Print

Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc Phiên họp thứ 31

Thứ Năm, 14 /03/2024 09:35

Sáng 14/3, Phiên họp thứ 31 của Ủy ban TVQH chính thức khai mạc dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, Ủy ban TVQH họp phiên thứ 31 diễn ra trong 3,5 ngày, dự kiến cho ý kiến, xem xét quyết định các nội dung quan trọng. Trong đó về công tác lập pháp, Ủy ban TVQH cho ý kiến về giải trình, tiếp thu đối với 7 Dự án Luật trước khi xin ý kiến ĐBQH tại Hội nghị ĐBQH hoạt động chuyên trách, sau đó trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7 gồm: Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi); Dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản; Dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi); Dự thảo Luật Đường bộ; Dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi).

Chủ tịch Quốc hội khẳng định, sau Phiên họp lần này, 9 Dự án Luật dự kiến thông qua tại Kỳ họp thứ 7 của Quốc hội cũng được Ủy ban TVQH cho ý kiến, xem xét tại Phiên họp tháng 2. Như vậy có thể thấy, tiến độ chuẩn bị các dự án luật của Chính phủ, Ủy ban TVQH, các cơ quan, tổ chức hữu quan tích cực và sớm hơn so với kỳ họp trước đây. Trong các dự án luật trình lần này đều được các đồng chí Phó Chủ tịch Quốc hội phụ trách ngành và lĩnh vực cùng với cơ quan chủ trì soạn thảo và cơ quan chủ trì thẩm tra làm việc rất kỹ lưỡng, nhiều vòng, nhiều lần tiếp thu ý kiến một cách tối đa những ý kiến xác đáng của ĐBQH, các chuyên gia, nhà khoa học và tiếp tục chỉnh lý, sửa đổi, bổ sung và cơ bản so với dự thảo đã trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6 được hoàn thiện thêm một bước rất cơ bản.

Nhóm vấn đề thứ hai, Ủy ban TVQH sẽ xem xét quyết định việc thành lập sắp xếp một số đơn vị hành chính thuộc tỉnh Bình Dương, tỉnh Tiền Giang. Đây cũng là một trong những nội dung trọng tâm để thực hiện nghị quyết, kết luận của Bộ Chính trị và chủ trương sắp xếp lại các đơn vị hành chính cấp xã và cấp huyện; đồng thời triển khai thực hiện Nghị quyết 06 của Bộ Chính trị về phát triển đô thị trong thời kỳ mới. Cũng trong phiên họp tháng 3, Ủy ban TVQH cũng sẽ xem xét, cho ý kiến đối với Báo cáo Công tác dân nguyện tháng 2/2024. “Nhóm vấn đề thứ ba là Ủy ban TVQH dự kiến dành một ngày (dự kiến ngày 18) thực hiện chất vấn và trả lời chất vấn tại Ủy ban TVQH đối với hai nhóm vấn đề: nhóm vấn đề thứ nhất thuộc lĩnh vực tài chính; nhóm vấn đề thứ hai thuộc lĩnh vực ngoại giao. Trong tháng 3, sẽ còn phiên chuyên đề về xây dựng pháp luật và phiên họp thường kỳ của tháng 5 sẽ cơ bản hoàn tất các nội dung có liên quan đến chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 7”- Chủ tịch Quốc hội nêu.

Ngay sau khi mạc, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng đã trình bày báo cáo tóm tắt một số vấn đề lớn giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi). Theo đó, trên cơ sở nghiên cứu, tham khảo các quy định của một số luật và Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội, dự thảo Luật đã bổ sung 2 nội dung mới trong nguyên tắc áp dụng pháp luật theo hướng: Xác định rõ trong trường hợp luật, nghị quyết của Quốc hội ban hành sau ngày Luật Thủ đô có hiệu lực thi hành có quy định khác với Luật Thủ đô về cùng một vấn đề và quá trình triển khai áp dụng quy định này sẽ thuận lợi hơn cho việc xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô nhưng việc áp dụng lại chưa được quy định cụ thể trong luật, nghị quyết đó thì Ủy ban TVQH quyết định việc áp dụng theo đề nghị của Chính phủ (khoản 3).

Để khắc phục vướng mắc trong thực tiễn áp dụng Luật Thủ đô năm 2012 và một số Nghị quyết của Quốc hội thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù cho một số địa phương hiện đang được triển khai, dự thảo Luật quy định: trường hợp có sự khác nhau giữa văn bản quy định chi tiết hoặc văn bản ban hành để thực hiện thẩm quyền được giao theo quy định của Luật Thủ đô với văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên về cùng một vấn đề thì áp dụng văn bản quy định chi tiết, văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện thẩm quyền được giao trong Luật Thủ đô (khoản 4).

Về tổ chức chính quyền đô thị (Chương II), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho biết, trên cơ sở ý kiến của ĐBQH, Thường trực Ủy ban Pháp luật và các cơ quan thống nhất tiếp thu, chỉnh lý các quy định về mô hình tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội; cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND và UBND TP.Hà Nội, quận, thị xã, thành phố thuộc Thành phố và UBND phường. Nội dung tiếp thu, chỉnh lý các quy định về tổ chức bộ máy thể hiện sự phân cấp, phân quyền mạnh mẽ cho TP.Hà Nội, giúp chính quyền TP chủ động hơn về tổ chức bộ máy, biên chế để có thể đảm đương một cách hiệu quả vai trò, nhiệm vụ hết sức đặc thù là Thủ đô của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam. Cụ thể, dự thảo luật phân quyền cho HĐND TP.Hà Nội quy định tiêu chí thành lập và quyết định việc thành lập, tổ chức lại, giải thể cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc UBND Thành phố (không bị giới hạn bởi quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn của Bộ, cơ quan ngang Bộ về các nội dung liên quan nhưng phải bảo đảm phù hợp yêu cầu về mục tiêu, nhiệm vụ quản lý nhà nước, mục tiêu CCHC nhà nước và không chồng chéo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn) (khoản 4 Điều 9).

Dự thảo Luật cũng phân quyền cho cơ quan chuyên môn về y tế thuộc UBND Thành phố thẩm định, cho phép các cơ sở KCB thuộc phạm vi quản lý của UBND TP được áp dụng kỹ thuật mới, phương pháp mới trong KCB đã được cơ quan có thẩm quyền ở nước ngoài cho phép áp dụng tại nước ngoài (khoản 5 Điều 26) (Luật Khám bệnh, chữa bệnh giao Bộ Y tế).

V.Thu