Print

Thông tin minh bạch- Tiêu dùng an toàn

Thứ Năm, 14 /03/2024 11:00

Là chủ đề Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2024 được tập trung tổ chức trong tháng 3/2024 (tháng cao điểm) và kéo dài trong cả năm 2024.

Ngày 10/7/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1035/QĐ-TTg công nhận ngày 15/3 là Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, hàng năm, Bộ Công Thương đã phối hợp với các Bộ ngành và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng và triển khai các hoạt động hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam.

Trên cơ sở Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 mới được ban hành và yêu cầu của người tiêu dùng đối với việc được cung cấp thông tin chính xác, an toàn, Bộ Công Thương đã ban hành Kế hoạch số 6022/KH-BCT đề xuất hoạt động và lựa chọn chủ đề cho các hoạt động hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2024 là: “Thông tin minh bạch- Tiêu dùng an toàn”.

Theo Kế hoạch, các hoạt động vì quyền lợi người tiêu dùng được khuyến khích tổ chức và thực hiện trong suốt cả năm 2024 trong đó tập trung vào các khoảng thời gian cao điểm về kinh doanh và tiêu dùng như: Tết Dương lịch, Tết Âm lịch, các mùa mua sắm hoặc các dịp mua sắm cao điểm trên thị trường. Các hoạt động hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2024 sẽ bắt đầu từ mùa mua sắm cuối năm 2023 (tháng 11), được tập trung tổ chức trong tháng 3/2024 (tháng cao điểm) và kéo dài trong cả năm 2024.

Tai Trung ương, một số hoạt động dự kiến sẽ được triển khai bao gồm: Tổ chức Lễ phát động Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2024; thực hiện các hoạt động tuyên truyền phổ biến; xây dựng và phát hành các tài liệu, ấn phẩm tuyên truyền có liên quan; tổ chức các hội thảo, tập huấn, khóa đào tạo theo chủ đề; phối hợp với các DN tổ chức các hoạt động tri ân người tiêu dùng; tổ chức các sự kiện công cộng hướng về người tiêu dùng hay các cuộc thi tìm hiểu về quy định pháp luật, kiến thức, kỹ năng kinh doanh và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng…

Tại địa phương, UBND các tỉnh, thành phố trên cả nước căn cứ trên tình hình thực tế để lập kế hoạch, bố trí kinh phí và tổ chức thực hiện các hoạt động hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2024 trên địa bàn, đảm bảo toàn bộ các khu chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, cơ sở sản xuất, kinh doanh tại địa phương đều có các hình thức phù hợp để tuyên truyền, quảng bá.

Công Thương kêu gọi, động viên, khuyến khích sự tham gia của các cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội, DN và người tiêu dùng với các hoạt động liên quan; từng bước đưa Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam thành động lực và điểm nhấn quan trọng trong đời sống kinh tế xã hội, hỗ trợ hoạt động kinh doanh của các DN sản xuất, kinh doanh chân chính, đồng thời bảo đảm các quyền cơ bản của người tiêu dùng, đặc biệt là quyền được tiếp cận thông tin một cách minh bạch, an toàn.

Theo Bộ Công Thương, năm 2024, công tác bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng tiếp tục gắn với chủ đề “Thông tin minh bạch- Tiêu dùng an toàn”. Điều đó cho thấy tầm quan trọng của thông tin rõ ràng, hàng hóa minh bạch đối với sự an toàn của người tiêu dùng, đặc biệt trong bối cảnh ngày càng có nhiều hành vi xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng trên môi trường trực tuyến. Để công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có sự chuyển biến thực chất, vai trò then chốt nằm ở nhận thức của các đơn vị sản xuất, kinh doanh và chính người tiêu dùng.

Chia sẻ tại tọa đàm “Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng- Nâng cao thương hiệu, uy tín DN” mới đây, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam Vũ Văn Trung cho biết, với Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng mới, các quy định pháp lý đã cụ thể hơn, chi tiết hơn, do đó khi luật có hiệu lực sẽ bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng chặt chẽ hơn. Đồng thời, các đơn vị sản xuất, kinh doanh cũng nhận thức được rằng những hình thức kinh doanh chộp giật, thiếu minh bạch sẽ dần dần bị loại bỏ.

“Khi luật được phổ biến cặn kẽ hơn, người tiêu dùng cũng sẽ mạnh dạn hơn trong việc lên tiếng. Hội Bảo vệ người tiêu dùng luôn khuyến khích, vận động người tiêu dùng lên tiếng tự bảo vệ quyền lợi của mình. Có lên tiếng thì các cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội về quyền người tiêu dùng mới biết và có cơ sở để vào cuộc”- ông Vũ Văn Trung nói.

Đồng thời, theo Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, bên cạnh vai trò của cơ quan quản lý nhà nước, bản thân doanh nghiệp cần nhận thức được rằng, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng là cơ sở để phát triển sản xuất, kinh doanh bền vững. Cụ thể, phía DN cần đề cao trách nhiệm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh; cung cấp thông tin chính xác, kịp thời để người tiêu dùng có thể đưa ra các quyết định đúng và an toàn.

Bên cạnh đó, cần chú trọng cải tiến các dịch vụ truyền thống, củng cố và phát triển hệ thống phân phối; nghiên cứu xây dựng hệ thống, kênh bán hàng mới nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường. “Khi việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được bảo đảm, DN mới có thể chiếm lĩnh được niềm tin, nhu cầu của người tiêu dùng, từ đó nâng cao uy tín DN và đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh”- ông Vũ Văn Trung khẳng định.

Theo báo cáo e-Conomy SEA 2022 của Google, Temasek, Bain & Company, Việt Nam là quốc gia nằm trong top có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong khu vực Đông Nam Á về mua sắm trực tuyến. Dự báo doanh thu và sản lượng bán ra trên các sàn bán lẻ trực tuyến B2C (giao dịch giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng) Việt Nam tiếp tục tăng mạnh trong năm tới, có thể đạt 650 nghìn tỷ đồng vào năm 2024.

Tuy nhiên, để thương mại điện tử có thể tiếp tục phát triển trong năm 2024 và những năm tiếp theo, các chuyên gia cho rằng, cần sự chung tay của các bộ, ngành đưa ra nhiều chiến lược và giải pháp tổng thể nhằm thúc đẩy thương mại điện tử phát triển hướng đến các mục tiêu như bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; tăng cường liên kết vùng; phát triển xanh và bền vững; thu hẹp khoảng cách giữa các địa phương và vùng miền thông qua các nền tảng số.

Ông Bùi Huy Hoàng- Phó Giám đốc Trung tâm tin học và Công nghệ số (Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số), cho biết Trung tâm đã và đang triển khai các giải pháp như Hệ thống truy xuất nguồn gốc xuất xứ nhằm truy xuất nguồn gốc của sản phẩm, chống hàng giả, hàng nhái, xây dựng thương hiệu trực tuyến và tiếp thị sản phẩm trên môi trường điện tử.

Bên cạnh đó, Trung tâm Tin học và Công nghệ số (Cục TMĐT và Kinh tế số, Bộ Công Thương) cũng đã và đang triển khai các giải pháp như: hệ thống truy xuất nguồn gốc xuất xứ (Truyxuat.gov.vn) nhằm truy xuất nguồn gốc của sản phẩm, chống hàng giả, hàng nhái, xây dựng thương hiệu trực tuyến và tiếp thị sản phẩm trên môi trường điện tử; mô hình Flagship Store- Gian hàng địa phương trên các Sàn thương mại điện tử, nhằm cung cấp các giải pháp đồng bộ giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa ở các địa phương phân phối các sản phẩm địa phương thông qua nền tảng số, thu hẹp khoảng cách vùng miền…

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương với vai trò là cơ quan quản lý hoạt động thương mại điện tử có nhiều giải pháp nhằm ngăn chặn các hành vi lừa đảo trong giao dịch trên không gian mạng, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người tiêu dùng. Trong đó, bộ đã trình Chính phủ ban hành nghị định 85/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của nghị định 52/2013 về thương mại điện tử. Theo đó, đã tăng cường trách nhiệm của chủ sàn giao dịch thương mại điện tử trong việc phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước gỡ bỏ các thông tin hàng hóa vi phạm pháp luật trong vòng 24 giờ, minh bạch hóa thông tin hàng hóa/dịch vụ trên không gian mạng...

Hà Thủy