Print

Chủ động triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người dân

Chủ nhật, 11 /02/2024 07:02

Hàng loạt loại thuế phí đã được trình Quốc hội phê duyệt cắt giảm, tạo điều kiện hơn nữa cho doanh nghiệp và người dân. Các phương án cắt giảm thuế phí đóng vai trò quyết định đến quá trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội đất nước.

Chủ động hỗ trợ kịp thời

Năm 2023, nền kinh tế tiếp tục bị “bủa vây” bởi những khó khăn từ xung đột địa chính trị giữa các nước, lạm phát leo cao, thương mại và đầu tư toàn cầu sụt giảm… Tuy vậy, kinh tế Việt Nam vẫn vượt qua các “cơn gió ngược”, tiếp tục đạt được nhiều kết quả quan trọng, khá toàn diện và trở thành điểm sáng tăng trưởng kinh tế.

Những kết quả đạt được là nhờ nhiều yếu tố. Song quan trọng nhất là sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng, nỗ lực phấn đấu của người dân, doanh nghiệp dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước. Nổi bật nhất là, Việt Nam nắm chắc tình hình thực tiễn, phản ứng chính sách chủ động; chuyển hướng trọng tâm kịp thời trong chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế-xã hội, thúc đẩy tăng trưởng gắn với duy trì ổn định kinh tế vĩ mô; nỗ lực của doanh nghiệp, người dân trong ứng phó, thích ứng với thực tế.

Bên cạnh đó, từng bước khơi thông, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực. Chủ động tìm kiếm, tranh thủ cơ hội hợp tác để thu hút các dự án quy mô lớn, hiện đại trong ngành chế biến-chế tạo; các ngành, lĩnh vực công nghiệp mới. Đồng thời, từng bước khắc phục khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng trong ngắn hạn; nâng cao năng lực nội tại làm động lực tăng trưởng kinh tế nhanh hơn trong trung và dài hạn.

Đáng chú ý, trong năm 2023, Bộ Tài chính đã chủ động theo dõi sát diễn biến thực tế để nghiên cứu, trình cấp có thẩm quyền, cũng như ban hành theo thẩm quyền nhiều giải pháp về thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân và nền kinh tế phục hồi, phát triển. Qua đó, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, đóng góp vào những kết quả tích cực chung đã đạt được.

Bộ Tài chính cũng đã đề xuất Chính phủ trình Quốc hội giảm 2% thuế suất thuế GTGT với số tiền thuế được giảm khoảng 24.000 tỷ đồng; giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn với số giảm thu NSNN khoảng 38.000 tỷ đồng; gia hạn thời hạn nộp thuế GTGT, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2023 hơn 110.000 tỷ đồng; gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt khoảng 10,4 nghìn tỷ đến 11,2 nghìn tỷ đồng; giảm lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước khoảng 8.000-9.000 tỷ đồng; giảm tiền thuê đất phải nộp của năm 2023 khoảng 3.500 tỷ đồng…

Kinh tế phát triển trên nền tảng vững chắc

Năm 2024, Quốc hội đặt mục tiêu tăng trưởng 6-6,5%. Đây được xem là mục tiêu tương đối cao, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn. Song, theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch-Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, mục tiêu này có thể đạt được, bởi Việt Nam có nhiều thuận lợi, tiềm lực của nền kinh tế không ngừng được mở rộng qua gần 40 năm đổi mới; nước ta đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm quản lý, ứng phó với những biến động của tình hình thế giới, khu vực.

Các yếu tố nền tảng về thể chế, hạ tầng, nguồn nhân lực, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo... tiếp tục được nâng lên, nhất là Quốc hội đã thông qua Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) tại Kỳ họp đầu năm 2024, từng bước đáp ứng tốt hơn yêu cầu phát triển đất nước và thực tiễn phát sinh. Thể chế liên kết vùng có bước đột phá rõ nét, cũng như đã cơ bản hoàn thành công tác quy hoạch, xác định định hướng phát triển vào các ngành, lĩnh vực ưu tiên, nhằm phát huy tiềm năng của từng vùng, từng địa phương.

Cùng với đó, ngay trong những ngày đầu năm 2024, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 01/NQ-CP để chỉ đạo, yêu cầu các cấp, các ngành tiếp tục đoàn kết, nỗ lực tối đa, hành động quyết liệt, hiệu quả, sáng tạo hơn, quán triệt tinh thần chủ đề “Kỷ cương, trách nhiệm; chủ động, kịp thời; tăng tốc, sáng tạo; hiệu quả, bền vững”. Trong đó, ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giữ vững ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn.

Vì vậy, các bộ, ngành, địa phương đã chủ động tham mưu, ban hành và thực hiện đồng bộ, linh hoạt, hiệu quả các giải pháp, chính sách tài khóa, tiền tệ, thương mại... Cụ thể, về tài khóa, thực hiện tốt các chính sách đã được Quốc hội thông qua, cấp có thẩm quyền ban hành; theo dõi diễn biến, tình hình trong và ngoài nước, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp để có giải pháp phù hợp; nghiên cứu tiếp tục thực hiện các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí.

Bên cạnh đó, vốn đầu tư công tiếp tục là động lực quan trọng, hỗ trợ đầu ra cho nhiều ngành, lĩnh vực. Trong năm 2024, tiếp tục tập trung chỉ đạo, đôn đốc, tháo gỡ hiệu quả, kịp thời khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm, đặc biệt là các dự án trọng điểm, quan trọng quốc gia, đường cao tốc, liên vùng, ven biển và các chương trình mục tiêu quốc gia; phấn đấu giải ngân hơn 95% kế hoạch được giao.

Đồng thời, thực hiện các giải pháp tín dụng phù hợp, đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế; hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng kinh tế. Khuyến khích các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí, đơn giản hóa thủ tục cho vay, phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay; tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp, người dân.

Tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, các chương trình, hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, kết nối cung cầu trong nước... Triển khai đồng bộ các giải pháp về quảng bá, xúc tiến du lịch, vận tải (nhất là vận tải hàng không), xuất nhập cảnh, quản lý thị trường... để đẩy mạnh thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế.

Thực hiện quyết liệt, hiệu quả 3 đột phá chiến lược về thể chế, hạ tầng và nguồn nhân lực. Tiếp tục rà soát, hoàn thiện thể chế, pháp luật, cơ chế, chính sách gắn với nâng cao hiệu lực, hiệu quả; cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, quy định kinh doanh... Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại, nhất là hệ thống đường cao tốc, cảng hàng không. Chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là nhân lực trong lĩnh vực công nghệ sinh học, trí tuệ nhân tạo. Ngoài ra, đẩy mạnh ngoại giao kinh tế phục vụ cơ cấu lại nền kinh tế, thu hút đầu tư nước ngoài chất lượng cao, nhất là các lĩnh vực mới, mang tính đột phá.

Nguyệt Hà