Tạo điểm tựa an sinh vững chắc
Chính sách, pháp luật BHXH, BHYT ngày càng hoàn thiện, đồng bộ theo hướng gia tăng lợi ích của người tham gia, phù hợp với tình hình phát triển kinh tế-xã hội của đất nước… đã giúp nhiều người dân được đảm bảo an sinh xã hội theo hướng bền vững.
Đến cuối năm 2023, dân số nước ta vượt 100 triệu người. Cơ cấu dân số tiếp tục dịch chuyển theo hướng tăng tỷ lệ người cao tuổi và giảm tỷ lệ dân số trẻ. Cụ thể, nhóm dân số từ 60 tuổi trở lên tăng từ 11,9% tổng dân số vào năm 2019 lên 13,9% vào cuối năm 2023 (tương ứng với khoảng 14 triệu người). Trong bối cảnh già hóa dân số, vấn đề cần quan tâm là bảo đảm đời sống, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.
Thực hiện nhiệm vụ này luôn có sự tham gia của cả hệ thống chính trị, cùng sự chung tay của cộng đồng xã hội, nên dân số là người cao tuổi có điểm tựa an sinh ngày càng tăng. Đến nay, cả nước có hơn 5 triệu người cao tuổi có lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp hưu trí xã hội hằng tháng. Ngoài khoản tiền lương, người hưởng chế độ hưu trí và các chế độ trợ cấp xã hội còn có thẻ BHYT miễn phí để chủ động chăm sóc sức khỏe. Thực tế ghi nhận nhiều người nghỉ hưu thoát khỏi lằn ranh sinh tử, nối dài sự sống nhờ có tấm thẻ an sinh này.
Lợi ích thiết thân khi có điểm tựa an sinh đã được kiểm chứng qua thực tiễn. Thế nhưng, số đông người cao tuổi ở nước ta hiện chưa có lương hưu và trợ cấp BHXH, đã khiến cuộc sống của nhiều người còn khó khăn. Chính vì vậy, để góp phần tạo điểm tựa an sinh vững chắc cho người dân, nhất là với người cao tuổi, cả hệ thống chính trị cần vào cuộc, cùng hành động, nhằm thu hút người dân tham gia vào hệ thống BHXH.
Việc phát triển người tham gia BHXH là mục tiêu hướng đến, đồng thời là nhiệm vụ then chốt của cả hệ thống chính trị trong năm 2024 và những năm tiếp theo. Cụ thể, tại Nghị quyết số 01/NQ-CP về “nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán NSNN năm 2024”, Chính phủ đặt mục tiêu đến cuối năm, cả nước có 42-43% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH.
Tương tự, tại Quyết định số 38/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chiến lược phát triển ngành BHXH Việt Nam đến năm 2030”, Thủ tướng Chính phủ giao các cơ quan chức năng đưa chính sách BHXH lan tỏa, thấm sâu vào đời sống. Phấn đấu đến cuối năm 2025, cả nước có khoảng 45% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH; khoảng 55% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu và các chế độ trợ cấp; đến năm 2030, cả hai tỷ lệ đều tăng lên 60%.
Để hiện thực hóa mục tiêu trên, với trách nhiệm của mình, ngay từ đầu năm 2024, ngành BHXH Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành tiến hành rà soát, cập nhật danh sách, phân loại đối tượng tiềm năng chưa tham gia BHXH theo từng địa bàn. Đối với nhóm lao động làm những công việc tự do, các bên đưa họ vào hệ thống an sinh bằng cách tạo thuận lợi để người dân tham gia BHXH tự nguyện. Theo hướng này, ngoài mức hỗ trợ của Trung ương, nhiều địa phương đã có chính sách hỗ trợ thêm mức đóng cho người tham gia BHXH tự nguyện.
Cùng với đó, hàng năm, CBVC ngành BHXH Việt Nam cũng chung tay ủng hộ nguồn lực, kêu gọi sự đồng hành của các DN, tổ chức, cá nhân hỗ trợ người khó khăn tham gia BHXH, BHYT. Từ nguồn lực tiếp nhận, BHXH các cấp đã trao tặng hàng trăm nghìn cuốn sổ BHXH và thẻ BHYT cho người có hoàn cảnh khó khăn. Năm 2024, toàn ngành BHXH Việt Nam tiếp tục triển khai sâu rộng chương trình tặng sổ BHXH, thẻ BHYT cho những người thiếu điểm tựa an sinh, tập trung cao điểm vào dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn này.
Nguyệt Hà