Như loài hoa Tớ dày
Những ngày cuối năm 2023, chúng tôi có dịp lên Mù Cang Chải- huyện vùng cao của tỉnh Yên Bái, cách Hà Nội khoảng 300km. Những ngày cuối Đông, hoa Tớ dày vẫn nở, kiêu hãnh khoe sắc thắm giữa núi đồi hùng vĩ. Người Mông gọi loài hoa ấy là “Pằng Tớ dày”, nghĩa là hoa đào rừng. Tự ngàn đời nay, cùng với ruộng bậc thang, hoa Tớ dày là niềm tự hào của đồng bào vùng cao Mù Cang Chải.
Chào đón đoàn bằng nụ cười chân chất, anh Nguyễn Minh Tuấn- Giám đốc BHXH huyện Mù Cang Chải vui mừng thông báo, đến thời điểm này, BHXH huyện đã hoàn thành hầu hết các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao, đặc biệt là chỉ tiêu phát triển người tham gia BHXH tự nguyện. Tuy nhiên, dù chỉ còn một ngày thì đơn vị vẫn sẽ nỗ lực hết mình vận động thêm người dân tham gia BHXH, BHYT. “Cứ thêm một người tham gia là Tết lại thêm vui”- anh Tuấn hào hứng chia sẻ.
Nhìn lại một năm qua, anh Tuấn cho biết, đây thực sự là khoảng thời gian hết sức khó khăn, vì những năm gần đây tình hình kinh tế-xã hội tại Mù Cang Chải có sự chuyển biến tích cực, cùng sự vào cuộc mạnh mẽ của BHXH huyện và chính quyền địa phương, hầu hết người dân trong diện tiềm năng tại khu vực thị trấn của huyện đã tham gia BHXH tự nguyện; công tác vận động, tuyên truyền cũng được hướng dần tới các xã lân cận.
“Các xã tại Mù Cang Chải đều rộng, dân cư phân tán; có những bản cách trung tâm xã gần 10km đường đồi núi. Trong khi đó, nhận thức của bà con, nhất là người Mông về các chính sách an sinh xã hội vẫn còn rất hạn chế, cộng với việc bất đồng về ngôn ngữ khiến việc vận động tham gia BHXH tự nguyện tại khu vực này không khác gì “khai hoang” trên vùng đất cằn”- anh Tuấn chia sẻ.
Để có cái nhìn thực tế hơn, anh Nguyễn Xuân Bình- Phó Giám đốc BHXH huyện Mù Cang Chải đề xuất đưa chúng tôi đi “trải nghiệm” tuyên truyền, vận động trực tiếp tại nhà dân. Ngay lập tức, một buổi tuyên truyền lưu động được tiến hành với phương tiện là xe máy và đích đến là bản Háng Bla A và bản Háng Bla B của xã Khao Mang.
Suốt quãng đường di chuyển, chúng tôi được thưởng thức “đặc sản” của miền sơn cước. Con đường đất đỏ quạch, mù mịt bụi uốn lượn quanh sườn núi, một bên là vực thẳm, một bên là núi cao dựng đứng khiến ai nấy cũng phải lạnh sống lưng. Chiếc xe số “cà tàng” chở chúng tôi oằn mình vượt qua những khúc cua tay áo, hết nghiêng trái rồi ngả phải, có đoạn đèo cong vút, lượn như một vòng tròn lên cao.
Theo lời anh Bình, hôm nay là một ngày may mắn do tiết trời khô ráo, chứ nếu gặp trời mưa thì ít người dám đi vì rất nguy hiểm. “Vào mùa mưa, anh em đi tuyên truyền phải quấn thêm dây xích tự chế vào bánh xe để đỡ trơn trượt. Có những hôm đến bản, ai nấy đều lấm lem bùn đất như vừa đi cày về. Hôm nào “hăng” quá mà lỡ về muộn, trời tối thì xác định phải đi bằng… niềm tin”- anh Bình hóm hỉnh nói.
Tham gia cùng đoàn và cũng là người trực tiếp chở tôi lên bản, bà Sùng Thị Mai- Phó Chủ tịch UBND xã Khao Mang, một trong những “xế cứng” tại địa phương cho biết, đồng bào Mông trên địa bàn đa số thuộc hộ nghèo và cận nghèo, đời sống còn nhiều khó khăn. Với lối sống tự cung, tự cấp, không có tích lũy, nên việc tuyên truyền, vận động bà con tham gia BHXH tự nguyện không phải là chuyện dễ dàng.
Sau hơn một giờ “vật vã”, chúng tôi mới đến được bản Háng Bla A và bản Háng Bla B. Gọi là trung tâm bản, nhưng thực chất chỉ có vài ba nhà nằm gần nhau và một khu trường mầm non. Hầu hết các gia đình đều ở rải rác xung quanh các quả đồi- là một trong những kiểu sống đặc trưng của đồng bào Mông.
Tới được địa điểm tuyên truyền đã khó, việc tìm được đối tượng phù hợp để tuyên truyền, vận động còn khó gấp bội. Theo anh Bình, đa số bà con nơi đây đều là người già và trẻ nhỏ; còn nhóm trong độ tuổi lao động đều xuống thành phố làm thuê hoặc ở lại nương rẫy, rất ít khi về nhà. Với sự giúp đỡ của anh Vàng A Hồng- Bí thư Chi bộ bản Háng Bla B, cuối cùng, chúng tôi cũng tìm đến được nhà anh Vàng A Tráng ở lưng chừng đồi.
Trong căn nhà đơn sơ của anh Vàng A Tráng, thứ duy nhất có giá trị có lẽ là những bắp ngô đã phơi khô- nguồn lương thực chính của gia đình. Sau chừng 30 phút tuyên truyền, vận động, dù đã hiểu về lợi ích mà chính sách BHXH tự nguyện đem lại và rất muốn tham gia, nhưng đoàn vẫn chỉ nhận được cái lắc đầu từ chủ nhà với lý do duy nhất “không có tiền”…
Đúng là, có tận mắt chứng kiến mới thấm thía nỗi vất vả của các cán bộ BHXH nơi đây. Rong ruổi nửa ngày hết ngọn núi này sang ngọn núi kia mới có một hộ để vận động, nhưng đôi khi chỉ làm được việc đầu tiên là làm cho người dân biết được đến chính sách BHXH, BHYT của Đảng và Nhà nước. “Nhiều khi từ sáng sớm đến tối muộn lân la hết các bản, làng để tuyên truyền, kết quả không như ý muốn nhưng chúng tôi quyết không từ bỏ, vẫn bám bản, bám làng. Nếu mình bỏ thì biết bao giờ bà con mới có chỗ dựa để thoát cái đói, cái nghèo…”- anh Bình trải lòng.
Chia sẻ về bí quyết giúp BHXH huyện hoàn thành chỉ tiêu phát triển BHXH tự nguyện, anh Nguyễn Minh Tuấn cho biết, do đặc thù nên BHXH huyện Mù Cang Chải chủ yếu tuyên truyền trực tiếp theo nhóm nhỏ. Để tăng tính hiệu quả, BHXH huyện phối hợp với các Bí thư, Trưởng bản và già làng rà soát nhóm đối tượng tiềm năng, nhất là khi những người đi làm thuê trở về, sẽ thông báo để cán bộ BHXH trực tiếp đến vận động bất kể sáng hay tối.
Bên cạnh đó, BHXH huyện Mù Cang Chải cũng chủ động tham mưu cho UBND huyện chỉ đạo UBND các xã, thị trấn tăng cường tuyên truyền, vận động thân nhân cán bộ xã, giáo viên, Bí thư, Trưởng bản và già làng… Bởi, đây đều là những người có thu nhập ổn định, nên khi tham gia chính sách sẽ đảm bảo được tính bền vững.
“Để lan tỏa chính sách BHXH tự nguyện, chúng tôi xác định cần có giải pháp bền vững và lâu dài. Trong đó, nhóm đối tượng tiềm năng như thân nhân cán bộ xã sẽ được ưu tiên phát triển trước để sớm có được thành quả, làm minh chứng để dần thay đổi nhận thức của bà con về chính sách, từ đó tự nguyện tham gia. Riêng nhóm Bí thư, Trưởng bản và già làng là những người có uy tín, nên khi họ tham gia chính sách cũng sẽ tác động tích cực rất lớn tới bà con”- anh Tuấn cho hay.
Dù gặp muôn vàn khó khăn, nhưng kết thúc năm 2023, huyện Mù Cang Chải đã có 808 người tham gia BHXH tự nguyện, tăng 194 người so với năm 2022, đạt 107,3% kế hoạch được giao. Đây là địa phương về đích BHXH tự nguyện đầu tiên trên địa bàn tỉnh Yên Bái. Khi được hỏi về việc làm thế nào để vượt qua những khó khăn trong thời gian tới?, anh Tuấn liền cười đáp: “Có lẽ cán bộ BHXH huyện Mù Cang Chải sẽ học từ loài hoa Tớ dày, với sức sống mãnh liệt, nó luôn biết cách vượt qua thời tiết khắc nghiệt, để len lỏi khoe sắc trên khắp các bản làng”.
Bài: Thanh Hằng
Đồ hoạ: Thanh An