Print

Hà Nội: Bảo đảm hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán

Thứ Tư, 24 /01/2024 09:36

Để chuẩn bị cho Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, Sở Công Thương Hà Nội cho biết, đã xây dựng kế hoạch và đưa ra nhiều giải pháp, chủ động các phương án đáp ứng nhu cầu hàng hóa tăng cao của người dân.

Theo báo cáo của Sở Công Thương Hà Nội, nhu cầu tiêu dùng trong một tháng Tết của người dân Hà Nội khoảng 97.650 tấn gạo, 19.500 tấn thịt lợn hơi, 5.400 tấn thịt bò, 6.500 tấn thịt gia cầm, 5.420 tấn thủy sản, 5.420 tấn thực phẩm chế biến, 52.400 tấn rau củ, 130 triệu quả trứng gia cầm và 52.400 tấn trái cây...

Ngoài một số mặt hàng Hà Nội có khả năng tự cung ứng (thịt lợn, thịt gia cầm, trứng gia cầm, thủy sản nước ngọt), các nhóm hàng còn lại khả năng Hà Nội chỉ đáp ứng khoảng 20-70% nhu cầu. Vì vậy, việc dự trữ hàng hóa đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong thời điểm trước, trong và sau Tết là điều cần thiết.

Để đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân trong dịp Tết, Sở Công Thương Hà Nội đã lên phương án dự trữ lượng hàng hóa trị giá 40.900 tỷ đồng, tăng 10% so với Tết năm 2023. Trong đó, ưu tiên hàng Việt Nam và đặc sản các vùng, miền. Cụ thể: Dự trữ 58.500 tấn thịt lợn, 292.000 tấn gạo, 19.500 tấn gia cầm, 16.200 tấn thịt bò, 390 triệu quả trứng, 325.500 tấn rau củ, 16.260 tấn thủy sản, 16.260 tấn thực phẩm chế biến, 1500 tấn bánh kẹo…

Ông Nguyễn Thế Hiệp- Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội thông tin thêm, thời điểm hiện tại, giá bán các mặt hàng thiết yếu phục vụ Tết tương đối ổn định, không có hiện tượng tăng giá đột biến. Giá thịt lợn hơi có dao động tăng nhẹ so với tháng trước, giá rau ăn lá và rau trái mùa tăng nhẹ do ảnh hưởng của mưa dài ngày, tuy nhiên nguồn cung vẫn tương đối ổn định, đảm bảo phục vụ nhu cầu tiêu dùng trên địa bàn.

Bên cạnh đó, các DN đã đẩy mạnh bán hàng qua kênh online, triển khai thanh toán điện tử, giao hàng tận nơi cho khách hàng và chủ động kết nối với các tỉnh, thành phố, sẵn sàng cung ứng đưa ngay hàng về Hà Nội khi có nhu cầu sử dụng cao và có biến động xảy ra. Đến thời điểm hiện tại, hàng hóa phục vụ Tết tại các hệ thống phân phối dồi dào, đa dạng, sẵn sàng phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân.

“Hiện nay, hệ thống bán lẻ trên địa bàn đã tổ chức nhiều chương trình bán hàng với mức khuyến mãi hấp dẫn đối với các mặt hàng Tết như khuyến mãi giảm giá ưu đãi lên đến 50%, bốc thăm trúng thưởng, giá sốc kèm tặng quà, các lễ hội trái cây, dùng thử sản phẩm...), góp phần tăng kích cầu tiêu dùng trên địa bàn dịp Tết 2024”- ông Hiệp chia sẻ.

Bà Nguyễn Thị Kim Dung- Giám đốc siêu thị Co.opmart Hà Nội cho biết, siêu thị đã thực hiện dự trữ nguồn hàng hóa thiết yếu ngay từ giữa năm 2023. Trong đó, 9 nhóm hàng lương thực, thực phẩm thuộc Chương trình bình ổn thị trường được dự trữ tăng từ 20-50% tùy theo nhóm hàng so với tháng kinh doanh bình thường, với tổng giá trị lên đến 10.000 tỷ đồng.

Trong khi đó, theo đại diện Vincommart, đơn vị đã xây dựng, lên phương án cung ứng hàng hóa 2-3 tháng trước Tết; đồng thời thu mua hàng hóa từ các tỉnh, địa phương để chuẩn bị cho dịp Tết, chú trọng các mặt hàng trọng tâm như rau củ quả, thịt, trứng, cá... "Hiện nguồn cung lương thực, thực phẩm luôn dồi dào, giá cả không biến động lớn. Đơn vị sẽ theo dõi diễn biến thị trường để bảo đảm nguồn thực phẩm cũng như bình ổn giá cho người dân dịp Tết"- đại diện Vincommart thông tin.

Hà Thủy