Print

Năm 2025: 100% dân số độ tuổi trưởng thành sẽ có điện thoại thông minh

Thứ Sáu, 23 /02/2024 13:58

Ngày 23/2, Bộ TT-TT tổ chức Hội nghị Công bố quy hoạch hạ tầng thông tin và truyền thông thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 36/QĐ-TTg ngày 11/1/2024.

Theo Bộ TT-TT, việc Quy hoạch hạ tầng thông tin và truyền thông được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, mở ra không gian phát triển mới cho kinh tế-xã hội, gắn kết sự phát triển trên không gian số với không gian phát triển vật lý truyền thống, tạo môi trường thuận lợi cho đổi mới sáng tạo để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Hội nghị Công bố quy hoạch hạ tầng thông tin và truyền thông

Việt Nam đặt mục tiêu cao trong phát triển hạ tầng thông tin và truyền thông, kiến tạo hạ tầng cho phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số. Hạ tầng thông tin và truyền thông là một chỉnh thể thống nhất trên cơ sở liên kết giữa mạng bưu chính, hạ tầng số, hạ tầng công nghiệp CNTT, các nền tảng chuyển đổi số quốc gia và hệ thống bảo đảm an toàn thông tin mạng, an ninh mạng. Việc triển khai Quy hoạch thành công sẽ kiến tạo động lực, không gian phát triển cho lĩnh vực thông tin, truyền thông nhằm khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của ngành, đất nước để phát triển kinh tế-xã hội nhanh, bao trùm và bền vững.

Theo mục tiêu đề ra, đến năm 2025, mạng băng rộng cố định đáp ứng quy chuẩn quốc gia về chất lượng dịch vụ, với mục tiêu phổ cập được tới tất cả các thôn, bản, bảo đảm 100% số hộ gia đình có khả năng tiếp cận cáp quang khi có nhu cầu với 90% người sử dụng có thể truy nhập internet cố định, tốc độ trung bình 200Mb/s… Trong số đó, một trong những mục tiêu quan trọng của Quy hoạch là 100% dân số độ tuổi trưởng thành có điện thoại thông minh; Việt Nam thuộc nhóm 50 quốc gia dẫn đầu theo Bộ chỉ số phát triển CNTT và truyền thông (IDI) của Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU).

Đối với hạ tầng ứng dụng CNTT, đến năm 2025, ưu tiên tập trung nguồn lực phát triển theo hướng làm trước, làm tốt, làm tập trung các nền tảng số có tính chất hạ tầng quy mô quốc gia phục vụ nhiều ứng dụng, dịch vụ, đóng vai trò là nền tảng số dùng chung cho nhiều lĩnh vực kinh tế-xã hội, phục vụ các hoạt động thiết yếu của xã hội trên môi trường số. Đến năm 2030, các nền tảng số quy mô quốc gia được hoàn thiện, vận hành thông suốt đáp ứng được yêu cầu Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số. Mọi người dân được tiếp cận và sử dụng các dịch vụ số tiên tiến với chất lượng cao, giá cước phù hợp.

Về an toàn thông tin mạng, đến năm 2025, 100% hệ thống thông tin của các cơ quan nhà nước được bảo đảm an toàn theo cấp độ hệ thống thông tin; 100% bộ, cơ quan ngang bộ, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện bảo đảm an toàn thông tin mạng theo mô hình 4 lớp; 100% thiết bị đầu cuối của các cơ quan nhà nước được cài đặt giải pháp bảo đảm an toàn thông tin mạng…

Tại Hội nghị, Bộ TT-TT đề xuất các giải pháp thực hiện Quy hoạch, trong đó bao gồm một số giải pháp đột phá như: Dừng triển khai công nghệ viễn thông di động thế hệ cũ theo lộ trình để chuyển đổi việc sử dụng các băng tần cho công nghệ mới; đồng thời quy hoạch bổ sung băng tần mới để phát triển các công nghệ di động thế hệ mới 4G, 5G và các thế hệ tiếp theo.

Từ năm 2025 tập trung phát triển mạng thông tin di động thế hệ thứ 5 (5G); phân bổ tài nguyên viễn thông (tần số, kho số, tên miền…) theo cơ chế thị trường đủ để bảo đảm cung cấp chất lượng dịch vụ viễn thông ngang tầm khu vực và thế giới. Đồng thời, có chính sách cho phép Trung tâm Dữ liệu được áp dụng cơ chế mua điện trực tiếp tại nguồn, cho phép các Trung tâm Dữ liệu khu vực (Digital Hub) được áp dụng các cơ chế đặc thù, ưu tiên đặt tại các trung tâm tài chính khu vực và quốc tế của Việt Nam.

Bên cạnh đó, ban hành chính sách khuyến khích và bắt buộc sử dụng các nền tảng số quốc gia dùng chung, thúc đẩy việc kết nối, liên thông dữ liệu nhằm nâng cao hiệu quả khai thác hạ tầng, tiết kiệm nguồn lực xã hội; xây dựng các phòng thí nghiệm trọng điểm nhằm phát triển các sản phẩm trọng điểm make in Viet Nam phục vụ Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, chuyển đổi số, sản xuất thông minh, nông nghiệp thông minh.

Thanh Hằng