Print

Năm 2023, doanh thu của các doanh nghiệp nhà nước đạt khoảng 1,65 triệu tỷ đồng

Chủ nhật, 03 /03/2024 14:41

Năm 2023, mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng tổng doanh thu của khối doanh nghiệp nhà nước (DNNN) ước đạt khoảng 1,65 triệu tỷ đồng, vượt 4% kế hoạch. Trong đó, doanh thu của riêng 19 tập đoàn, tổng công ty và Tập đoàn Viettel đạt hơn 1,3 triệu tỷ đồng, chiếm gần 80% tổng doanh thu của toàn bộ DNNN.

Thông tin tại buổi gặp mặt các DNNN đầu Xuân do Thường trực Chính phủ tổ chức sáng 3/3, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, năm 2023, tình hình thế giới và trong nước tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường, khó khăn hơn so với dự báo, tạo sức ép, tác động lớn đến phát triển kinh tế-xã hội của nước ta. Tuy nhiên, với sự vào cuộc, nỗ lực, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, nước ta đã đạt được những kết quả quan trọng, trở thành điểm sáng của kinh tế toàn cầu. Trong thành công chung đó, có sự đóng góp tích cực, quan trọng của cộng đồng DN, đặc biệt các DNNN.

Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng

Theo đó, tổng doanh thu ước thực hiện năm 2023 của DNNN khoảng 1,65 triệu tỷ đồng, vượt 4% kế hoạch. Trong đó, doanh thu của riêng 19 tập đoàn, tổng công ty và Tập đoàn Viettel đạt hơn 1,3 triệu tỷ đồng, chiếm gần 80% tổng doanh thu của toàn bộ DNNN. Lợi nhuận trước thuế của DNNN khoảng 125,8 nghìn tỷ đồng, vượt 8% kế hoạch; đóng góp NSNN ước thực hiện khoảng 166 nghìn tỷ đồng, vượt 8% kế hoạch.

Các DNNN đã tập trung thực hiện các dự án đầu tư đảm bảo tiến độ, hiệu quả, tiết kiệm theo kế hoạch được duyệt. Riêng 19 tập đoàn, tổng công ty có tổng vốn đầu tư giải ngân ước đạt 161 nghìn tỷ đồng so với 208,328 nghìn tỷ đồng được giao, đạt gần 80% kế hoạch năm. Nhiều dự án trọng điểm được đẩy nhanh tiến độ như: Dự án Nhà máy Điện Nhơn Trạch 3, 4; Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, nhà ga T3 Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất; Dự án mở rộng đường cao tốc TP.HCM-Long Thành-Dầu Giây…

DNNN ngày càng thể hiện rõ vai trò dẫn dắt, chi phối, chủ đạo trong những ngành, lĩnh vực quan trọng, thiết yếu của nền kinh tế; góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, đóng góp thiết thực vào xây dựng, phát triển kinh tế-xã hội và bảo vệ Tổ quốc.

DNNN đóng vai trò quan trọng dẫn dắt nền kinh tế

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, hoạt động của khu vực DNNN còn bộc lộ một số hạn chế như: Một số DNNN chưa phát huy hết hiệu quả nguồn lực, vốn, tài sản Nhà nước giao, giải ngân vốn đầu tư cả năm 2023 chưa đạt kế hoạch, hoạt động còn thua lỗ; năng lực cạnh tranh, ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số còn hạn chế; công tác đổi mới quản trị DN còn chậm; chưa có các dự án đầu tư phát triển quy mô đủ lớn để tạo động lực bứt phá, sức lan tỏa, tạo ra động lực mới cho tăng trưởng, nhất là trong các lĩnh vực mới như sản xuất năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, công nghệ cao…

Những tồn tại, hạn chế trên do nhiều nguyên nhân. Đáng chú ý, một số vướng mắc về cơ chế, chính sách chưa được kịp thời tháo gỡ; các quy định pháp luật liên quan về quản trị DN, quản lý vốn và tài sản, đất đai, đấu giá, đấu thầu… chưa đồng bộ, chưa phù hợp với đầu tư kinh doanh và quản trị điều hành DNNN trong nền kinh tế thị trường. Pháp luật hiện hành về DNNN chưa thật sự phân cấp, chưa trao quyền tự chủ cho DN chủ động quyết định hoạt động đầu tư, kinh doanh.

Trên cơ sở chỉ rõ kết quả và những tồn tại, hạn chế, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã chỉ ra 3 bài học kinh nghiệm, đó là:

Thứ nhất, vai trò, vị trí và sứ mệnh của DNNN được xác định là hết sức lớn và đầy thách thức, nhưng quyền hạn, trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi của DNNN nói chung và NLĐ trong DNNN nói riêng chưa tương xứng; DNNN không được tự chủ thực hiện vai trò, sứ mệnh của mình; NLĐ, nhất là lao động quản lý không được khuyến khích đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, nỗ lực phát huy tối đa năng lực của mình cho sự phát triển chung của DN.

Khối DNNN đóng góp lớn vào doanh thu nền kinh tế 

Thứ hai, để phát triển đất nước nhanh và bền vững, cần phải phát huy tối đa và tập trung mọi nguồn lực DNNN đang nắm giữ cho đầu tư phát triển, nhất các công trình hạ tầng quan trọng quốc gia, đầu tư nắm bắt các công nghệ cốt lõi, phát triển các ngành, nghề và sản phẩm mới phù hợp với xu thế phát triển của thời đại.

Thứ ba, phải lựa chọn, bổ nhiệm đội ngũ quản lý DNNN có trình độ, kinh nghiệm quản lý giỏi; đồng thời, có chế độ tiền lương và lợi ích tương xứng với năng lực và kết quả quản trị, điều hành hoạt động kinh doanh của DN.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, năm 2024, dự báo kinh tế thế giới và trong nước tiếp tục đối mặt với khó khăn, thách thức lớn hơn, nhất là đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh và cũng là năm tăng tốc, bứt phá, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025.

Do đó, ngay từ đầu năm, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 01/NQ-CP với 12 nhóm nhiệm vụ, giải pháp, trong đó một số nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng các DN, đặc biệt khu vực DNNN cần triển khai thực hiện như:

Đẩy mạnh xây dựng, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại, nhất là hệ thống đường cao tốc, cảng hàng không, bến cảng, hạ tầng đô thị, hạ tầng liên vùng, hạ tầng số, hạ tầng xã hội, y tế, giáo dục.

Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện các dự án hạ tầng quy mô lớn; triển khai kịp thời, hiệu quả Quy hoạch Điện VIII; tiếp tục chuyển dịch, phát triển và phổ cập hạ tầng viễn thông truyền thống sang hạ tầng số; phổ cập nền tảng số quốc gia.

Đẩy mạnh phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, các lĩnh vực mới nổi, làm mới các động lực tăng trưởng cũ và khai thác hiệu quả các động lực tăng trưởng mới...

Đặc biệt, để các DNNN phát huy hết tiềm năng, nguồn lực, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ đề ra tại Nghị quyết 01/NQ-CP, các bộ, ngành, địa phương, DN cần triển khai nhanh chóng và hiệu quả các giải pháp.

Cụ thể, các bộ, ngành, địa phương cần khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao tại các Nghị quyết của Chính phủ, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ; đẩy nhanh tiến độ xây dựng chiến lược, quy hoạch phát triển các ngành, lĩnh vực; đẩy mạnh cải cách TTHC, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Đồng thời, cần hoàn thành trình Quốc hội, Chính phủ ban hành các cơ chế, chính sách về đầu tư vốn nhà nước tại DN, thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước; các cơ chế, chính sách đặc thù để các DNNN quy mô lớn thực hiện vai trò mở đường dẫn dắt trong các ngành, lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế, tháo gỡ triệt để các vướng mắc về cơ chế pháp lý đối với hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư phát triển của DNNN.

PV