Print

Năm 2024: Khu vực kinh tế nào tạo việc làm nhiều nhất?

Thứ Ba, 13 /02/2024 11:54

Một nghiên cứu liên quan đến kinh tế Việt Nam mới được TS.Cấn Văn Lực và Nhóm nghiên cứu thuộc Viện Đào tạo & Nghiên cứu BIDV công bố đã chỉ rõ từng khu vực kinh tế và tương quan việc làm.

Cụ thể, từ năm 2016 tới năm 2023, khu vực dịch vụ tạo việc làm nhiều nhất, từ 38% tới 39,6% việc làm so với tổng việc làm cả nước. Đồng thời, khu vực dịch vụ hằng năm đóng góp từ 41% tới 45% GDP cả nước. Theo nhóm nghiên cứu, khu vực dịch vụ là động lực lớn nhất đối với tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Dự báo trong năm 2024, cả việc làm và GDP từ khu vực dịch vụ đều tăng từ 7% tới 7,2%.

Khu vực dịch vụ tạo việc làm và đóng góp cho GDP nhiều nhất (trong ảnh là dịch vụ mặt đất của một sân bay khu vực miền Trung)

Đối với khu vực công nghiệp và xây dựng, cũng từ năm 2016 tới năm 2023, mỗi năm tạo khoảng 33,5% tổng lao động cả nước, góp từ 38,2% tới 39,7% GDP; dự báo trong năm 2024 đóng góp của khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 5,6% tới 5,8%. Còn khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tạo khoảng 28,5% việc làm, góp khoảng 12% GDP; dự báo trong năm 2024 tăng khoảng 3,5% số lao động...

Theo thống kê, trong năm 2023, tại Việt Nam ghi nhận 52,4 triệu lao động từ 15 tuổi trở lên (trong đó có khoảng 14,1 triệu lao động đã qua đào tạo); có 51,3 triệu lao động có việc làm. Đối chiếu số liệu cho thấy, nếu tham gia khu vực dịch vụ hoặc công nghiệp, xây dựng, NLĐ sẽ dễ có cơ hội tìm việc làm hơn. Tuy nhiên, cả hai khu vực này thường đòi hỏi kỹ năng và tay nghề, nên tham gia các chương trình đào tạo nghề trước khi tham gia thị trường lao động là xu hướng cần thiết.

Theo TS.Cấn Văn Lực và Nhóm nghiên cứu, kinh tế vĩ mô Việt Nam năm 2024 dự báo sẽ đan xen cả thuận lợi và khó khăn, thách thức. Cụ thể, có 5 thuận lợi, nhưng có đến 8 khó khăn, thách thức. Trong đó, 2 thách thức, rào cản lớn nhất là tác động tiêu cực từ bên ngoài (nhất là đà tăng trưởng chậm lại của Mỹ và Trung Quốc) và tình trạng sợ sai, sợ trách nhiệm, chậm thực thi công vụ ở nhiều cơ quan nhà nước có thể vẫn diễn ra, nếu những cơ chế, chính sách bảo vệ cán bộ chưa được luật hóa.

Thanh Giang