Print

Tác động của Sáng kiến Bức tường xanh vĩ đại đối với Ethiopia

Thứ Ba, 20 /02/2024 14:22

Cây xanh có thể là chìa khóa giải quyết thách thức của các quốc gia Châu Phi về mất an ninh lương thực, khó khăn kinh tế và tình trạng dễ bị tổn thương do khí hậu- việc này đã được chứng minh bằng sự thành công bước đầu của sáng kiến Bức tường xanh vĩ đại (The Great Green Wall).

Khởi động từ năm 2007, Bức tường xanh vĩ đại được coi là sáng kiến đầy tham vọng do Liên minh châu Phi (AU) khởi xướng, nhằm mục đích khôi phục 100 triệu ha đất, giảm thải 250 triệu tấn carbon và tạo ra 10 triệu việc làm. Sáng kiến đề ra tạo ra “bức tường (cây) xanh sống động trên khắp châu Phi, hiện đã triển khai ở 22 quốc gia, trong đó có Ethiopia.

Ethiopia, quốc gia có thu nhập thấp đang đương đầu với nạn phá rừng nghiêm trọng, trở thành thành viên tham gia sáng kiến Bức tường xanh vĩ đại vào năm 2011, cam kết trồng lại rừng, cùng giải quyết thách thức như sa mạc hóa và suy thoái đất. Công việc vẫn còn bộn bề, tuy nhiên, Bức tường xanh vĩ đại ở Ethiopia ghi nhận đạt được nhiều thành công trong những năm qua.

Ban đầu, Bức tường xanh vĩ đại ở Ethiopia tập trung vào 58 khu vực, trải dài phía Bắc đất nước, mang lại kết quả tạo ra 5 tỷ cây xanh và cây giống; khoảng một triệu ha đất được phục hồi, trong đó có hơn 150.000 ha rừng; bên cạnh đó, mang lại 240 ha vườn đa chức năng, đất trồng nhiều loài thực vật.

Một thành công khác của sáng kiến ở Ethiopia là tạo ra 91km hàng rào chắn gió tự nhiên bằng hàng cây hoặc bụi rậm. Việc này làm giảm tốc độ và cản gió, cải thiện chất lượng đất, thúc đẩy tăng trưởng nông nghiệp và bảo vệ con người, động vật. Sáng kiến giúp cải thiện đáng kể việc quản lý lưu vực sông, tránh thất thoát nước và hỗ trợ phục hồi đất và phát triển nông nghiệp.

Bên cạnh đó, Bức tường xanh vĩ đại tạo ra cơ hội việc làm một phần nhờ vào số cây mới được trồng. Cụ thể, việc trồng cây giấy cói Boswellia, một loại cây bản địa được biết đến để sản xuất trầm hương, cho phép người dân khai thác, sản xuất và kinh doanh trầm hương, từ đó có thu nhập. Điều quan trọng là quá trình thu hoạch trầm hương không đòi hỏi phải chặt cây xanh, góp phần duy trì rừng bền vững.

Năm 2021, sau gần 15 năm sau khi khởi công Bức tường xanh vĩ đại, AU công bố giai đoạn tiếp theo của sáng kiến Bức tường xanh vĩ đại; theo đó, trong giai đoạn tiếp theo, kéo dài đến năm 2030, các bên liên quan hy vọng sẽ cải thiện sự phối hợp với nhau và tăng hiệu quả của sáng kiến. Trọng tâm thu hẹp lại là tạo cảnh quan ở 11 quốc gia, bao gồm cả Ethiopia.

Liên minh Đa dạng sinh học quốc tế (The Alliance of Bioversity International) và Trung tâm Nông nghiệp nhiệt đới quốc tế (The International Center for Tropical Agriculture) vừa công bố đánh giá về các cột mốc phát triển và thách thức của sáng kiến Bức tường xanh vĩ đại ở Ethiopia hồi tháng 1/2023. Đồng thời, kêu gọi tăng cường tổ chức và giám sát các dự án phục hồi của Ethiopia; nhấn mạnh sự cần thiết của việc trao đổi, kiểm soát thông tin tài chính, phân bổ minh bạch các nguồn tài trợ; tiếp tục triển khai các kiến thức, kinh nghiệm thu được và mở rộng các nỗ lực trong tương lai.

Tùng Anh (Theo TABI)