Print

Các tập đoàn, tổng công ty cần đóng góp cho an sinh xã hội nhiều hơn

Thứ Hai, 05 /02/2024 16:46

Kết quả chung của các tập đoàn, tổng công ty phải năm sau phải cao hơn năm trước, cụ thể là hiệu quả sản xuất kinh doanh, đầu tư phát triển, đóng góp cho ngân sách, cho tăng trưởng phải cao hơn năm 2023, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí tốt hơn, đóng góp cho an sinh xã hội nhiều hơn, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển đất nước hùng cường, thịnh vượng, mang lại cho nhân dân cuộc sống ngày càng hạnh phúc, ấm no.

Sáng 5/2, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị làm việc với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN và 19 tập đoàn, tổng công ty trực thuộc về triển khai sản xuất, kinh doanh năm 2024 và thúc đẩy đầu tư phát triển kinh tế-xã hội.

Theo các báo cáo, thời gian qua và năm 2023, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN đã nỗ lực cơ bản thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước tại DN và thực hiện vai trò cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án, DN chậm tiến độ, kém hiệu quả ngành Công Thương. Đồng thời, tích cực, chủ động cùng các cơ quan quản lý nhà nước tháo gỡ vướng mắc cho các DN nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, phát huy nguồn lực đầu tư, quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước, tài sản công, sắp xếp đất đai...

Đáng chú ý, 19 tập đoàn, tổng công ty do Ủy ban làm đại diện chủ sở hữu đã cơ bản duy trì kết quả sản xuất, kinh doanh trong năm 2023, trong đó hầu hết hoàn thành và vượt kế hoạch về doanh thu, lợi nhuận trước thuế, nộp NSNN; lợi nhuận và nộp ngân sách cao hơn năm 2022, góp phần quan trọng vào các kết quả phát triển kinh tế-xã hội chung của cả nước. Năm 2023, 15/19 tập đoàn, tổng công ty hoàn thành và vượt kế hoạch về doanh thu; 16/19 tập đoàn, tổng công ty hoàn thành và vượt kế hoạch về lợi nhuận trước thuế (riêng Vietnam Airlines giảm lỗ so với kế hoạch); 16/19 tập đoàn, tổng công ty hoàn thành và vượt kế hoạch về nộp NSNN.

Các tập đoàn, tổng công ty tiếp tục thể hiện vị trí, vai trò chủ lực, nòng cốt trong nhiều ngành, lĩnh vực kinh tế quan trọng của đất nước như: Năng lượng, hạ tầng giao thông vận tải, viễn thông và CNTT, công nghiệp, nông nghiệp... Các DN này đã cơ bản đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, cung ứng ổn định các mặt hàng, dịch vụ thiết yếu cho DN, người dân như điện, than, xăng dầu, hóa chất cơ bản- là tiền đề căn bản và động lực quan trọng để bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô... Các tập đoàn, tổng công ty cũng làm tốt các công tác an sinh xã hội, chăm lo đời sống của NLĐ.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận, biểu dương những đóng góp của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN, các tập đoàn, tổng công ty vào những thành tựu, kết quả chung của cả nước trong năm 2023, nhất là về tăng trưởng GDP, quản trị DN, đặc biệt là bảo đảm an sinh xã hội. Bên cạnh đó, Thủ tướng yêu cầu các đơn vị tuyệt đối không say sưa, thỏa mãn, chủ quan với những thành tựu, kết quả đã đạt được, mà cần chia sẻ và tìm ra giải pháp cho các khó khăn, thách thức, vướng mắc.

Theo Thủ tướng, dự báo tình hình quốc tế và trong nước tiếp tục có những thuận lợi, cơ hội và khó khăn, thách thức đan xen, trong đó khó khăn, thách thức nhiều hơn, nhất là trong phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, sinh kế cho người dân. Do đó, các tập đoàn, tổng công ty nắm giữ nguồn lực lớn, thực hiện sứ mệnh lớn phải làm ăn có lãi, đóng góp nhiều hơn nữa cho tăng trưởng GDP và NSNN. “Yêu cầu của năm 2024 với cả nước và với các tập đoàn, tổng công ty phải đạt kết quả cao hơn năm 2023”- Thủ tướng nhấn mạnh.

Để phát huy hơn nữa hiệu quả hoạt động và nguồn lực đầu tư của các tập đoàn, tổng công ty trong thực hiện kế hoạch, chiến lược phát triển kinh tế-xã hội năm 2024 và thời gian tới, Thủ tướng nêu rõ 8 nội dung chủ yếu về các quan điểm quản lý, điều hành và các nhóm nhiệm vụ lớn với hoạt động của Ủy ban và các tập đoàn, tổng công ty. Theo đó, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục bám sát chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các kết luận, nghị quyết, chỉ đạo của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ; nắm chắc tình hình thực tiễn, cụ thể hóa thành các chương trình, đề án, dự án, tổ chức thực hiện hiệu quả.

Cùng với đó, tập trung sửa đổi và đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi các luật, nghị định, thông tư có liên quan để tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn về pháp lý, nhất là liên quan lĩnh vực giá, môi trường, tài nguyên, đất đai… Cụ thể như: Nghị định số 10/2019/NĐ-CP về thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu; Nghị định số 95/2014/NĐ-CP về đầu tư và cơ chế tài chính hoạt động khoa học và công nghệ... “Tinh thần là phân cấp, phân quyền nhiều hơn đi đôi với phân bổ nguồn lực phù hợp, nâng cao năng lực thực thi, tăng cường kiểm tra, giám sát”- Thủ tướng lưu ý.

Đặc biệt, Thủ tướng nhấn mạnh cần tập trung khắc phục bằng được hạn chế, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, tập trung cho 3 đột phá chiến lược của đất nước (thể chế, hạ tầng, nhân lực), làm mới 3 động lực tăng trưởng cũ (đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng) và bổ sung các động lực tăng trưởng mới (chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, kinh tế chia sẻ)… Cùng với đó, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cắt giảm TTHC, chủ động, tích cực hơn nữa, phát huy tinh thần tấn công mạnh mẽ, bản lĩnh, tự tin, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ thuộc thẩm quyền, kiên định các vấn đề nguyên tắc nhưng linh hoạt trong thực hiện công việc cụ thể, tuân thủ các quy luật của kinh tế thị trường.

Đáng chú ý, Thủ tướng lưu ý phải không ngừng phát huy truyền thống, lịch sử phát triển qua nhiều năm của mỗi DN, tạo khí thế mới, động lực mới, kết quả mới, thắng lợi mới. Tích cực, đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, chống tư tưởng trông chờ, ỷ lại. Nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của cán bộ, công nhân, NLĐ theo hướng năm sau phải cao hơn năm trước; đóng góp tích cực cho công tác bảo đảm an sinh xã hội.

Về các nhiệm vụ cụ thể thời gian tới, Thủ tướng nhấn mạnh một số nhiệm vụ như: Các tập đoàn, tổng công ty mà nòng cốt là Tập đoàn Điện lực Việt Nam không được để thiếu điện; Tập đoàn Dầu khí Việt Nam bảo đảm đủ dầu, khí theo kế hoạch; Tập đoàn Than-Khoáng sản bảo đảm đủ than trên cơ sở kế hoạch dài hạn; Tổng Công ty Thép xử lý dứt điểm dự án mở rộng Nhà máy Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 (TISCO 2); Vietnam Airlines cắt lỗ, xử lý các vấn đề tồn đọng; Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam không để thiếu xăng dầu…

Q.Vượng