Print

Cần thận trọng khi dùng thuốc chống loãng xương Alendronate

Thứ Sáu, 01 /03/2024 10:57

Bệnh nhân bị loãng xương khi uống Alendronate nếu có các triệu chứng như chứng khó nuốt, vừa mới ợ nóng hay ợ nóng nhiều lần, nuốt đau, hoặc đau dưới xương ức… cần phải thông báo cho thầy thuốc để xử trí kịp thời. Nếu có phản ứng nặng ở thực quản như viêm thực quản, xói mòn, loét và hẹp thực quản, nên ngưng điều trị.

Loãng xương (hay còn gọi là xốp xương, giòn xương) là tình trạng xương liên tục mỏng dần. Mật độ xương giảm dần theo thời gian, khiến xương giòn hơn, dễ tổn thương và bị gãy dù chỉ với chấn thương nhẹ. Người cao tuổi rất hay gặp tình trạng bệnh lý của loãng xương do bệnh xương chuyển hóa tiến triển làm giảm mật độ chất khoáng trong xương kèm suy giảm cấu trúc xương. Xương yếu dẫn đến gãy xương với chấn thương nhỏ hoặc không rõ chấn thương, ở cột sống lưng, thắt lưng, cổ tay và khớp háng (gọi là gãy xương do loãng xương).

Tình trạng giảm mật độ xương do loãng xương thường không có dấu hiệu rõ ràng. Người bệnh thường không biết mình mắc bệnh cho tới khi xương bị gãy sau các sang chấn nhỏ như trẹo chân, té ngã, va đập. Tuổi cao là nguyên nhân hàng đầu dẫn tới tình trạng mật độ xương bị suy giảm. Phụ nữ bước vào giai đoạn mãn kinh hay có chu kỳ kinh nguyệt không đều gây suy giảm nồng độ estrogen, thường có nguy cơ cao mắc bệnh loãng xương. Ở nam giới, nồng độ testosterone thấp cũng là nguyên nhân gây loãng xương. Ngoài ra, loãng xương còn do các nguyên nhân liên quan đến lối sống, lao động nặng nhọc, chế độ ăn uống không khoa học, thiếu dưỡng chất, đặc biệt là những chất có lợi cho xương khớp như canxi, vitamin D, omega-3…

Hiện nay, tại các cơ sở y tế hoặc các phòng khám tư nhân, việc chẩn đoán tình trạng loãng xương được thực hiện qua kỹ thuật đo mật độ xương bằng chụp CT, để xác định hàm lượng canxi, các khoáng chất có trong xương. Các khu vực thường được thực hiện đo mật độ xương là cột sống, hông hay xương cẳng tay. Ngoài đo loãng xương bằng máy, việc người bệnh thực hiện các xét nghiệm máu và nước tiểu để kiểm tra nồng độ nội tiết tố và tìm kiếm những nguy cơ làm tăng sự mất xương như tình trạng thiếu hụt các loại vitamin hay khoáng chất trong cơ thể cũng giúp cho xác định tình trạng loãng xương được chính xác.

Trên thị trường hiện nay có khá nhiều thuốc điều trị loãng xương nhóm Bisphosphonate, với các tên khác nhau có hoạt chất Alendronate- là một chất ức chế tiêu xương được sử dụng phổ biến nhất để điều trị loãng xương. Alendronat là một Bisphosphonat gắn kết vào khoáng chất của xương và ức chế chuyên biệt hoạt tính của tế bào hủy xương. Alendronat ức chế sự hủy xương mà không tác dụng trực tiếp lên quá trình hình thành xương, mặc dù quá trình này bị giảm do quá trình hủy xương và quá trình hình thành xương thường đi cùng nhau trong suốt quá trình sống của xương.

Alendronate được sử dụng làm thuốc uống điều trị và dự phòng loãng xương ở phụ nữ mãn kinh, điều trị loãng xương ở đàn ông. Trong điều trị loãng xương, Alendronat có tác dụng làm tăng khối lượng xương và ngăn ngừa gãy xương, kể cả khớp háng, cổ tay và đốt sống. Phụ nữ mãn kinh có nguy cơ mắc loãng xương hoặc cho người mong muốn duy trì khối lượng xương và giảm nguy cơ gãy xương sau này cũng được kê đơn dùng thuốc này. Đối với những người bệnh sử dụng thuốc Corticoid kéo dài cũng hay được dùng kèm thêm Alendronate để đề phòng loãng xương do tác dụng phụ của các Corticosteroid.

Khi sử dụng Alendronate, bệnh nhân cần phải uống viên thuốc ở tư thế đứng hoặc ngồi thẳng lưng với nhiều nước, ít nhất phải là một cốc to 200ml. Uống thuốc vào buổi sáng, trước khi ăn và chỉ uống với nước lọc, tránh uống thuốc với bất cứ một loại nước ngọt hay nước khoáng nào. Do bản chất của thuốc, để tránh gây phản ứng ở thực quản, nhất là đối với người cao tuổi, nên tuyệt đối tuân thủ nguyên tắc uống thuốc này. Nên uống thuốc lúc sáng sớm, khi dạ dày rỗng và không ăn hoặc uống thuốc khác ít nhất cách lúc uống Alendronate 30 phút. Bệnh nhân nên giữ ở tư thế thẳng đứng sau khi uống thuốc và không nên nằm trước khi ăn bữa đầu tiên trong ngày. Không nên uống Alendronat vào giờ đi ngủ, hoặc trước khi dậy trong ngày. Cần theo dõi những rối loạn khác ảnh hưởng đến chuyển hóa khoáng chất như sự thiếu hụt vitamin D hoặc suy tuyến cận giáp. Nếu ở BV, đo lượng canxi huyết thanh ở những đối tượng này cần được theo dõi trong suốt quá trình điều trị.

Các thuốc nhóm Bisphosphonat gây triệu chứng tiêu hóa như đau bụng, khó tiêu, tiêu chảy hoặc táo bón là những ADR thường gặp. Bệnh nhân bị loãng xương khi uống Alendronate nếu có các triệu chứng như chứng khó nuốt, vừa mới ợ nóng hay ợ nóng nhiều lần, nuốt đau, hoặc đau dưới xương ức… cần phải thông báo cho thầy thuốc để xử trí kịp thời. Nếu có phản ứng nặng ở thực quản như viêm thực quản, xói mòn, loét và hẹp thực quản, nên ngưng điều trị.

ThS.Lê Quốc Thịnh