Chương trình giáo dục phổ thông thực hiện đồng bộ, thống nhất và ổn định
Bộ GD-ĐT vừa có văn bản trả lời ý kiến của cử tri tỉnh Quảng Trị gửi đến trước Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV về vấn đề sách giáo khoa (SGK).
Trả lời cử tri tỉnh Quảng Trị về việc biên soạn bộ SGK chuẩn, thống nhất trong cả nước, Bộ GD-ĐT cho biết, Nghị quyết số 88/2014 của Quốc hội đã quy định chương trình và SGK. Theo đó, thực hiện một chương trình giáo dục phổ thông thống nhất nhưng mềm dẻo, linh hoạt; SGK cụ thể hóa các yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông về nội dung giáo dục, yêu cầu về phẩm chất và năng lực học sinh; định hướng về phương pháp giáo dục và cách thức kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục; thực hiện xã hội hóa biên soạn SGK; có một số SGK cho mỗi môn học.
Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, Bộ GD-ĐT đã ban hành Thông tư số 33/2017 quy định về tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, chỉnh sửa SGK; tiêu chuẩn tổ chức, cá nhân biên soạn SGK. Cùng với đó, tổ chức và hoạt động của Hội đồng quốc gia thẩm định SGK. Hiện nay, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đã ký ban hành các quyết định phê duyệt danh mục SGK các lớp (từ lớp 1 đến lớp 12) theo lộ trình quy định.
Tiếp đó, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 122/2020, trong đó quy định, khi thực hiện biên soạn SGK theo phương thức xã hội hóa, nếu mỗi môn học cụ thể đã hoàn thành ít nhất một SGK được thẩm định, phê duyệt theo quy định của Luật Giáo dục số 43/2019, thì không triển khai biên soạn SGK sử dụng NSNN của môn học đó.
Cũng theo Bộ GD-ĐT, Ủy ban TVQH đã ban hành Nghị quyết số 686 năm 2023 về giám sát chuyên đề việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014 và Nghị quyết số 51/2017 của Quốc hội về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông. Đồng thời, tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV đã thảo luận, ban hành Nghị quyết về kết quả kỳ họp. Trong đó, giao Bộ GD-ĐT sau năm 2025 tổng kết quá trình đổi mới chương trình giáo dục phổ thông 2018 và việc xã hội hóa biên soạn SGK để có đủ căn cứ pháp lý, thực tiễn, báo cáo Chính phủ phương án thực hiện hiệu quả, phù hợp.
Liên quan đến hạn chế, vướng mắc trong thực hiện đổi mới chương trình SGK giáo dục phổ thông như chương trình giáo dục phổ thông 2018 chưa đồng bộ, thống nhất, mới chỉ triển khai thực hiện ở lớp 1, lớp 2, lớp 3, lớp 6, lớp 7 và lớp 10, Bộ GD-ĐT nêu rõ: "Thực hiện Nghị quyết số 88 của Quốc hội, Bộ đã ban hành Chương trình giáo dục phổ thông kèm theo Thông tư số 32/2018. Trong đó, đã quy định Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được sử dụng ổn định, thống nhất, lâu dài trong cả nước và được tổ chức thực hiện phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương, cơ sở giáo dục phổ thông".
Với lộ trình theo quy định tại Nghị quyết số 51/2017 của Quốc hội, việc thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông như sau: Từ năm học 2020-2021 đối với lớp 1; từ năm học 2021-2022 đối với lớp 2 và lớp 6; từ năm học 2022-2023 đối với lớp 3, lớp 7 và lớp 10; từ năm học 2023-2024 đối với lớp 4, lớp 8 và lớp 11; từ năm học 2024-2025 đối với lớp 5, lớp 9 và lớp 12. Như vậy, đến năm học 2024-2025, toàn bộ cấp phổ thông sẽ thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Các năm tiếp theo sẽ được thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đồng bộ, thống nhất và ổn định lâu dài.
Nguyệt Hà