Hơn 55,7 triệu lượt tra cứu thông tin thẻ BHYT bằng số ĐDCN/CCCD thành công phục vụ KCB BHYT
Thực hiện Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 6/1/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06), đến nay, BHXH Việt Nam đã triển khai với nhiều kết quả nổi bật.
Theo đó, tính 15/1/2024, Hệ thống của BHXH Việt Nam đã xác thực hơn 95,4 triệu thông tin nhân khẩu trong CSDL do BHXH Việt Nam quản lý, trong đó có khoảng 87,4 triệu người đang tham gia, thụ hưởng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp, chiếm 97,1% tổng số người tham gia (không bao gồm lực lượng vũ trang, thân nhân quân đội) với CSDL quốc gia về dân cư.
Cùng với đó, 100% cơ sở KCB BHYT đã triển khai KCB BHYT bằng CCCD gắn chip (đáp ứng yêu cầu tra cứu thông tin thẻ BHYT bằng số định danh cá nhân/CCCD). Tính đến 15/1/2024, đã có hơn 55,7 triệu lượt tra cứu thông tin thẻ BHYT bằng số định danh cá nhân/CCCD thành công phục vụ làm thủ tục KCB BHYT.
Với việc triển khai KCB BHYT bằng CCCD, người bệnh BHYT chỉ cần sử dụng CCCD để làm thủ tục KCB, giúp đơn giản hóa thủ tục, tiết kiệm thời gian cho cả người bệnh và cán bộ y tế, cơ quan BHXH cũng tiết kiệm được chi phí in ấn và phát hành thẻ BHYT.
Thực hiện các dịch vụ công (DVC) và DVC liên thông tính đến ngày 15/1/2024, BHXH các tỉnh, thành phố đã tiếp nhận: 535.676 hồ sơ đề nghị cấp thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi. Với việc triển khai thủ tục hành chính liên thông, BHXH Việt Nam rút ngắn thời gian thời gian chờ cấp thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi từ 5 ngày xuống còn 2 ngày.
Tiếp nhận 6.544 hồ sơ đề nghị giải quyết hưởng mai táng phí. Với việc triển khai liên thông thủ tục hành chính này giúp rút ngắn thời gian giải quyết hưởng mai táng phí từ 10 ngày xuống còn 7 ngày.
BHXH Việt Nam đã và đang duy trì Tổ hỗ trợ triển khai 02 nhóm TTHC liên thông để thường xuyên theo dõi, hỗ trợ, cung cấp thông tin về tình hình tiếp nhận, giải quyết hồ sơ của 2 nhóm TTHC cho BHXH các tỉnh, thành phố kịp thời nắm bắt thông tin, chỉ đạo, đôn đốc các bộ phận nghiệp vụ trong việc tiếp nhận, giải quyết hồ sơ, hạn chế tối đa tình trạng xử lý hồ sơ chậm, muộn.
BHXH Việt Nam đã phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội tích hợp DVC Giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp trên Cổng DVC quốc gia từ ngày 12/4/2022. Tính đến ngày 15/1/2024, Hệ thống của BHXH Việt Nam đã tiếp nhận từ Cổng DVC quốc gia để xác nhận và trả quá trình đóng BH thất nghiệp cho 346.683 trường hợp phục vụ giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp cho người lao động.
BHXH Việt Nam đã hoàn thành việc tích hợp cung cấp 3 DVC trực tuyến theo Quyết định số 422/QĐ-TTg ngày 04/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ lên Cổng DVC quốc gia. Theo đó, tính đến ngày 15/1/2024, Hệ thống của BHXH Việt Nam đã tiếp nhận và xử lý 6.268 giao dịch đăng ký, đóng BHXH tự nguyện.
Toàn Ngành BHXH Việt Nam đã tiếp nhận và xử lý 41.240 trường hợp đăng ký đóng, cấp thẻ BHYT, gia hạn thẻ BHYT thông qua DVC "Đăng ký đóng, cấp thẻ BHYT đối với người chỉ tham gia BHYT" (gộp dịch vụ công Gia hạn thẻ BHYT theo hộ gia đình).
Thực hiện DVC "Giải quyết hưởng BHXH một lần (thuộc nhóm áp dụng thí điểm xác thực chữ ký số được tích hợp trong ứng dụng trên thiết bị di động để phục vụ cung cấp DVC trực tuyến).
Thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 149/QĐ-TTg ngày 22/01/2020 về việc phê duyệt Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030: “Đẩy mạnh thực hiện chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH không dùng tiền mặt qua hệ thống ngân hàng”; Quyết định số 1813/QĐ-TTg ngày 28/10/2021 về việc phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025: “60% số người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp thất nghiệp trên địa bàn đô thị được chi trả thông qua các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt.”
Để thực hiện chỉ tiêu giao, BHXH Việt Nam đã nỗ lực thực hiện các giải pháp như: Ban hành Kế hoạch số 1823/KH-BHXH ngày 09/6/2020 về việc “Đẩy mạnh thực hiện chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp thất nghiệp (TCTN) không dùng tiền mặt qua hệ thống ngân hàng từ năm 2020 đến năm 2025”; Hàng năm thực hiện giao chỉ tiêu vận động, khuyến khích người nhận các chế độ BHXH, TCTN qua phương thức thanh toán không dùng tiền mặt khu vực đô thị cho BHXH các tỉnh, thành phố.
Trong đó có đưa ra các giải pháp để BHXH các tỉnh thực hiện phát triển số người nhận các chế độ BHXH, TCTN qua phương thức thanh toán không dùng tiền mặt như: Tham mưu với UBND các tỉnh, thành phố ban hành văn bản chỉ đạo các đơn vị có liên quan trên địa bàn tỉnh, thành phố phối hợp, lồng ghép tuyên truyền chủ trương của Chính phủ, của Ngành; tăng cường công tác tuyên truyền, đổi mới phương pháp, hình thức tuyên truyền; phân tích, xác định nhóm người hưởng tiềm năng; phối hợp với Trung tâm dịch vụ việc làm, các đơn vị sử dụng lao động trên địa bàn hướng dẫn người lao động khai báo thông tin tài khoản để nhận chế độ qua tài khoản cá nhân ngay từ khi lập hồ sơ đề nghị hưởng các chế độ BHXH, TCTN,…
Đến nay, có khoảng 64% số người hưởng nhận các chế độ BHXH, TCTN qua tài khoản cá nhân tại khu vực đô thị, tăng khoảng 3% so với năm 2022 (vượt 4% chỉ tiêu giao tại Quyết định số 1813/QĐ-TTg ngày 28/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ). Trong đó: Lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng đạt: 47% (tăng 5% so với năm 2022, tăng 10% so với năm 2021); Chế độ BHXH một lần đạt: 94% (tăng 2% so với năm 2022, tăng 9% so với năm 2021); Trợ cấp thất nghiệp đạt: 98% (tăng 2% so với năm 2022, tăng 5% so với năm 2021).
BHXH Việt Nam đã phối hợp thành công việc cung cấp thông tin sổ BHXH lên ứng dụng VNeID. BHXH Việt Nam đã phối hợp với Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (Cục C06) - Bộ Công an thực hiện điều chỉnh, nâng cấp ứng dụng VssID đáp ứng yêu cầu kết nối, tích hợp tài khoản VNeID với ứng dụng VssID (đăng nhập ứng dụng VssID bằng tài khoản VNeID). Đã triển khai chính thức từ ngày 19/10/2023...
Hà Thuỷ