Print

Hậu Giang: Phát triển kinh tế gắn với đảm bảo an sinh xã hội

Thứ Tư, 28 /02/2024 15:46

Trải qua 20 năm hình thành và phát triển, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hậu Giang luôn không ngừng chủ động cố gắng, phát huy nội lực, tận dụng thời cơ, từng bước vượt qua khó khăn, phát triển kinh tế-xã hội nhanh và bền vững.

Nhân kỷ niệm 20 năm thành lập tỉnh Hậu Giang, phóng viên Tạp chí BHXH đã phỏng vấn ông Đồng Văn Thanh- Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang về việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội và đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh thời gian qua.

Ông Đồng Văn Thanh- Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang

* Phóng viên: Thưa ông, bước sang năm 2024, cụ thể là ngày 1/1/2024 ghi dấu Hậu Giang tròn 20 tuổi. Ông có thể chia sẻ về những kết quả của địa phương trong thực hiện các mục tiêu kinh tế-xã hội, trong đó có chính sách an sinh xã hội của tỉnh trong 20 năm qua?

- Ông Đồng Văn Thanh:

Tỉnh Hậu Giang được thành lập ngày 1/1/2004 trên cơ sở chia tách từ TP.Cần Thơ. Khi mới thành lập, Hậu Giang là tỉnh nghèo khó nhất vùng ĐBSCL, với trên 80% đất sản xuất nông nghiệp và 79% lao động trong lĩnh vực nông nghiệp. Năm 2004, quy mô kinh tế của tỉnh chỉ khoảng 4.700 tỷ đồng; thu nhập bình quân đầu người khoảng 6 triệu đồng; thu nội địa khoảng 180 tỷ đồng/năm; chỉ có khoảng 600 DN hoạt động; tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh lên tới gần 24%; tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia chưa đến 10%...

Trong suốt chặng đường 20 năm qua, với sự quyết tâm cao, nỗ lực lớn của cả hệ thống chính trị, cộng đồng DN và người dân, Hậu Giang đã có những bước chuyển mình phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là những năm gần đây, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) liên tục tăng nhanh và cao hơn bình quân cả nước. Nổi bật là, năm 2023 đạt 12,27%, tiếp tục dẫn đầu khu vực ĐBSCL, đứng thứ hai cả nước; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng định hướng, thu nội địa tăng bình quân 1.000 tỷ đồng/năm, tăng 20,45%. Chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) của tỉnh xếp thứ 12/63 tỉnh, thành, tăng 26 bậc; chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) xếp thứ 20/63 tỉnh, thành, tăng 7 bậc và xếp thứ 2/13 tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL.

Một hội nghị truyền thông về BHXH tự nguyện, BHYT do BHXH tỉnh Hậu Giang tổ chức

Lĩnh vực văn hóa, xã hội được địa phương quan tâm, chăm lo, đầu tư phát triển, đạt nhiều kết quả quan trọng. Tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách để phát triển giáo dục-đào tạo; mạng lưới y tế, đặc biệt là y tế cơ sở ngày càng được củng cố và phát triển, NSNN và nguồn lực xã hội đầu tư cho bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân được tăng cường; các chính sách giải quyết việc làm, tạo thêm việc làm mới cho NLĐ được thực hiện thường xuyên; công tác giảm nghèo được chú trọng, đời sống của người dân không ngừng được cải thiện; an sinh xã hội được bảo đảm, các chính sách liên quan đến người có công tiếp tục được quan tâm thực hiện đầy đủ.

Nhân dịp kỷ niệm 20 năm thành lập, tỉnh Hậu Giang phát động, vận động xây dựng được 1.400 căn nhà đại đoàn kết- đây là hoạt động có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, góp phần tô đậm thêm truyền thống đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, “tương thân tương ái”, “lá lành đùm lá rách” của dân tộc ta.

Quốc phòng-an ninh được địa phương tiếp tục giữ vững; an ninh chính trị và trật tự xã hội được bảo đảm. Đặc biệt, công tác thực hiện chính sách BHXH, BHYT trên địa bàn tỉnh luôn được quan tâm triển khai tốt, số người tham gia BHXH, BHYT luôn được mở rộng, độ bao phủ tăng qua từng năm. Đến nay, Hậu Giang có trên 86.800 người tham gia BHXH, chiếm 23% lực lượng lao động; trên 58.800 người tham gia BH thất nghiệp, chiếm trên 15% lực lượng lao động; gần 683.000 người tham gia BHYT, đạt tỷ lệ bao phủ gần 94% dân số. Trong năm 2023, BHXH tỉnh Hậu Giang đã hoàn thành và vượt mức các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao, góp phần vào kết quả chung của địa phương.

* Như ông chia sẻ, song song với nhiệm vụ phát triển kinh tế, địa phương cũng rất quan tâm đến chính sách an sinh xã hội cho người dân. Vậy, ngoài chính sách chung của Trung ương, tỉnh có những chính sách và cách làm riêng nào để hỗ trợ người tham gia BHYT, thưa ông?

- Mặc dù còn nhiều khó khăn, nguồn thu ngân sách còn hạn hẹp, nhưng hàng năm, tỉnh Hậu Giang đã cố gắng dành một phần kinh phí để đóng và hỗ trợ mức đóng BHYT cho người dân. Đồng thời, ban hành nhiều nghị quyết hỗ trợ mức đóng BHYT cho người dân như: Nghị quyết về chính sách hỗ trợ mức đóng BHYT áp dụng trên địa bàn tỉnh Hậu Giang; Nghị quyết về quy định chính sách hỗ trợ an sinh xã hội và hỗ trợ mức đóng BHYT cho một số đối tượng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022-2025.

Tư vấn, vận động người buôn bán nhỏ ở các chợ tham gia BHXH tự nguyện, BHYT

Theo đó, hỗ trợ 5% đến 70% mức đóng BHYT cho cả giai đoạn 2022-2025 cho các đối tượng là người thuộc hộ nông- lâm- ngư nghiệp có mức sống trung bình thuộc các trường hợp: Người từ đủ 60 tuổi đến dưới 80 tuổi, HSSV và người có bệnh mãn tính, người dân đang sống trong vùng không còn được công nhận là khó khăn, đặc biệt khó khăn theo Quyết định số 861/QĐ-TTg. Đặc biệt, thời gian qua, tỉnh đã bố trí nguồn ngân sách địa phương hỗ trợ 30% mức đóng BHYT cho người thuộc cận nghèo.

Có thể thấy, ngoài chính sách chung của Trung ương, tỉnh rất quan tâm hỗ trợ cho người dân có hoàn cảnh khó khăn, để mọi người có điều kiện được tiếp cận chính sách BHYT, ổn định cuộc sống, tránh rơi vào bẫy nghèo do phải điều trị bệnh mà không có thẻ BHYT, góp phần đảm bảo an sinh xã hội của địa phương.

* Vậy, để tiếp tục thực hiện tốt chính sách BHXH, BHYT trong năm 2024 và những năm tiếp theo, tỉnh có những định hướng, giải pháp như thế nào?

- Để chính sách BHXH, BHYT được thực hiện tốt và bền vững, trong thời gian tới, các cấp, các ngành cần triển khai, quán triệt đầy đủ các chính sách, quy định của Trung ương và địa phương, trọng tâm là thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách BHXH, Quyết định số 546/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về giao chỉ tiêu thực hiện bao phủ BHYT giai đoạn 2022-2025, Chương trình số 174-CTr/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về việc thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW. Đồng thời, thực hiện có hiệu quả Công văn số 968-CV/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc tăng cường thực hiện chính sách BHXH, BHYT trên địa bàn tỉnh.

Tỉnh Hậu Giang chú trọng phát triển đồng đều kinh tế-xã hội 

Đặc biệt, tổ chức triển khai thực hiện đạt chỉ tiêu bao phủ BHYT theo Quyết định số 546/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, phấn đấu hết năm 2024, tỷ lệ người dân tham gia BHYT chiếm 94,81% dân số, tiến tới năm 2025 chiếm 95% dân số. Để đạt được kết quả trên, UBND tỉnh chỉ đạo các ngành và địa phương tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, trong đó chú trọng tuyên truyền những tấm gương người thật, việc thật.

Trong điều kiện ngân sách tỉnh cho phép sẽ tiếp tục quan tâm hỗ trợ các chính sách, đặc biệt là hỗ trợ BHYT các đối tượng yếu thế khác; đẩy mạnh CCHC, tăng cường ứng dụng CNTT trong quản lý và hoạt động nghiệp vụ BHXH, BHYT; chỉ đạo BHXH tỉnh giải quyết đầy đủ, kịp thời và đảm bảo các quyền lợi BHXH, BHYT cho người tham gia.

Song song với đó, giao ngành Y tế tỉnh tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh có kế hoạch đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ KCB, nâng cao y đức, chất lượng đội ngũ y bác sĩ để phục vụ tốt người dân. Giao các địa phương cần tập trung cho công tác phát triển người tham gia BHYT ngay từ đầu năm, bởi đây không chỉ là chỉ tiêu, mà còn thể hiện tinh thần tương thân tương ái “mình vì mọi người, mọi người vì mình”; tham gia BHYT trước hết là để phòng thân, sau nữa là giúp đỡ và chia sẻ với những người không may mắc bệnh và những người yếu thế trong xã hội.

* Trân trọng cảm ơn ông!

Trà Giang-Kim Thảo (Thực hiện)