ngoái”.

Trong vòng một tháng sau, Lal Bahar bắt đầu tiếp cận các làng lân cận để khuyến khích họ xây dựng những thư viện tương tự. Người dân các làng hưởng ứng rất nhiệt tình. Hàng trăm thư viện làng đã được khánh thành. Quả thực, những nỗ lực của cộng đồng này rất quan trọng ở một quốc gia như Ấn Độ, nơi chi tiêu bình quân đầu người cho thư viện thuộc hàng thấp nhất thế giới. Ví dụ, Mỹ chi 35,96 USD bình quân đầu người hàng năm cho các thư viện công cộng, còn ở Ấn Độ, con số này chỉ là 7 USD. Theo Điều tra dân số năm 2011, có 70.817 thư viện ở khu vực nông thôn và 4.580 ở khu vực thành thị phục vụ dân số lần lượt hơn 830 triệu người và 370 triệu người. Mặc dù số lượng thư viện là một phần của Cuộc điều tra dân số lần đầu tiên vào năm 2011 nhưng chưa có thông tin chính xác về chất lượng, cơ sở hạ tầng và khả năng cung cấp dịch vụ.

Prem Prakash, người đồng sáng lập Tổ chức Paper Bridge, cho biết: “Paper Bridge đã thành lập hơn 300 thư viện tại các ngôi làng ở 11 bang, bao gồm cả vùng Đông Bắc, Kashmir. Chúng tôi cũng đã thành lập khoảng 150 thư viện ở các vùng nông thôn bị ảnh hưởng bởi Naxal của Jharkhand. Đến nay, Tổ chức đã thu thập được hơn 200.000 cuốn sách. Chúng tôi khuyến khích người quyên góp để lại thông điệp trên các cuốn sách để tương tác với những người đọc sau này. Những thông điệp này đóng vai trò như một “cầu nối” giữa mọi người- Đó là lý do vì sao chúng tôi đặt tên cho dự án là Paper Bridge (chiếc cầu (bằng) giấy)”.

Tại Tamil Nadu, trong vài năm qua, ông Shiva Shankar, cựu Giáo sư tại Viện Toán học Chennai và Asai Thambi Replong, đồng thời là Giáo sư ngành Văn học Anh tại Đại học Pachaiyappa (Chennai) cùng cộng sự đã thành lập 18 thư viện ở 15 huyện, tất cả đều có trên 3.000 cuốn sách/thư viện: “Chúng tôi mong muốn tạo cơ hội bình đẳng về đọc cho thanh thiếu niên ở nông thôn. Mục tiêu của dự án là góp phần hỗ trợ xây dựng 100 thư viện vì thư viện là một công cụ hiệu quả để hòa nhập và trao quyền cho xã hội”.

“Thư viện có thể là chìa khóa cho sự hồi sinh xã hội, giáo dục và văn hóa của các ngôi làng”- Lal Bahar, người đã làm nên phong trào thành lập thư viện làng ở Ấn Độ nhận định- “Trước đây, ở làng chúng tôi, khi một người cao tuổi nhìn thấy một cậu bé đang rong chơi, ông ấy sẽ nói: 'Con đang làm gì ở đây vậy, về nhà đi”. Còn bây giờ, thanh thiếu niên sẽ nhận được lời khuyên: “Đừng lãng phí thời gian, con hãy đến thư viện để đọc sách nhé”.

Tùng Anh (Theo Hindustan Times)