Print

Cơ chế đặc thù cho Chương trình Mục tiêu Quốc gia phải vừa chặt chẽ, vừa linh hoạt

Thứ Ba, 16 /01/2024 16:15

Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp bất thường lần thứ 5, chiều 16/1, Quốc hội thảo luận dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các Chương trình Mục tiêu Quốc gia và Tờ trình về việc bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021-2025.

Tham gia thảo luận, đa số ý kiến thống nhất với sự cần thiết về ban hành Nghị quyết Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các Chương trình Mục tiêu Quốc gia (sau đây gọi là dự thảo Nghị quyết). Đồng thời, các đại biểu nhấn mạnh, việc ban hành chính sách đặc thù là xuất phát từ yêu cầu cấp bách của thực tiễn để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh triển khai thực hiện các Chương trình Mục tiêu Quốc gia, thực hiện khoản 2, Điều 2, Nghị quyết số 108/2023/QH15 của Quốc hội về giám sát chuyên đề các CTMTQG. Qua đó, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân và thu hẹp khoảng cách giữa các vùng miền.

Góp ý cụ thể, ĐB Lê Kim Toàn (Bình Định) cho rằng, các cơ chế đặc thù trong dự thảo Nghị quyết cần được thiết kế chặt chẽ nhưng phải bảo đảm tính chất “mở” để có có chế điều chỉnh khi cần. “Nhiều nội dung cơ chế đặc thù được thực hiện trong năm 2024. Ví dụ như điều chỉnh dự toán ngân sách, điều chỉnh dự toán ngân sách chưa giải ngân của các năm trước. Vấn đề là 3 Chương trình Mục tiêu Quốc gia được thực hiện trong cả giai đoạn, kéo dài đến 2025. Trong khi cơ chế điều chỉnh dự toán ngân sách chỉ thực hiện trong năm 2024, vậy trường hợp năm 2024 và 2025, một số hạng mục, khoản chi chưa thanh quyết toán xong thì có cho phép điều chỉnh dự toán hay không?”- ĐB Toàn phân tích.

Từ đây, ĐB Lê Kim Toàn cho rằng, nên có cơ chế mở, linh hoạt trong cả giai đoạn thực hiện 3 Chương trình Mục tiêu Quốc gia. Đối với cơ chế quản lý tài sản hình thành từ dự án do Nhà nước hỗ trợ sản nước, cần thiết kế cơ chế Nhà nước hỗ trợ các dự án để phát triển sản xuất cho người dân, cộng đồng, hộ gia đình và có cơ chế giám sát sử dụng nguồn vốn nhà nước hiệu quả, tránh lợi ích nhóm. Khi cộng đồng dân cư và hộ gia đình thực hiện các dự án này có hình thành tài sản từ nguồn vốn nhà nước thì họ được sở hữu tài sản đó.

Đồng quan điểm, ĐB Nguyễn Phương Thủy (Hà Nội) đánh giá Nghị quyết đề xuất nhiều cơ chế, chính sách mang tính “thí điểm” để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các Chương trình Mục tiêu Quốc gia, song các nội dung trong Nghị quyết chưa quy định rõ việc “thí điểm” ra sao. Mặt khác, thể hiện sự quan tâm tới phạm vi điều chỉnh (Điều 1) cũng như thời gian triển khai thực hiện, bởi hiện nay có 3 Chương trình mục tiêu quốc gia nhưng thời gian thực hiện khác nhau. Bên cạnh đó, Nghị quyết đề xuất nhiều cơ chế, chính sách để đơn giản hóa các TTHC, tăng cường phân cấp cho địa phương triển khai thực hiện các dự án trong CTMTQG. “Tuy nhiên, việc phân cấp nhưng lại không có cơ chế kiểm soát nếu xảy ra sai sót, vi phạm trong quá trình triển khai thực hiện rất khó để xem xét trách nhiệm”- ĐB Nguyễn Phương Thuỷ nhấn mạnh.

Dưới góc độ khác, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nêu rõ, nội dung này đã được Ủy ban TVQH họp và cho ý kiến, theo đó, việc ban hành một số cơ chế, chính sách đặc thù phải trên nguyên tắc, “mắc phải gỡ và gỡ đến cùng”, chứ “không gỡ lưng chừng và tuyệt đối không tạo rào cản mới”. Đặc biệt, trên tinh thần việc ban hành một số cơ chế, chính sách đặc thù phải có ý nghĩa cả trước mắt cũng như lâu dài, dự thảo Nghị quyết phải là cơ sở để tổng kết, xem xét áp dụng cho giai đoạn sau của 3 CTMTQG và xây dựng chính sách cho các Chương trình mới. Dù Nghị định số 27/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các CTMTQG và Nghị định số 38/2023/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 27/2022/NĐ-CP) đã tháo gỡ một số vấn đề, nhưng đây mới chỉ ở tầm nghị định của Chính phủ, do vậy lần này phải luật hóa bằng Nghị quyết của Quốc hội, tạo cơ sở pháp lý để các địa phương mạnh dạn làm. “Một nguyên tắc nữa được Ủy ban TVQH yêu cầu, đó là “ủy quyền nhưng cấp trên phải chịu trách nhiệm”, chứ không phải “ủy quyền là dưới muốn làm gì thì làm”. Do vậy, trong điều khoản thi hành cần quy định rõ việc, Chính phủ phải tăng cường kiểm tra, HĐND phải chịu trách nhiệm trong phạm vi, quyền hạn của mình và tăng cường giám sát”- Phó Chủ tịch Quốc hội nói.

ĐB Văn Thị Bạch Tuyết- TP Hồ Chí Minh nêu rõ, kết quả giám sát vừa qua cho thấy có nhiều vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện CTMTQG, đặc biệt trong sử dụng vốn đầu tư. Vì thế, cần có cơ chế để sử dụng hiệu quả các nguồn vốn phân bổ thực hiện chương trình. Do đó, đề xuất của Chính phủ để tháo gỡ các nội dung này trong Tờ trình và Dự thảo Nghị quyết là phù hợp.

Nhất trí với dự thảo Nghị quyết, ĐB Nguyễn Minh Đức- TP Hồ Chí Minh phân tích, theo dự thảo Nghị quyết, đối tượng áp dụng phải là doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, hợp tác với cá nhân, hộ gia đình. Như vậy, các dự án để được hưởng CTMTQG được phân bổ ngân sách, ưu tiên cơ chế đặc thù thì không thể là cá nhân đứng độc lập mà phải liên kết thành dự án. Nếu Nghị quyết không quy định cụ thể sẽ khó triển khai, bởi ở miền núi, vùng sâu vùng xa, người dân sống cách xa nhau. “Chính quyền địa phương phải có trách nhiệm tuyên truyền, nâng cao nhận thức để người dân liên kết đầu tư sản xuất”- ĐB Đức nêu ý kiến.

Góp ý chi tiết về cơ chế, chính sách đặc thù trong thực hiện CTMTQG (Điều 4), ĐB Nguyễn Minh Đức cho biết, tại khoản 5 về quản lý, sử dụng tài sản hình thành từ dự án hỗ trợ phát triển sản xuất có nêu: “Trường hợp cộng đồng người dân tham gia dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng cùng thống nhất đề xuất tiếp tục sử dụng các tài sản hình thành từ nguồn vốn hỗ trợ của ngân sách nhà nước, cơ quan quản lý dự án hỗ trợ phát triển sản xuất báo cáo cấp có thẩm quyền phê duyệt dự án xem xét, quyết định giao những tài sản này hỗ trợ cho người dân tiếp tục thực hiện phát triển sản xuất (tài sản đã chuyển giao không phải là tài sản công)”; “cấp có thẩm quyền phê duyệt dự án hỗ trợ phát triển sản xuất…”. Theo ĐB, các chủ thể theo dự thảo Nghị quyết là Quốc hội, tiếp đến là Chính phủ, HĐND tỉnh và huyện, UBND cấp tỉnh và huyện rồi xuống xã. Vậy, cấp có thẩm quyền phê duyệt là cấp nào cần phải được làm rõ, nếu lửng lơ sẽ khó thực hiện…

Nguyệt Hà