Print

Khẩn trương triển khai các nhiệm vụ Đề án 06 trong năm 2024

Thứ Sáu, 26 /01/2024 09:08

Chiều 25/1, tại Hà Nội, Tổ công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ tổ chức cuộc họp tháng 1/2024, nhằm đánh giá về những kết quả đạt được từ sau ngày 21/12/2023 đến nay; chỉ rõ những vướng mắc cũng như giải pháp phối hợp để hoàn thành các nhiệm vụ cấp bách; đồng thời đưa ra lộ trình triển khai từng đầu việc để có thể về đích đúng hạn.

Theo báo cáo của Tổ công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ, từ sau Hội nghị sơ kết 2 năm triển khai Đề án 06 đến nay, các bộ, ngành thành viên Tổ công tác đã quyết liệt triển khai các nhiệm vụ. Cụ thể, Bộ TT-TT đã tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 36/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch hạ tầng thông tin và truyền thông thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; ban hành Quyết định số 2568/QĐ-BTTTT về kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam phiên bản 3.0.

Đồng thời, Bộ TT-TT cũng đã tổ chức hội thảo với các bộ, ngành và các tập đoàn công nghệ để tổng hợp, làm rõ vướng mắc trong triển khai Nghị định số 73/2019/NĐ-CP, từ đó thống nhất 5 nội dung đề xuất sửa đổi.

Bộ LĐ-TB&XH tích cực phối hợp với Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đôn đốc các địa phương triển khai chi trả an sinh xã hội dưới hình thức không dùng tiền mặt. Bộ Tài chính tích cực phối hợp với các đơn vị báo cáo, giải trình với Ủy ban Thường vụ Quốc hội về quy định tại Khoản 1, Điều 6 Luật Đầu tư công.

Đến ngày 18/1, Tổng Thư ký Quốc hội đã ban hành Thông báo kết luận của Ủy  ban Thường vụ Quốc hội, khẳng định Luật Đầu tư công, Luật NSNN và các luật liên quan khác không có quy định nào cấm sử dụng chi thường xuyên để thực hiện các dự án xây dựng, cải tạo, nâng cấp, mở rộng dự án đã đầu tư xây dựng; mua sắm tài sản; mua, sửa chữa, nâng cấp trang thiết bị, máy móc. Đây là hướng dẫn quan trọng nhằm tháo gỡ điểm nghẽn về vấn đề kinh phí cho các đơn vị, địa phương.

Bộ Công an đã phối hợp với Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam tổ chức 5.142 điểm Bưu điện cung cấp DVC trực tuyến, hướng dẫn cho 23.042 lượt người dân thực hiện với 16.486 hồ sơ trực tuyến; hoàn thiện giải pháp kỹ thuật, triển khai sản phẩm đánh giá khả tín khách hàng vay với 5 ngân hàng (Vietcombank, Vietinbank, Pvcombank, VIB, BIDV) và một tổ chức tín dụng (Mcredit).

Về nhiệm vụ cần triển khai, sau khi đã có Khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam phiên bản 3.0, các bộ, ngành, địa phương phải đánh giá lại hạ tầng CNTT của đơn vị mình đã áp dụng được phiên bản 3.0 chưa, từ đó xây dựng lộ trình đầu tư, đề xuất nguồn vốn. Bộ TT-TT tổ chức kiểm tra, hướng dẫn, ấn định thời gian hoàn thành nhiệm vụ này.

Đối với Nghị định quy định danh mục CSDL quốc gia, việc xây dựng, cập nhật, duy trì và khai thác, sử dụng CSDL quốc gia theo trình tự, thủ tục rút gọn, Bộ TT-TT khẩn trương hoàn thiện hồ sơ dự thảo Nghị định theo ý kiến của Bộ Tư pháp, trình Chính phủ trước ngày 30/3/2024 để bảo đảm cho triển khai xây dựng Trung tâm Dữ liệu quốc gia.

Hiện nay còn 466 TTHC của 12 bộ, cơ quan chưa được thực thi theo 19 nghị quyết của Chính phủ. Do đó, các bộ, cơ quan này cần khẩn trương có lộ trình hoàn thành đơn giản hoá, gửi Bộ Tư pháp trước ngày 31/1/2024 để tập hợp, báo cáo đề xuất Thủ tướng Chính phủ trong tháng 3/2024.

Để phục vụ triển khai Luật Căn cước có hiệu lực từ ngày 1/7/2024, Bộ Tư pháp và Văn phòng Chính phủ phối hợp với Bộ Công an thẩm định hoàn thiện Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Căn cước; Nghị định thay thế Nghị định số 59/2022/NĐ-CP quy định về định danh và xác thực điện tử, trình Thủ tướng ký ban hành, hoàn thành trước ngày 15/4/2024. Các bộ, ngành cần đi đầu trong việc đăng ký mã định danh tổ chức và sử dụng trong giao dịch điện tử, dần hình thành môi trường số của tổ chức, hoàn thành trong quý II/2024.

Về nhóm DVC, còn 13 DVC của 8 bộ, ngành chưa hoàn thành. Do đó, các bộ, ngành này cần tổ chức tái cấu trúc quy trình, ứng dụng CSDL quốc gia về dân cư tích hợp lên Cổng DVC quốc gia, hoàn thành trong quý I/2024. Về kết nối chia sẻ dữ liệu, đến nay đã có 19 địa phương triển khai số hoá dữ liệu hộ tịch trên nền tảng CSDL quốc gia về dân cư với 14,5 triệu dữ liệu; đã có 450/705 cấp hiện hoàn thành số hoá dữ liệu đất đai.

Tham luận tại cuộc họp, các đại biểu đã đánh giá và đưa ra những phương hướng để triển khai thực hiện có hiệu quả các mặt công tác của Đề án 06 trong năm 2024 như: Chủ động rà soát, đánh giá quy hoạch hạ tầng và khung kiến trúc hạ tầng, nhằm tiếp tục nâng cao hiệu quả thực hiện Đề án 06; tổ chức hướng dẫn các cơ sở y tế và người dân sử dụng thông tin Sổ Sức khỏe điện tử trên ứng dụng VNeID; nghiên cứu đưa ứng dụng VNeID trong triển khai giải pháp xác thực, mở tài khoản thanh toán; nghiên cứu ứng dụng Căn cước công dân gắn chip trong chi trả các chế độ BHXH; tập trung rà soát, tái cấu trúc TTHC cho việc bổ nhiệm, nâng ngạch, thăng hạng đối với CCVC…

Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang ghi nhận và biểu dương những kết quả mà các bộ, ngành, địa phương đã đạt được trong tháng đầu của năm 2024. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng chỉ rõ nhiều việc cần phải làm như: Phải tiếp tục tháo gỡ vướng mắc về hành lang pháp lý; đẩy mạnh cắt giảm TTHC; xây dựng CSDL ngành; đồng bộ thiết bị và quy chuẩn trong kết nối, liên thông CSDL…

Thời gian tới, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đề nghị các bộ, ngành, địa phương cần đẩy mạnh các mặt công tác nhằm thực hiện Đề án 06 có hiệu quả hơn nữa. Riêng Bộ Tư pháp phối hợp với các bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật nhằm tháo gỡ những khó khăn về pháp lý trong thực hiện Đề án 06, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho nhân dân trong giao dịch hành chính.

Đồng thời, Phó Thủ tướng cũng đề nghị Tổ công tác rà soát lại các công việc, nhiệm vụ của các bộ, ngành, địa phương để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc và thống nhất thực hiện giữa các bộ, ngành, địa phương.

Phát biểu kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh, để tiếp tục triển khai thực hiện các nhiệm vụ trong năm 2024- được coi là năm tiền đề quan trọng, tạo đà hoàn thành các mục tiêu Đề án 06 đề ra trong năm 2025 và cả giai đoạn 2022-2025, đề nghị các bộ, ngành, thành viên Tổ công tác và UBND các địa phương khẩn trương ban hành kế hoạch triển khai trong năm 2024; đồng thời đề nghị Văn phòng Chính phủ phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an hoàn thiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường đẩy mạnh thực hiện Đề án 06 tại các bộ, ngành, địa phương trong năm 2024 và những năm tiếp theo.

Về DVC, Bộ trưởng Tô Lâm đề nghị Văn phòng Chính phủ sớm xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục các nhóm TTHC liên thông điện tử, tích hợp, cung cấp lên Cổng DVC quốc gia năm 2024; hoàn thành trong tháng 2/2024 để các bộ, ngành xây dựng quy trình điện tử, đảm bảo tính pháp lý để thực hiện. Đồng thời, bám sát lộ trình đã đề ra để hoàn thành, trình Chính phủ ban hành Nghị định về 2 DVC liên thông “Đăng ký khai sinh- đăng ký thường trú- cấp thẻ BHYT cho trẻ dưới 6 tuổi” và “Đăng ký khai tử- xóa đăng ký thường trú- trợ cấp mai táng phí” theo trình tự, thủ tục rút gọn.

Đối với việc đảm bảo an ninh, an toàn các hệ thống CNTT của các bộ, ngành, địa phương, Bộ trưởng Tô Lâm đề nghị Bộ TT-TT chủ trì, phối hợp với Bộ Công an khẩn trương xây dựng kế hoạch kiểm tra, đánh giá đảm bảo an ninh an toàn hệ thống của các bộ, ngành; các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh tổ chức đào tạo, tập huấn về an ninh, an toàn cho CBCC trên phần mềm đào tạo trực tuyến (MOOC). Ngoài ra, các bộ, ngành, địa phương cần đẩy mạnh số hóa dữ liệu, tận dụng dữ liệu đã có để cắt giảm các TTHC…

Hà Thủy