Print

Hạnh phúc là người phục vụ

Thứ Bảy, 10 /02/2024 07:23

* PV: Năm 2023 là một năm đặc biệt, khi những thách thức đặt ra cho ngành BHXH Việt Nam không chỉ ở điều kiện khách quan, mà cả đòi hỏi thay đổi trong nội tại hoạt động của Ngành. Ông/bà có thể chia sẻ về những điều hài lòng nhất trong thực hiện nhiệm vụ tại địa phương mình trong năm qua?

Có thể nói, năm 2023, BHXH TP.HCM bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi hệ lụy của dịch COVID-19, khi số NLĐ giảm tới 328.075 người. Bên cạnh đó, một số DN lợi dụng kẽ hở của pháp luật để không tham gia BHXH, BHYT. Tuy nhiên, với sự nỗ lực, quyết tâm của tập thể CCVC BHXH Thành phố, đến nay, các mục tiêu của năm 2023 đã cơ bản hoàn thành.

Điều đáng mừng nữa, đó là niềm tin của người dân vào chính sách và với cơ quan BHXH đã được tạo dựng thành công thông qua việc BHXH Thành phố thực hiện tốt việc giải quyết các TTHC, đẩy mạnh chuyển đổi số trong các hoạt động của Ngành, nên đã tạo thuận lợi cho người dân, DN. Năm 2023, qua khảo sát, đo lường mức độ hài lòng của cá nhân, tổ chức, đơn vị, DN cho thấy, tất cả các tiêu chí đạt tỷ lệ 96%...

Chúng tôi xác định, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, những tồn tại, khó khăn là điều không thể tránh khỏi, cần được nhận diện để tháo gỡ. Bên cạnh đạt một số chỉ tiêu đáng khích lệ về số thu, độ bao phủ người tham gia, BHXH tỉnh Đắk Lắk cũng kịp thời đưa việc ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số theo hướng dẫn của BHXH Việt Nam, góp phần xây dựng chính quyền điện tử. Số người tham gia BHXH, BHYT được cập nhật số định danh cá nhân (ĐDCN) vào CSDL do BHXH Việt Nam quản lý và xác thực với CSDL quốc gia đạt tỷ lệ 97,49%; toàn tỉnh phê duyệt hợp lệ 117.639 tài khoản VssID (đạt 113,65% kế hoạch).

Tỉnh Bình Dương gặp không ít khó khăn bởi tình hình kinh tế- xã hội thế giới và trong nước, dẫn đến DN thiếu đơn hàng, NLĐ mất việc làm với số lượng lớn. Tuy nhiên, với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, năm 2023, BHXH tỉnh Bình Dương đã đạt và vượt một số chỉ tiêu được giao. Cụ thể: Số thu BHXH bắt buộc tăng 2,83%; BHYT bao phủ 92% dân số; tổng số tiền chậm đóng đến 31/12/2023 giảm còn 596 tỷ đồng, đạt chỉ tiêu được giao; công tác giải quyết các chế độ được kịp thời, đầy đủ, chính xác; thực hiện giao dịch điện tử với cơ quan BHXH đạt 99,95%...

Trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức đan xen, BHXH tỉnh An Giang đã chủ động triển khai các nhiệm vụ với quyết tâm cao nhất, từ đó đạt được những kết quả tích cực: Tỷ lệ bao phủ BHXH, BHYT đều tăng so với cùng kỳ; chi đúng, chi đủ và kịp thời các chế độ… BHXH tỉnh cũng đã bám sát các giải pháp, chỉ đạo, điều hành của BHXH Việt Nam, từ đó tích cực tham mưu cho UBND tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chính sách, pháp luật BHXH, BHYT trên địa bàn. Công tác truyền thông đa dạng, sáng tạo, nên nội dung, chất lượng và hình thức truyền thông đúng trọng tâm, trọng điểm.

Một trong những kết quả BHXH tỉnh Hải Dương thấy hài lòng nhất là nỗ lực thực hiện chuyển đổi số và cải cách TTHC. Đồng thời, BHXH tỉnh Hải Dương cũng đã hết sức nỗ lực, đề ra các giải pháp nhằm hoàn thành chỉ tiêu, kế hoạch được giao và gặt hái được những kết quả quan trọng, đảm bảo quyền lợi cho người tham gia và thụ hưởng BHXH, BHYT trên địa bàn.

Tiêu biểu như số chậm đóng BHXH, BHYT tại Hải Dương giảm còn 0,7% so với số phải thu, thấp hơn bình quân chung toàn quốc; hoàn thành vượt mức kế hoạch thu, để vừa đảm bảo quyền lợi cho NLĐ, vừa đảm bảo bền vững các quỹ; hoàn thành vượt mức chỉ tiêu về cài đặt VssID và chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH qua hình thức không dùng tiền mặt…

Nhìn chung, năm 2023, BHXH tỉnh Nam Định đều hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu, kế hoạch được giao, góp phần đáng kể đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh. Trong đó, nổi bật nhất phải kể đến là thành tích phát triển đối tượng tham gia BHYT được duy trì khá ổn định trong vài ba năm gần đây. Năm 2023, chỉ tiêu BHYT đạt sớm nhất, vượt kế hoạch được giao, bao phủ khoảng 94,23% dân số, với trên 1,87 triệu người tham gia.

Cho đến thời điểm hiện tại, điều hài lòng nhất của chúng tôi chính là sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị tỉnh Nghệ An. Thời gian qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp, ban hành nhiều văn bản quan trọng, có tính chất xuyên suốt trong chỉ đạo thực hiện chính sách, pháp luật BHXH, BHYT. Cụ thể như đã đưa chỉ tiêu bao phủ BHXH, BHYT vào hệ thống chỉ tiêu kinh tế-xã hội của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025; đồng thời giao 2 chỉ tiêu này cho các sở, ngành và chính quyền cấp huyện, cấp xã triển khai thực hiện; hỗ trợ mức đóng BHYT từ ngân sách địa phương cho nhiều nhóm đối tượng...

Năm vừa qua, điều khiến chúng tôi hài lòng, đó là các chỉ tiêu, nhiệm vụ của BHXH tỉnh Bắc Giang đều tăng khá cao so với năm trước, trong khi hoạt động sản xuất kinh doanh của các đơn vị SDLĐ trên địa bàn tỉnh không thực sự thuận lợi, thậm chí có những thời điểm, số NLĐ tham gia BHXH bắt buộc giảm hàng chục ngàn người. Các chỉ tiêu, nhiệm vụ khác cũng được BHXH tỉnh Bắc Giang hoàn thành và đạt kết quả khá ấn tượng như có 231.256 người cài đặt ứng dụng VssID (đạt 117,5% kế hoạch); hoàn thành 100% kế hoạch thanh tra, kiểm tra; công tác truyền thông được đổi mới, linh hoạt, đa dạng…

Trong bối cảnh kinh tế-xã hội gặp nhiều khó khăn, những kết quả BHXH tỉnh Quảng Nam đạt được trong năm 2023 đã thể hiện sự nỗ lực hết mình của tập thể CCVC trong đơn vị. Công tác phối hợp, tuyên truyền chính sách, pháp luật BHXH, BHYT cũng được triển khai thực hiện khá đồng bộ, bám sát các hoạt động của Ngành, đảm bảo đúng định hướng, có trọng tâm, trọng điểm... Qua đó, các chủ trương, chính sách BHXH, BHYT được phổ biến rộng rãi đến cán bộ, đảng viên và nhân dân; đồng thời những bất cập trong thực tiễn được nắm bắt, phản ánh kịp thời, quyền lợi chính đáng của người tham gia ngày càng bảo đảm.

Kinh tế-xã hội năm 2023 cùng nhiều tác động từ thiên tai, bão lũ đã ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân và DN... là những khó khăn không dễ vượt qua. Tuy nhiên, trong bối cảnh này, BHXH tỉnh Quảng Trị đã có được những thuận lợi- rất tâm đắc trong thực hiện nhiệm vụ năm 2023. Đầu tiên phải kể đến là sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, vào cuộc quyết liệt của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và BCĐ các cấp, cùng sự đồng thuận của DN và người dân- đây là tiền đề quan trọng để BHXH tỉnh tổ chức thực hiện tốt chính sách BHXH, BHYT tại địa phương.

Năm 2023 được coi là năm thắng lợi của Tiền Giang, khi nhiều chỉ tiêu, nhiệm vụ đạt và vượt kế hoạch được giao. Đó là thu BHXH tự nguyện đạt 103% kế hoạch; 1,698 triệu người tham gia BHYT, đạt tỷ lệ bao phủ 95,16% dân số; tỷ lệ chậm đóng đạt thấp hơn chỉ tiêu BHXH Việt Nam giao. BHXH tỉnh Tiền Giang cũng hướng dẫn, cài đặt ứng dụng VssID cho gần 149.000 người tham gia BHXH, BHYT, đạt 114,2% kế hoạch… Những kết quả này đã tạo bước chuyển biến quan trọng, góp phần đáng kể vào việc đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.

* Có thể thấy, ngành BHXH Việt Nam tiếp tục ghi dấu ấn đẹp, góp thêm gam màu tươi sáng cho bức tranh an sinh xã hội năm 2023. Theo ông/bà, nhận thức ngày càng sâu sắc và niềm tin ngày càng lớn của người dân đối với chính sách BHXH, BHYT có phải là yếu tố giúp Ngành thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được giao?

- Ông Hoàng Văn Minh: Xác định trách nhiệm của mình, BHXH tỉnh Nghệ An luôn nỗ lực hết mình xây dựng, củng cố, bồi đắp niềm tin của người dân vào chính sách của Đảng và Nhà nước. Theo tôi, đây chính là một trong những yếu tố quan trọng giúp Ngành thực hiện tốt hơn nhiệm vụ chính trị được giao. Bên cạnh đó, để thu hút cả hệ thống chính trị vào cuộc, BHXH từ tỉnh đến huyện cũng cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp như: Thường xuyên báo cáo, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp cũng như chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể trong triển khai thực hiện chính sách BHXH, BHYT trên địa bàn...

- Ông Hồ Sỹ Nam: Có thể nói rằng, công tác truyền thông đóng vai trò then chốt, giúp lan tỏa giá trị nhân văn của chính sách. Trong năm 2023, BHXH tỉnh Quảng Trị đã linh hoạt, sáng tạo triển khai nhiều mô hình truyền thông như: Gian hàng An sinh xã hội của huyện Triệu Phong; sân khấu hóa BHXH tự nguyện của BHXH huyện Cam Lộ; xây dựng Khu dân cư điển hình tham gia BHYT, BHXH tự nguyện của BHXH huyện Hướng Hóa… Bên cạnh làm tốt công tác tham mưu, BHXH các địa phương còn chú trọng phát huy vai trò của những người có uy tín như già làng, trưởng bản để truyền thông, vận động đồng bào DTTS tham gia BHXH tự nguyện, BHYT...

- Bà Lê Minh Lý: Tôi cho rằng, cốt lõi của chính sách BHXH đã được xây dựng và gắn liền với cuộc sống của người dân, để họ có cuộc sống an yên, không phải phụ thuộc con cháu. Xác định rõ điều này, lãnh đạo BHXH tỉnh Bình Dương luôn gương mẫu đi đầu trong mọi công việc, trong đó chú trọng đào tạo đội ngũ CCVC có đủ phẩm chất đạo đức và năng lực tổ chức thực hiện chính sách, nhằm tạo sự hài lòng cho người dân, DN.

BHXH tỉnh Bình Dương cũng luôn cùng các ngành tham mưu cho tỉnh về việc tạo việc làm ổn định cho NLĐ; thực hiện tốt chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về giáo dục, phổ biến chính sách, pháp luật BHXH, BHYT tới DN, người dân; cải cách TTHC và ứng dụng CNTT trong quản lý và thực hiện các hoạt động nghiệp vụ, nhằm tạo thuận lợi cho người tham gia và hưởng chế độ.

- Bà Nguyễn Thị Thu Huyền: Cần phải đặc biệt nhấn mạnh rằng, chính sách BHXH, BHYT là chính sách an sinh xã hội, thực hiện theo nguyên tắc đóng-hưởng, nhưng cũng đầy tính chia sẻ nhân văn, lấy số đông bù số ít, thế hệ trước chia sẻ với thế hệ sau. Đáng nói hơn, chính sách BHXH còn mang tính dài hạn, người dân phải tham gia trong một thời gian dài để được hưởng chế độ hưu trí khi đã hết tuổi lao động. Với các đặc điểm đó, niềm tin, nhận thức của người dân khi tham gia BHXH, BHYT là một yếu tố vô cùng quan trọng.

Chính vì vậy, BHXH Bắc Giang đã và đang không ngừng đẩy mạnh công tác truyền thông để từng bước tác động, nâng cao nhận thức của người dân, DN về vai trò quan trọng của chính sách BHXH, BHYT. Đồng thời, luôn cố gắng nâng cao chất lượng phục vụ bằng ứng dụng CNTT, cải cách TTHC, giảm thời gian giao dịch… Điều đó sẽ giúp nâng cao sự hài lòng từ phía người dân, DN khi tham gia và thụ hưởng chính sách BHXH, BHYT. Đồng thời, BHXH tỉnh Bắc Giang không ngừng phát huy vai trò tham mưu để trình Tỉnh ủy, HĐND, UBND ban hành những quyết sách mang tính “đột phá”, tác động mạnh đến tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật BHXH, BHYT trên địa bàn.

- Ông Đặng Hồng Tuấn: Tôi đồng ý với ý kiến của các đồng nghiệp về việc “BHXH, BHYT là trụ cột chính trong chính sách an sinh xã hội”. Do đó, mục tiêu của chúng ta là cần đưa người dân trở thành trung tâm phục vụ, hướng tới mở rộng diện thụ hưởng chính sách. Để làm được điều này, toàn Ngành luôn phải đi trước một bước trong việc đổi mới thực hiện chính sách theo hướng công bằng, bền vững. Đặc biệt, cơ quan BHXH không thể tự làm chính sách an sinh xã hội được, mà cần phải có sự phối hợp với các cấp, các ngành, đoàn thể liên quan…

- Ông Nguyễn Khắc Tuấn: Để thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được giao, việc khơi dậy niềm tin và nâng cao nhận thức của người dân đối với chính sách BHXH, BHYT là điều hết sức quan trọng. Do vậy, ngoài nỗ lực của đội ngũ CCVC, cần phải đẩy mạnh tuyên truyền, vận động cả hệ thống chính trị vào cuộc. Chúng tôi cũng xác định, công tác truyền thông phải chủ động, bền bỉ, thường xuyên; chú trọng phát huy vai trò tham mưu của BHXH cấp huyện để nâng cao hiệu quả hoạt động của BCĐ các cấp, nhất là cấp huyện và xã.

* Một trong những mối quan tâm của ngành BHXH Việt Nam cũng như hệ thống chính trị là duy trì an sinh xã hội bền vững, không để người dân vì khó khăn mà phải ra khỏi vòng bảo vệ của chính sách. Ông/bà có thể cho biết, BHXH địa phương đã có những giải pháp như thế nào để đạt mục tiêu này?

- Bà Trần Thị Hương: Phải nhìn nhận rõ, hậu quả của đại dịch COVID-19 vẫn còn kéo dài, ảnh hưởng đến hoạt động của các DN và thị trường lao động. Năm 2023, bên cạnh đẩy mạnh truyền thông, BHXH tỉnh Hải Dương đã huy động 116 đơn vị, nhà hảo tâm ủng hộ hơn 1,03 tỷ đồng để tặng 7.922 thẻ BHYT. Bên cạnh đó, chú trọng cải cách TTHC, chuyển đổi số trong giải quyết các chế độ, chính sách, đáp ứng sự hài lòng của người tham gia.

Thực tế đã chứng minh, ở đâu cấp ủy, chính quyền quan tâm, chỉ đạo quyết liệt, thì công tác tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BHYT đạt được những kết quả tích cực. Do đó, trong năm 2023, BHXH tỉnh Hải Dương và BHXH các huyện luôn chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả chính sách BHXH, BHYT trên địa bàn.

- Ông Lò Quân Hiệp: Để thực hiện tốt chính sách BHXH, BHYT, chúng tôi đã chủ động thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó chú trọng huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Cụ thể như thành lập BCĐ từ cấp Thành phố đến cấp quận, huyện, xã, phường; thường xuyên chỉ đạo kịp thời việc triển khai thực hiện chính sách BHXH, BHYT. Tham mưu cho UBND Thành phố đưa chỉ tiêu phát triển BHXH, BHYT vào chỉ tiêu kinh tế-xã hội của từng địa phương. Đồng thời, tham mưu cho UBND Thành phố trình HĐND ban hành Nghị quyết hỗ trợ kinh phí mua thẻ BHYT cho một số nhóm đối tượng.

BHXH TP.HCM cũng phối hợp với các BQL KCX-KCN tổ chức tuyên truyền trực tiếp tại các đơn vị SDLĐ; phối hợp với các cơ quan, ban, ngành và các cơ quan thôing tin đại chúng tổ chức nhiều cuộc hội thảo, hội nghị, tọa đàm, đối thoại trực tiếp với NLĐ, người SDLĐ và người dân hoặc tổ chức các cuộc thi tìm hiểu chính sách, pháp luật BHXH nhằm lan tỏa tới người dân.

- Ông Võ Khánh Bình: Hiện nay, 100% số xã của Tiền Giang đạt danh hiệu nông thôn mới. Do đó, đối với các xã đã hoàn thành chỉ tiêu bao phủ BHYT, cơ quan BHXH duy trì thông tin kết quả thực hiện để có chỉ đạo kịp thời. Đồng thời, tiếp tục duy trì và đề xuất tăng nguồn kinh phí hỗ trợ BHYT, BHXH tự nguyện cho các nhóm yếu thế từ ngân sách địa phương cũng như phát huy hiệu quả các chương trình tặng sổ BHXH, thẻ BHYT cho người có hoàn cảnh khó khăn. BHXH tỉnh Tiền Giang cũng xác định các nhiệm vụ chính song song không thể tách rời, đó là: Duy trì, giữ vững số người tham gia và tăng tỷ lệ bao phủ BHXH, BHYT hằng năm theo lộ trình.

- Ông Nguyễn Thanh Danh: Với phương châm “Duy trì là nhiệm vụ ưu tiên trước mắt, phát triển người tham gia là nhiệm vụ lâu dài”, Quảng Nam đang tập trung tuyên truyền, vận động số người đã ngừng đóng BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình cũng như số đã tham dự hội nghị khách hàng nhưng chưa đăng ký tham gia BHXH, BHYT (trên 30.000 người); đồng thời có kế hoạch tuyên truyền phù hợp, đón đầu chính sách.

BHXH tỉnh Quảng Nam cũng luôn tham mưu cho UBND tỉnh kiến nghị HĐND ban hành các nghị quyết để hỗ trợ người dân được lâu dài và bền vững. Trong đó, Nghị quyết số 41 của HĐND tỉnh đã quyết định trong giai đoạn 2022-2025, ngân sách tỉnh sẽ hỗ trợ khoảng 37,2 tỷ đồng, gồm hỗ trợ 10% BHXH tự nguyện cho người thuộc hộ nghèo và hộ cận nghèo (5,5 tỷ đồng) và hỗ trợ 5% BHXH tự nguyện với đối tượng khác (31,7 tỷ đồng).

- Ông Trần Văn Dũng: Thời gian qua, BHXH tỉnh Nam Định đã tích cực tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND, HĐND tỉnh ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, đặc biệt đã thống nhất chủ trương ban hành chính sách hỗ trợ từ nguồn ngân sách địa phương cho người tham gia BHYT. Tham mưu cho cấp ủy, chính quyền tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác BHXH, BHYT gắn với quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội và phong trào xây dựng nông thôn mới.

Cơ quan BHXH cũng tăng cường phối hợp với các sở, ngành liên quan tháo gỡ, xử lý kịp thời khó khăn, vướng mắc trong thực hiện chính sách BHXH, BHYT. Xây dựng chương trình, nội dung, phương pháp truyền thông phù hợp với từng nhóm đối tượng, từng địa phương để đưa chính sách BHXH, BHYT đến với người dân...

* Năm 2023, ngành BHXH Việt Nam tiếp tục giải quyết 2 vấn đề song song tưởng chừng như mâu thuẫn, đó là: Yêu cầu sự tuân thủ pháp luật BHXH, BHYT từ phía DN; hỗ trợ, tạo điều kiện để DN hồi phục “hậu COVID-19” theo chủ trương của Chính phủ. Vậy 2 vấn đề này đã được địa phương giải quyết và hiệu quả đạt được như thế nào?

- Ông Lò Quân Hiệp: Để tạo điều kiện cho DN hồi phục, BHXH TP.HCM đã đẩy mạnh chuyển đổi số và cải cách TTHC. Đồng thời, phối hợp với Trung tâm Xúc tiến TMĐT tổ chức đối thoại với các DN để kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện chính sách an sinh xã hội. BHXH TP.HCM cũng nỗ lực hỗ trợ DN gặp khó khăn bảo lưu quá trình tham gia, trả sổ BHXH để NLĐ sớm nhận trợ cấp thất nghiệp hoặc xin việc ở DN khác; hỗ trợ DN giải quyết chế độ cho NLĐ… Bên cạnh đó, với DN cố tình lách luật, cơ quan BHXH sẽ kiên quyết tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm…

- Bà Lê Minh Lý: Tôi cho rằng, việc tạo điều kiện để DN phục hồi theo chủ trương của Chính phủ là rất cần thiết. Do đó, BHXH tỉnh Bình Dương luôn tuân thủ thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ của Đảng và Nhà nước, nhằm tạo thuận lợi cho DN hoạt động. Đồng thời, thông điệp mà cơ quan BHXH luôn chia sẻ với các DN, đó là việc duy trì sự phát triển bền vững của DN trước hết phải là đảm bảo quyền lợi sát sườn về BHXH, BHYT cho mọi NLĐ.

Cũng vì vậy, cơ quan BHXH sẽ chủ động tham mưu cho UBND ban hành văn bản chỉ đạo các tổ chức, đơn vị, đoàn thể phối hợp thực hiện các giải pháp tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHXH, BHYT phù hợp với từng giai đoạn, từng nhóm đối tượng. Từ công tác tuyên truyền, DN và NLĐ ngày càng thực hiện tốt hơn chính sách, pháp luật BHXH, BHYT.

- Bà Trần Thị Hương: Với vai trò của mình, BHXH tỉnh Hải Dương đã kịp thời triển khai các chính sách hỗ trợ của Chính phủ để giúp DN ổn định sản xuất, đảm bảo việc làm và thu nhập cho NLĐ; đồng thời phân công cán bộ bám sát các đơn vị SDLĐ để đôn đốc nộp BHXH kịp thời.

Đối với đơn vị chậm đóng dưới 3 tháng, cơ quan BHXH sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức hội nghị liên ngành với DN để đôn đốc đóng BHXH, BHYT, không để phát sinh thêm nợ đọng; còn đối với đơn vị nợ từ 3 tháng trở lên sẽ tổ chức thanh tra theo quy định. Cùng với đó, quyết liệt rà soát, khai thác, phát triển người tham gia BHXH, BHYT từ dữ liệu do cơ quan Thuế và các cơ quan liên quan cung cấp.

- Ông Hoàng Văn Minh: BHXH tỉnh Nghệ An luôn xác định tầm quan trọng của việc thực hiện chính sách an sinh xã hội. Với những giải pháp linh hoạt cùng sự phối hợp của các sở, ngành liên quan, BHXH tỉnh đã từng bước giải quyết được “mâu thuẫn” giữa yêu cầu tuân thủ pháp luật từ phía DN, vừa tạo điều kiện để DN phục hồi. Tuy nhiên, đối với những đơn vị cố tình vi phạm pháp luật, công tác thanh tra, kiểm tra sẽ là công cụ hữu hiệu để buộc các đơn vị thực hiện nghiêm pháp luật BHXH.

BHXH tỉnh cũng phối hợp với Sở LĐ-TB&XH, LĐLĐ, Công an tỉnh, Ủy ban MTTQ tỉnh thành lập 2 đoàn thanh tra liên ngành về đóng BHXH, BHYT tại 30 đơn vị SDLĐ. Kết quả, đơn vị SDLĐ đã truy đóng trên 3,7 tỷ đồng, chiếm trên 80% số tiền phải đóng trước khi ban hành quyết định thanh tra. Đồng thời, phối hợp với Phòng Cảnh sát Kinh tế tổ chức 4 buổi làm việc với 145 đơn vị SDLĐ, truy thu được 34 tỷ đồng...

- Bà Nguyễn Thị Thu Huyền: Mục tiêu cuối cùng của quá trình phát triển kinh tế hay sản xuất kinh doanh là nhằm nâng cao chất lượng đời sống cho người dân, NLĐ. Chính vì vậy, cơ quan hỗ trợ DN nhưng cũng phải đảm bảo các quyền lợi của NLĐ, nhất là quyền lợi liên quan đến BHXH, BHYT. Với BHXH tỉnh Bắc Giang, chúng tôi cố gắng đẩy mạnh ứng dụng CNTT, cải cách TTHC, tạo thuận lợi cho đơn vị SDLĐ hoạt động sản xuất kinh doanh ngày một tốt hơn nhưng cũng rất cương quyết yêu cầu phải thực hiện đúng, đủ các quy định của pháp luật BHXH, BHYT.

- Ông Trần Văn Dũng: Để nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật của DN, giải pháp đầu tiên là thông qua công tác tuyên truyền, vận động. Đồng thời, đẩy mạnh cải cách TTHC, nâng cao chất lượng hoạt động của bộ phận “Một cửa” và cán bộ giải quyết chế độ tại BHXH tỉnh, huyện… Do đó, tình trạng trốn đóng, chậm đóng BHXH, BHYT giảm đáng kể; nhận thức của người dân, NLĐ đối với chính sách đã thay đổi căn bản.

BHXH tỉnh Nam Định cũng phối hợp với các ngành: Công an, Tòa án, Thi hành án dân sự… xử lý nghiêm các đơn vị cố tình trốn đóng, chiếm dụng BHXH, BHYT; đề nghị các cơ quan bảo vệ pháp luật xem xét, khởi tố các đơn vị cố tình chây ỳ trốn đóng, chậm đóng BHXH trong thời gian dài, số nợ lớn.

* Độ bao phủ BHXH, BHYT ngày càng tăng là thành tựu lớn của ngành BHXH Việt Nam. Tuy nhiên, điều đó cũng đồng nghĩa áp lực công việc của Ngành ngày càng cao. Theo ông/bà, quá trình chuyển đổi số của Ngành có giúp “giải tỏa” bớt áp lực trong thực hiện nhiệm vụ của địa phương?

- Ông Võ Khánh Bình: Có thể nói, việc chuyển đổi số của Ngành đã thay đổi căn bản, toàn diện môi trường làm việc và tính hiệu quả trong mọi hoạt động nghiệp vụ. Đơn cử như trong triển khai thực hiện Nghị định 75/2023/NĐ-CP, chỉ trong thời gian ngắn, BHXH tỉnh Tiền Giang đã chuyển đổi 6.451 thẻ BHYT, bổ sung gần 1.000 thẻ BHYT, bổ sung mã đối tượng và mã mức hưởng BHYT cho gần 1.000 thẻ cho vợ/chồng liệt sĩ lấy chồng hoặc vợ khác đang hưởng trợ cấp hằng tháng; cấp miễn phí gần 120.000 thẻ BHYT cho người dân các xã ATK, vùng ATK cách mạng.

Tiền Giang cũng đã cập nhật số CCCD/ĐDCN trên dữ liệu quản lý và đã xác thực với CSDL quốc gia về Dân cư đạt tỷ lệ 98%; toàn bộ 214 cơ sở KCB thực hiện việc làm thủ tục KCB BHYT bằng CCCD gắn chip thay thế thẻ BHYT giấy.

- Bà Nguyễn Thị Thu Huyền: Đúng là cùng với những kết quả phát triển người tham gia BHXH, BHYT, qua từng năm khối lượng công việc với cơ quan BHXH cũng ngày một lớn hơn. Thực tế có thể thấy được qua lượng hồ sơ giao dịch hành chính, số người hưởng các chế độ BHXH và nhất là số lượt KCB BHYT liên tục tăng trong khi nhân sự của hầu hết cơ quan BHXH không được tăng.

Thử tưởng tượng, nếu không có ứng dụng CNTT/chuyển đổi số, toàn bộ hàng nghìn đơn vị đều phải thực hiện các TTHC theo phương thức thủ công truyền thống thì sẽ vô cùng mất thời gian. Nhưng khi đã thiết lập được hệ thống giao dịch điện tử thì mọi chuyện được giải quyết rất thuận lợi, các thủ tục được thực hiện nhanh chóng, công khai, minh bạch. Vì vậy, làm tốt chuyển đổi số cũng có nghĩa cơ quan BHXH sẽ từng bước được hiện đại hóa, thay thế sức người, giảm tải áp lực công việc và quan trọng hơn là nâng cao chất lượng phục vụ người dân, DN.

- Ông Nguyễn Khắc Tuấn: Quá trình chuyển đổi số và triển khai Đề án 06, BHXH tỉnh Đắk Lắk đã chủ động vào cuộc từ sớm; đồng thời phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành của tỉnh. Với kết quả bước đầu của Đề án 06, các TTHC về BHXH, BHYT trở nên nhanh chóng, thuận lợi hơn trước. Điều này đặc biệt quan trọng bởi khối lượng công việc của Ngành rất lớn, cần cải cách và thay đổi phương thức từ thủ công sang hiện đại, để giúp giảm bớt áp lực cũng như tạo thuận lợi tối đa cho người tham gia và hưởng chế độ.

- Ông Nguyễn Thanh Danh: Các hoạt động của Ngành được thực hiện trên môi trường số giúp giảm tối đa thời gian đi lại và tiết kiệm chi phí cho các đơn vị SDLĐ và NLĐ; đồng thời giúp các đơn vị, NLĐ dễ dàng theo dõi tiến độ xử lý hồ sơ, nâng cao tính minh bạch của thông tin cũng như hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, phòng chống gian lận, trục lợi BHXH, BHYT…

Nhận thức được điều này, BHXH tỉnh Quảng Nam đã xây dựng Kế hoạch nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, hành động của toàn thể CCVC trong thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số; đồng thời đổi mới cơ bản và toàn diện công tác chỉ đạo, điều hành của BHXH tỉnh, đáp ứng sự hài lòng của tổ chức, cá nhân đối với cơ quan BHXH…

- Ông Đặng Hồng Tuấn: Thực tế tại An Giang cho thấy, việc thực hiện đồng bộ các giải pháp ứng dụng CNTT và chuyển đổi số đã tối ưu hóa mọi hoạt động của đơn vị, từ khai thác, sử dụng CSDL của Ngành; giải quyết, chi trả các chế độ; cho đến nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, phòng chống gian lận,trục lợi BHXH, BHYT… Những kết quả đạt được cũng đã mang lại những thay đổi mang tính bước ngoặt, giúp BHXH tỉnh An Giang phục vụ người dân, DN ngày càng tốt hơn.

- Ông Hồ Sỹ Nam: Trên cơ sở nền tảng hạ tầng sẵn có, BHXH tỉnh Quảng Trị đang tập trung nguồn lực đẩy mạnh các hoạt động chuyển đổi số, với mục tiêu phục vụ tốt nhất người dân, DN. BHXH tỉnh cũng phối hợp với các sở, ban, ngành và UBND các xã, phường, thị trấn rà soát, cập nhật, phấn đấu 100% số ĐDCN/CCCD của người tham gia BHYT được cập nhật vào CSDL tập trung của Ngành; xác thực đồng bộ với CSDL quốc gia về Dân cư; tích hợp thẻ BHYT vào ứng dụng VNeID. Đến cuối tháng 12/2023, BHXH tỉnh đã cài đặt 59.141 tài khoản VssID cho người dân, đạt 129,5% kế hoạch.

* Một trong những định hướng lớn của BHXH Việt Nam là tạo dựng vị thế vững chắc trong lòng người dân. Mục tiêu này cần một quá trình lâu dài, tích lũy từ những “chuyển động” tích cực của Ngành trong mọi hoạt động nghiệp vụ và được gắn với các chỉ tiêu, mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội nói chung. Ông/bà có thể cho biết, các đơn vị của mình đã và sẽ thực hiện mục tiêu này như thế nào?

- Ông Lò Quân Hiệp: Đúng vậy, để các chính sách an sinh xã hội trở thành “điểm tựa” cho người dân, thời gian qua, BHXH TP.HCM luôn phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan nỗ lực tuyên truyền mở rộng diện bao phủ BHXH, BHYT; chú trọng nâng cao chất lượng dịch vụ; tổ chức các hoạt động chăm lo cho NLĐ, người dân, đặc biệt là những người yếu thế...

Công tác giải quyết hưởng các chế độ cũng luôn được kịp thời, đúng quy định; công tác thanh tra, kiểm tra được đẩy mạnh. Ngoài ra, quỹ BHYT được quản lý chặt chẽ, đảm bảo cung ứng đầy đủ thuốc, vật tư y tế phục vụ KCB BHYT. Và, để phát huy hơn nữa vị thế này, theo tôi, các cơ quan truyền thông cần tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về tầm quan trọng của chính sách BHXH, BHYT.

- Bà Lê Minh Lý: Năm 2023, CCVC BHXH tỉnh Bình Dương luôn cố gắng thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch được giao. Để tạo niềm tin cho DN và người dân, BHXH tỉnh sẽ tiếp tục bám sát chỉ đạo của BHXH Việt Nam để xây dựng các giải pháp, kịch bản thu và phát triển người tham gia BHXH, BHYT đảm bảo hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.

Bên cạnh đó, tăng cường tham mưu tạo sự đồng bộ, thống nhất của cả hệ thống chính trị trong triển khai thực hiện chính sách, pháp luật BHXH, BHYT. Tích cực đôn đốc thu, giảm tiền chậm đóng; mở rộng diện bao phủ BHXH, BHYT; đẩy mạnh kiểm tra, thanh tra và kiến nghị xử lý, khởi kiện triệt để để bảo vệ quyền lợi NLĐ. Ngoài ra, tiếp tục thực hiện CCHC, đẩy mạnh giao dịch hồ sơ điện tử… nhằm tạo thuận lợi cho người tham gia và thụ hưởng BHXH, BHYT.

- Ông Trần Văn Dũng: Tôi cho rằng, vị thế của cơ quan BHXH được khẳng định trước hết thông qua sự chủ động thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao. BHXH Nam Định sẽ tiếp tục đề xuất, kiến nghị hoàn thiện chính sách, pháp luật BHXH, BHYT; rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa TTHC; mở rộng, đa dạng hóa các hình thức cung cấp DVC trực tuyến mức độ 4; đẩy mạnh chuyển đổi số, hoàn thiện cơ sở hạ tầng, hệ thống CSDL chuyên ngành.

Bên cạnh đó, cần đổi mới hơn nữa nội dung, hình thức, phương pháp truyền thông để nâng cao nhận thức của người dân; tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật BHXH, BHYT. Nêu cao tinh thần trách nhiệm phục vụ người dân, DN, góp phần xây dựng Ngành hiện đại, chuyên nghiệp.

- Ông Nguyễn Khắc Tuấn: Như tôi đã trao đổi, bên cạnh kết quả đạt được, Đắk Lắk cũng gặp phải nhiều khó khăn, nên người tham gia BHXH, BHYT vẫn chưa cao và chưa bền vững. Do đó, BHXH tỉnh xác định nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới là tiếp tục mở rộng đối tượng tham gia, thực hiện có hiệu quả chính sách, phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch được giao.

Đặc biệt, tích cực tham mưu thu hút sự vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa của cấp ủy, chính quyền địa phương; tăng cường công tác thông tin, truyền thông; mở rộng và nâng cao chất lượng tổ chức dịch vụ thu; đẩy mạnh CCHC và ứng dụng CNTT cũng như phát động các phong trào thi đua nâng cao hiệu quả làm việc, thái độ ứng xử và phong cách phục vụ của CCVC trong đơn vị.

- Ông Võ Khánh Bình: Minh chứng thực tế là sự tin tưởng của cấp ủy, chính quyền địa phương đã tạo niềm tin vững chắc cho đơn vị, DN và người tham gia BHXH, BHYT trên địa bàn. Vì vậy, thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục phát huy và nâng cao vai trò tham mưu cho cấp ủy, chính quyền trong triển khai thực hiện chính sách BHXH, BHYT; đồng thời phát huy vai trò của BCĐ các cấp, nhất là BCĐ cấp cơ sở. Ngoài ra, tăng cường mối quan hệ với các sở, ngành với phương châm “lấy người dân và DN làm trung tâm phục vụ”...

- Ông Đặng Hồng Tuấn: Chúng ta rất hãnh diện là người làm công tác an sinh và hạnh phúc với vai trò người phục vụ nhân dân. BHXH tỉnh An Giang xác định, thời gian tới, nhiệm vụ được giao rất nặng nề, do đó, việc thay đổi nhận thức của người dân là nhiệm vụ quan trọng và cấp thiết. Trong bối cảnh đó, công tác truyền thông cần tiếp tục được đổi mới cả về nội dung và hình thức, làm sao để “dân biết- dân hiểu- dân tin- dân hỗ trợ- dân tham gia- dân thụ hưởng”. Chỉ khi nào người tham gia thật sự hài lòng và thấy được lợi ích của chính sách, thì họ mới tích cực tham gia và giới thiệu nhiều người cùng tham gia.

- Ông Nguyễn Thanh Danh: Với phương châm “lấy người dân, DN làm chủ thể, trung tâm phục vụ”, BHXH tỉnh Quảng Nam đã và sẽ không ngừng nỗ lực để đạt được những thành tựu cao hơn, toàn diện hơn, nhằm đảm bảo quyền lợi đầy đủ, kịp thời cho người tham gia và hưởng chính sách BHXH, BHYT. BHXH tỉnh cũng sẽ tiếp tục đổi mới toàn diện nội dung, hình thức tuyên truyền để các chính sách này đến với nhiều người dân hơn...

- Ông Hồ Sỹ Nam: Quảng Trị vẫn là tỉnh có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn, ảnh hưởng trực tiếp đến việc nâng cao tỷ lệ bao phủ BHXH, BHYT. Do đó, để duy trì an sinh xã hội bền vững, BHXH tỉnh đã chủ động tham mưu cho tỉnh ban hành chính sách hỗ trợ thêm mức đóng cho người tham gia BHXH tự nguyện thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố giai đoạn 2023-2026. Đồng thời, tham mưu hỗ trợ thêm 30% mức đóng cho người thuộc hộ cận nghèo tham gia BHYT; nâng mức hỗ trợ đóng BHYT cho nhóm HSSV và người thuộc hộ nông- lâm- ngư nghiệp có mức sống trung bình. Đây là tiền đề quan trọng giúp người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh được tiếp cận và tham gia BHXH tự nguyện, BHYT.

- Ông Hoàng Văn Minh: Để tiếp tục khẳng định vai trò của mình, BHXH tỉnh Nghệ An vẫn đang tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; tăng cường công tác phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể trong công tác tham mưu, đặc biệt là tham mưu xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ mức đóng cho người dân khi tham gia BHXH tự nguyện (HĐND tỉnh đã thông qua quy định hỗ trợ đóng BHYT cho một số đối tượng trên địa bàn giai đoạn 2021-2025). Đồng thời, cơ quan BHXH cũng đồng hành cùng DN tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện chính sách; tăng cường công tác tuyên truyền để chính sách ngày càng lan tỏa sâu rộng trong nhân dân...

- Bà Nguyễn Thị Thu Huyền: Hiện nay, chúng tôi vẫn đang nỗ lực thúc đẩy thực hiện tốt hơn nhiệm vụ được giao. Điều này được thể hiện rất rõ qua việc cố gắng hoàn thành đều các chỉ tiêu, nhiệm vụ dù phải đối mặt nhiều thách thức, áp lực. Tiêu biểu như, số người tham gia BHXH, BHYT và số thu, chi… liên tục tăng, cho thấy phần nào hiệu quả hoạt động cũng như những nỗ lực, cố gắng của cơ quan BHXH.

Bên cạnh đó sự quan tâm chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục phát huy các bài học kinh nghiệm đã có; chủ động, sáng tạo hơn nữa trong vai trò tham mưu cho cấp ủy, chính quyền; tăng cường phối hợp với các sở, ngành, đoàn thể và phát huy mạnh mẽ vai trò BCĐ thực hiện chính sách BHXH, BHYT các cấp… Các chỉ tiêu, nhiệm vụ ngày một lớn hơn, đi cùng với đó là nhiều áp lực; tuy nhiên chúng tôi sẽ quyết tâm giữ vững “phong độ”, tiếp tục phấn đấu đạt những thành tích cao hơn nữa để đảm bảo vững vàng an sinh cho người dân.

- Bà Trần Thị Hương: Là cơ quan thực hiện nhiệm vụ an sinh xã hội, toàn hệ thống BHXH tỉnh Hải Dương luôn đoàn kết một lòng, thống nhất ý chí và hành động, đổi mới sáng tạo để hoàn thành tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao. Trong đó, đảm bảo quyền lợi người tham gia và hưởng BHXH, BHYT được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt được BHXH tỉnh thực hiện kịp thời, linh hoạt và thuận tiện, tạo niềm tin trong nhân dân...

* Năm 2024 được dự báo còn không ít khó khăn, khi hệ quả của giai đoạn “hậu COVID-19” chưa được khắc phục triệt để, những bất ổn kinh tế toàn cầu vẫn phủ bóng lên mọi quốc gia... Những điều kiện bất lợi này sẽ tiếp tục là thách thức mà ngành BHXH Việt Nam cần tiếp tục vượt qua. Hy vọng rằng, với kinh nghiệm và sự sáng tạo không ngừng đạt được trong năm 2023, toàn Ngành sẽ tiếp tục đáp ứng kỳ vọng lớn lao mà Đảng và Nhà nước giao phó về việc xây dựng nền an sinh xã hội bền vững.

Trân trọng cảm ơn các quý vị đã tham gia “Bàn tròn” số Xuân Giáp Thìn 2024. Kính chúc quý vị một năm mới nhiều thành công, tiếp tục đóng góp vào thành tựu đảm bảo an sinh xã hội bền vững của đất nước!

Thực hiện: Nhóm PV

Đồ hoạ: Thanh An