Vì an sinh đất nước vững bền
Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, tác động tiêu cực đến đời sống người dân và kinh tế-xã hội đất nước, Quốc hội khóa XV đã có những quyết sách kịp thời giải quyết những khó khăn và đảm bảo an sinh xã hội. Đây là những cơ sở quan trọng để Chính phủ có thể triển khai ngay những giải pháp cấp bách phòng chống dịch bệnh COVID-19; hỗ trợ người dân, NLĐ và người SDLĐ gặp khó khăn do đại dịch, góp phần giúp họ vượt qua khó khăn, để “không ai bị bỏ lại phía sau”.
Với sự chủ động của Quốc hội, Chính phủ, trong 3 năm (2020-2022), đã có hơn 68 triệu lượt người dân, NLĐ và hơn 1,4 triệu lượt người SDLĐ được hưởng hỗ trợ từ NSNN với tổng kinh phí tới 120.000 tỷ đồng.
Đến đầu năm 2022, tinh thần chủ động của Quốc hội tiếp tục được minh chứng qua Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, với việc thông qua Nghị quyết số 43 về chính sách tài khóa, tiền tệ có quy mô khoảng 350.000 tỷ đồng (gói phục hồi kinh tế), trong đó dành gần 60.000 tỷ đồng để thực hiện mục tiêu bảo đảm an sinh xã hội và tái cấu trúc lại thị trường lao động.
Quốc hội cũng thường xuyên giám sát hoạt động của Chính phủ, bảo đảm chống dịch hiệu quả, góp phần phục hồi, phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội. Trong đó, có việc thực hiện 2 Nghị quyết quan trọng, cụ thể là về chủ trương đầu tư Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, với tổng nguồn vốn thực hiện lên tới 75.000 tỷ đồng và Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới với tổng kinh phí tối thiểu hơn 196.000 tỷ đồng. Tại Kỳ họp thứ sáu vừa qua, Quốc hội cũng lần đầu cho ý kiến về Dự án Luật BHXH (sửa đổi)…
Cùng với đó, Quốc hội cũng đặc biệt quan tâm tới việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT. Theo đánh giá của Quốc hội, các kết quả đạt được về phát triển đối tượng, chi trả chế độ, quản lý và sử dụng các quỹ… là rất to lớn, góp phần khẳng định tính nhân văn, ưu việt của chính sách BHXH, BHYT. Đặc biệt, trong thiên tai, dịch bệnh, chính sách BHXH, BHYT càng phát huy vai trò to lớn giúp người dân, NLĐ, người SDLĐ vượt qua khó khăn, phục hồi sản xuất kinh doanh. Việc ứng dụng CNTT trong thực hiện chính sách cũng được đẩy mạnh, khi tất cả các TTHC trong lĩnh vực BHXH, BHYT đã đạt mức độ 4 về cung cấp DVC. Người dân ngày càng hiểu rõ hơn về những trụ cột của hệ thống an sinh xã hội.
Theo ông Nguyễn Thành Trung- Ủy viên chuyên trách Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội, đến nay quỹ BHXH đã thực sự trở thành quỹ tài chính ngoài NSNN có quy mô lớn nhất bên cạnh NSNN. Quy mô quỹ cũng phát triển rất nhanh, đến hết năm 2022 đã tăng gấp 122 lần. Các quỹ ngắn hạn đáp ứng được mục tiêu của chính sách và kết dư tương đối an toàn…
Đánh giá cao những nỗ lực của ngành BHXH Việt Nam trong việc nâng cao chất lượng phục vụ người dân, ông Lâm Văn Đoan- Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội cũng khẳng định, BHXH là ngành an sinh phục vụ người dân, gắn bó trực tiếp với cuộc sống của người dân, NLĐ và DN. Nhiều năm qua, ngành BHXH Việt Nam đã có nhiều nỗ lực cải tiến chất lượng phục vụ. Đặc biệt, những nỗ lực đẩy mạnh ứng dụng CNTT, chuyển đổi số của Ngành đã làm cho người dân tiếp cận nhanh chóng, thuận tiện hơn, tăng cường công khai, minh bạch trong thu-chi, giải quyết chế độ cho người dân…
Trong nhiều năm qua, ngành BHXH Việt Nam không chỉ triển khai hiệu quả việc phát triển người tham gia BHXH, BHYT, chăm lo tốt cho đối tượng thụ hưởng chính sách và không ngừng cải tiến quy trình, nâng cao chất lượng, hiệu quả phục vụ, mà còn đề xuất Chính phủ và Quốc hội sửa đổi Luật BHXH, Luật BHYT- để chính sách BHXH, BHYT thực sự trở thành những chính sách trụ cột của hệ thống an sinh xã hội. Tuy nhiên, công tác BHXH, BHYT vẫn còn những hạn chế nhất định, nhất là số người tham gia BHXH vẫn còn khoảng cách khá xa so với số lao động của cả nước; độ bao phủ BHXH còn chưa tương xứng với tiềm năng.
Do đó, để chính sách thực sự đi vào đời sống, ông Đoan cho rằng, chúng ta phải tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền để các cấp, các ngành cũng như toàn thể người dân, NLĐ nhận thức sâu sắc BHXH, BHYT là một trong những chính sách xã hội lớn của Đảng và Nhà nước, thể hiện tính ưu việt của chế độ.
Mới đây, khi tham gia ý kiến về Dự án Luật BHXH (sửa đổi), nhiều đại biểu Quốc hội đã khẳng định, BHXH Việt Nam không đơn thuần chỉ là cơ quan thực hiện thu-chi, quản lý quỹ BHXH, BHYT, mà còn là cơ quan thay mặt Đảng và Nhà nước thực hiện chính sách, đưa tính ưu việt của chính sách đến với người dân.
Với nhiệm vụ như vậy, cơ quan BHXH phải xác định rõ đối tượng của chính sách, phải hiểu được mong muốn của đối tượng để có cách đáp ứng những mong muốn đó một cách tốt nhất. Đồng thời, BHXH Việt Nam cũng phải chủ động đi trước trong công tác nghiên cứu, để từ đó đề xuất sửa đổi, bổ sung các chính sách liên quan. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của từng người dân, NLĐ, người SDLĐ và các cơ quan, đơn vị về BHXH, BHYT, bởi tuyên truyền không chỉ giúp NLĐ am hiểu về quyền lợi, nghĩa vụ của mình, mà còn hiểu hơn công việc, mục đích của ngành BHXH Việt Nam là đảm bảo mục tiêu an sinh xã hội lâu dài.
Nhấn mạnh mục tiêu để người dân tham gia BHXH đa tầng, tiến tới mục tiêu bao phủ BHXH toàn dân theo nguyên tắc đóng-hưởng và bền vững, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, BHXH là một trong những trụ cột của chính sách an sinh xã hội. Vì vậy, việc sửa đổi, bổ sung Luật BHXH trong thời gian tới phải bám vào các Nghị quyết, trong đó có Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách BHXH; khắc phục được tình trạng chậm/trốn đóng BHXH, hưởng BHXH một lần, mượn hồ sơ của người khác tham gia BHXH, thu mua sổ BHXH của NLĐ và các hành vi trục lợi khác. Đồng thời, bảo đảm công tác quản lý và đầu tư quỹ BHXH an toàn, sinh lời, cân đối thu chi trong dài hạn. Việc rút ngắn thời gian đóng BHXH để hưởng lương hưu và thay đổi điều kiện tham gia cũng sẽ góp phần giữ chân người dân, NLĐ ở lại hệ thống theo hướng bền vững.
Bên cạnh đó, việc sửa đổi Luật BHYT cũng cần lưu ý điều chỉnh tăng mức đóng BHYT, vì hiện nay, mức đóng BHYT của nước ta còn thấp trong khi danh mục được hưởng lại rộng hơn, nhiều hơn so với một số nước. Nếu tăng mức đóng thì khả năng chi trả của người dân và mức đóng của Nhà nước dành cho đối tượng người nghèo, người có công… cũng sẽ tăng lên, nhưng chúng ta mới có điều kiện thực hiện sớm lộ trình giá dịch vụ y tế và thúc đẩy các cơ sở y tế nâng cao tính tự chủ, nâng cao chất lượng KCB cho người dân.
Bài: Nguyệt Hà
Đồ hoạ: Thanh An