Print

Đảm bảo kiểm soát kịp thời, hiệu quả, bền vững các dịch bệnh truyền nhiễm

Thứ Tư, 24 /01/2024 13:04

Thời gian tới, Bộ Y tế sẽ triển khai quyết liệt các giải pháp nhằm giảm tối đa tỷ lệ mắc và tử vong do các bệnh truyền nhiễm; đảm bảo kiểm soát kịp thời, hiệu quả, bền vững các dịch bệnh truyền nhiễm, hạn chế nguy cơ bùng phát và chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với các đại dịch hoặc các tình huống khẩn cấp về dịch bệnh trong tương lai, để bảo vệ sức khỏe nhân dân và tạo điều kiện phát triển kinh tế-xã hội.

Sáng 24/1, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai công tác phòng chống dịch bệnh năm 2024. Hội nghị được kết nối với điểm cầu UBND, Sở Y tế các địa phương, các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế các vùng miền, nhằm đánh giá các kết quả công tác phòng chống dịch bệnh năm 2023, phân tích các tồn tại, vướng mắc để đưa ra các giải pháp trọng tâm của công tác phòng chống dịch năm 2024.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan phát biểu tại Hội nghị

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, hiện nay tình hình bệnh truyền nhiễm trên thế giới vẫn đang diễn biến phức tạp, nhất là các bệnh lây truyền qua đường hô hấp. Thời gian cuối năm 2023 và đầu năm 2024, nhiều quốc gia, trong đó có các quốc gia trong khu vực đã ghi nhận gia tăng số mắc, nhập viện do Covid-19 và các bệnh lây truyền qua đường hô hấp.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trong tháng 12/2023, thế giới ghi nhận gần 10.000 ca tử vong do Covid-19, số ca nhập viện tăng 42% so với tháng 11/2023. Dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, khó lường, chưa ổn định. Miễn dịch đáp ứng do mắc bệnh hoặc tiêm chủng giảm dần theo thời gian; virus liên tục biến đổi. Trong đó, đáng chú ý là biến thể JN.1 (tháng 12/2023) đã gia tăng nhanh chóng trên phạm vi toàn cầu. Nhiều quốc gia trên thế giới và trong khu vực đã ghi nhận sự gia tăng trở lại các ca nhiễm Covid-19 cùng với sự lây lan của các bệnh về đường hô hấp khác…

Trong nước, thời gian tới là dịp Tết Nguyên đán và mùa lễ hội đầu năm, nhu cầu giao thương, du lịch tăng cao, cùng diễn biến thời tiết thay đổi bất thường là điều kiện thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh lây lan, nguy cơ gia tăng số mắc các bệnh truyền nhiễm, các bệnh lây truyền qua đường hô hấp, nhất là với trẻ em có sức đề kháng yếu và người cao tuổi có bệnh lý nền.

“Hiện nay, tình hình dịch bệnh nói chung vẫn chưa ổn định, diễn biến khó lường. Tại khu vực miền Bắc, thời tiết gió mùa, giá lạnh, hanh khô xen kẽ nồm ẩm là nguyên nhân nhiều dịch bệnh truyền nhiễm lây lan, nhất là bệnh lây truyền qua đường hô hấp. Nhu cầu giao thương, du lịch ngày càng tăng cao, đặc biệt là dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 và mùa lễ hội đầu năm sắp tới, nguy cơ gia tăng các bệnh truyền nhiễm là rất cao”- Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh.

Các đại biểu tham dự Hội nghị tại điểm cầu Bộ Y tế

Tại Hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận, phân tích các vấn đề còn tồn tại, nguyên nhân và các giải pháp trọng tâm tăng cường công tác phòng chống dịch trong thời gian tới. Chia sẻ về những khó khăn trong công tác phòng chống dịch bệnh thời gian qua, ông Hoàng Minh Đức- Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết: Hiện nay, dịch bệnh diễn biến chưa ổn định, khó lường, luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát. Các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới nổi tiếp tục xuất hiện, các biến chủng mới, các tác nhân gây bệnh liên tục biến đổi.

Trong khi đó, công tác nhận định, dự báo tình hình dịch bệnh còn hạn chế; thiếu thông tin, dữ liệu để hỗ trợ thực hiện phân tích, đánh giá, cảnh báo dịch. Tỷ lệ tiêm chủng ở một số nơi còn thấp, chưa đạt tiến độ đề ra, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, khu vực có đông đồng bào DTTS sinh sống; miễn dịch giảm theo thời gian. Việc mua sắm, đấu thầu... còn khó khăn, dẫn đến tình trạng thiếu vắc-xin, sinh phẩm trong một số thời điểm; một số quy định về tài chính chưa có hướng dẫn hoặc chưa cụ thể.

Cũng theo lãnh đạo Cục Y tế dự phòng, thời gian tới, Bộ Y tế sẽ triển khai quyết liệt các giải pháp nhằm giảm thiểu tối đa tỷ lệ mắc và tử vong do các bệnh truyền nhiễm; đảm bảo kiểm soát kịp thời, hiệu quả, bền vững các dịch bệnh truyền nhiễm, hạn chế nguy cơ bùng phát và chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với các đại dịch hoặc các tình huống khẩn cấp về dịch bệnh trong tương lai để bảo vệ sức khỏe nhân dân và tạo điều kiện phát triển kinh tế-xã hội.

Để tiếp tục chủ động triển khai hiệu quả công tác phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn và mùa lễ hội đầu năm, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cũng đề nghị Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố làm tốt công tác tham mưu xây dựng kế hoạch phòng chống dịch bệnh và huy động nguồn lực, sự tham gia của các ban ngành, đoàn thể trong công tác phòng chống dịch bệnh.

Bên cạnh đó, phối hợp cùng các ngành liên quan tiếp tục triển khai hiệu quả các hoạt động vệ sinh phòng bệnh, đảm bảo an toàn thực phẩm và tuyên truyền nâng cao nhận thức về các biện pháp phòng chống dịch bệnh tại các cơ sở giáo dục, trường học; phòng chống dịch bệnh trên các đàn gia súc, gia cầm, giám sát, phát hiện sớm các ổ dịch ở động vật để xử lý triệt để. Tăng cường kiểm tra, ngăn chặn triệt để trường hợp gia cầm, sản phẩm gia cầm bị bệnh, nhập lậu, không rõ nguồn gốc.

Đồng thời, chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật và các đơn vị y tế dự phòng trên địa bàn thường xuyên, liên tục theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên địa bàn. Tiếp tục triển khai hiệu quả giám sát thường xuyên, giám sát dựa vào sự kiện để phát hiện sớm các ca bệnh ngay tại cửa khẩu, trong cộng đồng và tại các cơ sở y tế để xử lý kịp thời, kiểm soát sự lây lan, hạn chế các trường hợp bệnh nặng, tử vong. Tiếp tục thực hiện tốt công tác tiêm chủng; khẩn trương lên kế hoạch, triển khai tiêm chủng cho các đối tượng thuộc Chương trình tiêm chủng mở rộng.

Lãnh đạo Bộ Y tế cũng yêu cầu các cơ sở KCB thực hiện tốt công tác thu dung bệnh nhân, điều trị kịp thời, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán 2024; hạn chế tối đa các trường hợp chuyển nặng, tử vong và kiểm soát nhiễm khuẩn, không để lây nhiễm chéo trong các cơ sở y tế. Tiếp tục triển khai các giải pháp đảm bảo hậu cần, kinh phí, thuốc, vắc-xin, sinh phẩm, vật tư, hóa chất, trang thiết bị, nhân lực để sẵn sàng phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm và chuẩn bị các phương án ứng phó với các tình huống của dịch bệnh theo phương châm "4 tại chỗ".

Cùng với đó, tăng cường hoạt động truyền thông về phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm, nhất là các bệnh lây truyền qua đường hô hấp; khuyến cáo, hướng dẫn người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh cá nhân và thay đổi hành vi để nâng cao sức khỏe. Tăng cường kiểm tra, giám sát, theo dõi việc thực hiện công tác phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm trong thời gian nghỉ Tết.

Hà Hùng