Print

Nâng tầm vươn xa

Thứ Sáu, 16 /02/2024 07:42

Năm 1994, Bộ luật Lao động được Quốc hội thông qua đã quy định về việc hình thành quỹ BHXH tập trung, độc lập với NSNN, tự hạch toán bằng sự đóng góp của chủ SDLĐ và NLĐ, được Nhà nước bảo hộ. Ngày 26/1/1995, Chính phủ đã ra Nghị định số 12/CP ban hành Điều lệ BHXH quy định thực hiện BHXH bắt buộc đối với CBVC nhà nước và NLĐ làm việc tại các DN. Nghị định 12/CP đánh dấu một bước cải cách quan trọng về chính sách BHXH.

Cùng với đó, ngày 16/2/1995, Chính phủ ban hành Nghị định số 19-CP thành lập BHXH Việt Nam trên cơ sở thống nhất các tổ chức BHXH ở Trung ương và địa phương thuộc hệ thống LĐ-TB&XH và Tổng LĐLĐ Việt Nam. Sự ra đời của BHXH Việt Nam là dấu mốc quan trọng trong việc cải cách công tác tổ chức thực hiện chính sách BHXH.

Ngày 24/1/2002, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 20/2002/QĐ-TTg về việc chuyển BHYT Việt Nam sang BHXH Việt Nam. Theo đó, BHXH Việt Nam là cơ quan sự nghiệp thuộc Chính phủ, có chức năng thực hiện chính sách, chế độ BHXH, BHYT và quản lý quỹ BHXH, BHYT theo quy định của pháp luật. Hệ thống tổ chức của BHXH Việt Nam gồm 3 cấp: Trung ương, cấp tỉnh và cấp huyện. Việc hợp nhất tổ chức BHXH và BHYT tạo thuận lợi cho tổ chức thực hiện chính sách hiệu quả hơn, chuyên nghiệp hơn và phù hợp với thông lệ thế giới.

Tiếp đó, ngày 29/6/2006, Quốc hội thông qua Luật BHXH, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2007 với loại hình BHXH bắt buộc; từ ngày 1/1/2008 với BHXH tự nguyện và từ ngày 1/1/2009 với BH thất nghiệp. Luật BHXH ra đời đã thể chế hóa các quan điểm đổi mới của Đảng, Nhà nước về BHXH, tạo lập hành lang pháp lý quan trọng để thực thi chính sách BHXH, mở rộng đối tượng tham gia và thụ hưởng BHXH đến khu vực lao động phi chính thức, bảo đảm ngày càng tốt hơn quyền lợi của người tham gia.

Sau đó hơn 2 năm, ngày 14/11/2008, Quốc hội tiếp tục thông qua Luật BHYT (có hiệu lực từ ngày 1/7/2009). Các quy định của Luật BHYT đã cơ bản khắc phục vướng mắc, tồn tại trong việc thực hiện chính sách tài chính y tế thông qua BHYT với mục tiêu xây dựng nền y tế Việt Nam công bằng, hiệu quả, bảo vệ tốt hơn sức khỏe của người dân...

Trên cơ sở đánh giá những kết quả đã đạt được cũng như những tồn tại, hạn chế… trong thực hiện chính sách BHXH, BHYT, ngày 22/11/2012, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 21-NQ/TWvề Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012-2020. Nghị quyết nêu rõ: “BHXH và BHYT là 2 chính sách xã hội quan trọng, là trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, góp phần thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo đảm ổn định chính trị- xã hội và phát triển kinh tế”; đồng thời khẳng định: “Thực hiện tốt các chế độ, chính sách BHXH, BHYT là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, tổ chức xã hội, DN và của mỗi người dân”.

Để BHXH thực sự là trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, hướng tới mục tiêu BHXH toàn dân, ngày 23/5/2018, BCH Trung ương đã ban hành Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách BHXH; xác định rõ các mục tiêu, định hướng, nhiệm vụ và giải pháp căn cơ đến năm 2030 trong hoàn thiện thể chế, hệ thống chính sách BHXH, nâng cao năng lực quản trị và hiệu quả tổ chức thực hiện chính sách.

Cùng với việc đổi mới, hoàn thiện chính sách, công tác tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BHYT của ngành BHXH Việt Nam đã đạt được những bước đột phá quan trọng. Đặc biệt, công tác BHXH, BHYT đã nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp; sự phối hợp, hỗ trợ tích cực của các bộ, ban, ngành, các đơn vị, tổ chức và toàn xã hội… Đến nay, 63 tỉnh, thành phố với 100% các xã, phường, thị trấn đã thành lập BCĐ thực hiện chính sách BHXH, BHYT; hầu hết các địa phương đã đưa chỉ tiêu bao phủ BHXH, BHYT vào Nghị quyết về phát triển kinh tế- xã hội…

Về phần mình, BHXH Việt Nam đã chủ động triển khai nhiều giải pháp phù hợp để thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ được giao. Điều đó thể hiện qua việc số người tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp không ngừng gia tăng; công tác thu- quản lý quỹ đảm bảo chặt chẽ, đúng quy định; việc giải quyết quyền lợi cho người tham gia được thực hiện đầy đủ, kịp thời, chính xác, đúng đối tượng, đảm bảo thuận lợi… Tính đến cuối năm 2023, cả nước đã có 18,259 triệu người tham gia BHXH, tương đương khoảng 39,25% lực lượng lao động trong độ tuổi, trong đó tỷ lệ tham gia BHXH tự nguyện so với lực lượng lao động trong độ tuổi đạt 3,92% (vượt 1,42% so với mục tiêu giai đoạn đến năm 2025 tại Nghị quyết 28-NQ-TW của BCH Trung ương); tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 93,35% dân số (vượt 0,15% so với Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ) với trên 93,3 triệu người tham gia, tiệm cận mục tiêu BHYT toàn dân.

Trong năm 2023, tổng thu các quỹ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp đạt hơn 472.000 tỷ đồng; số tiền chậm đóng chỉ chiếm 2,69% số phải thu, là tỷ lệ chậm đóng thấp nhất từ năm 2016 trở lại đây (giảm từ 6% của năm 2016 xuống còn 2,69%). Đây là cơ sở quan trọng để toàn Ngành đảm bảo chi trả lương hưu và trợ cấp hằng tháng cho gần 3,3 triệu người; giải quyết chế độ cho hơn 95.000 người hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH hằng tháng; trên 1,3 triệu người hưởng cách chế độ trợ cấp BHXH một lần; hơn 8,8 triệu lượt người hưởng các chế độ BHXH ngắn hạn (ốm đau, thai sản, dưỡng sức- phục hồi sức khỏe); trên 1 triệu người hưởng trợ cấp thất nghiệp và hơn 174,8 triệu lượt KCB BHYT… với tổng số chi hơn 439.000 tỷ đồng.

Với hoạt động liên quan đến hầu hết người dân, tổ chức và DN, trong những năm qua, ngành BHXH Việt Nam đã đẩy mạnh công tác cải cách TTHC, ứng dụng CNTT, chuyển đổi số và triển khai quyết liệt, có hiệu quả Đề án 06… nhằm tạo thuận lợi tối đa cho người dân, DN trong việc tham gia và thụ hưởng quyền lợi BHXH, BHYT, BH thất nghiệp.

Trên cơ sở những thành tựu đạt được trong chặng đường phát triển 29 năm qua, Chiến lược phát triển ngành BHXH Việt Nam đến năm 2030 được phê duyệt tại Quyết định số 38/QĐ-TTg ngày 1/11/2024 của Thủ tướng Chính phủ đã xác định mục tiêu tổng quát là phát triển ngành BHXH Việt Nam theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả nhằm thực hiện tốt các chính sách, chế độ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp; từng bước mở rộng bền vững diện bao phủ BHXH, BHYT, hướng tới mục tiêu BHXH và BHYT toàn dân.

Cùng với đó, nâng cao hiệu quả công tác quản lý và sử dụng tài chính các quỹ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp theo đúng quy định của pháp luật và nguyên tắc tập trung thống nhất, công khai, minh bạch, đảm bảo an toàn. Đầu tư các quỹ BHXH thực hiện theo đúng quy định của pháp luật bảo đảm an toàn, bền vững, hiệu quả. Đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của BHXH Việt Nam theo hướng tinh gọn, chuyên nghiệp, hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu cải cách, hiện đại hóa ngành BBHXH Việt Nam, đảm bảo thực hiện đúng quan điểm, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, phù hợp tình hình thực tiễn.

Chiến lược cũng đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 đạt khoảng 45% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH, trong đó nông dân và lao động khu vực phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện chiếm khoảng 2,5% lực lượng lao động trong độ tuổi. Có khoảng 55% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, BHXH hằng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội; khoảng 35% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BH thất nghiệp; trên 95% dân số tham gia BHYT.

Mức độ hài lòng của người dân, DN về giải quyết thủ TTHC đạt tối thiểu 90%; chỉ số đánh giá mức độ hài lòng của người tham gia BHXH trên 85%; số người nhận các chế độ BHXH, BH thất nghiệp qua các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt tại khu vực đô thị trên 68%.

Đẩy mạnh chuyển đổi số, nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động với các chỉ tiêu cụ thể như: 100% DVC trực tuyến toàn trình được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động; 95% hồ sơ công việc của ngành BHXH Việt Nam được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước). 100% người tham gia BHXH, BHYT có tài khoản giao dịch điện tử, đã cài đặt ứng dụng VssID-BHXH số, có thể theo dõi quá trình đóng-hưởng các chế độ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp, tra cứu thông tin, thực hiện DVC trực tuyến. 100% người dân tham gia BHYT đã được cấp CCCD có thể sử dụng thay thế thẻ BHYT khi đi KCB.

Đến năm 2030, phấn đấu đạt khoảng 60% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH, trong đó nông dân và lao động khu vực phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện chiếm khoảng 5% lực lượng lao động trong độ tuổi; khoảng 45% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BH thất nghiệp; khoảng 60% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, BHXH hằng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội; trên 97% dân số tham gia BHYT.

Mức độ hài lòng của người dân, DN về giải quyết TTHC đạt tối thiểu 95%. Chỉ số đánh giá mức độ hài lòng của người tham gia BHXH đạt mức 90%. Phấn đấu số người nhận các chế độ BHXH, BH thất nghiệp qua các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt tại khu vực đô thị đạt 75%. Tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số, nghiên cứu, phát triển hệ thống CNTT của ngành BHXH Việt Nam để đạt các yêu cầu trong tình hình mới, tích hợp, liên thông, liên kết, xử lý tập trung.

Hoàn thành xây dựng CSDL quốc gia về Bảo hiểm; kết nối, liên thông, chia sẻ dữ liệu giữa CSDL quốc gia về Bảo hiểm với CSDL quốc gia về Dân cư và các CSDL quốc gia và chuyên ngành khác để triển khai DVC và tạo thuận lợi cho người dân, đơn vị SDLĐ và triển khai kiểm tra, kiểm soát dựa trên dữ liệu lớn; 100% hệ thống thông tin của BHXH Việt Nam có liên quan đến người dân, tổ chức, DN được tái cấu trúc và ứng dụng công nghệ hiện đại, đưa vào vận hành, khai thác được kết nối, liên thông qua các nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu; 100% hồ sơ công việc của ngành BHXH Việt Nam được xử lý trên môi trường mạng (trừ những hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước).

Đây là những mục tiêu, định hướng quan trọng cho sự phát triển của toàn Ngành trong giai đoạn tiếp theo nhằm đảm bảo an sinh xã hội, ổn định đời sống nhân dân và NLĐ, góp phần phát triển kinh tế- xã hội của đất nước…

Bài: Châu Anh

Đồ họa: Thanh An