Print

Đánh giá những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện bình đẳng giới

Thứ Năm, 21 /03/2024 09:26

Thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội vừa làm việc với một số bộ, ngành nghe báo cáo kết quả thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2023.

Báo cáo tại buổi làm việc, ông Lê Khánh Lương- Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới năm 2023, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm như: Nghiên cứu, rà soát, hoàn thiện chính sách, pháp luật về bình đẳng giới và triển khai hiệu quả các giải pháp thực hiện Chiến lược; 100% bộ, ngành, địa phương đã xây dựng kế hoạch và triển khai công tác bình đẳng giới năm 2023.

Lĩnh vực bình đẳng giới ngày càng nhận được sự chú trọng, quan tâm, chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ. Quốc hội chú trọng thẩm tra lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong đề nghị Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hằng năm và trong các dự án luật, pháp lệnh trình Quốc hội thông qua. Chính phủ đã tích cực, chủ động chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện các chiến lược, chương trình, đề án về bình đẳng giới. Các bộ, ngành, địa phương đều xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện Chiến lược, chương trình phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương, đơn vị.

Công tác truyền thông tiếp tục được quan tâm, điểm nổi bật trong năm 2023 là sự tham gia, vào cuộc của các cơ quan, đơn vị khối DN trong công tác truyền thông, truyền tải các nội dung về bình đẳng giới, phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới đến với số lượng lớn NLĐ, tạo hiệu ứng tích cực và thu hút sự tham gia của các cơ quan, DN khác...

“Các mô hình cung cấp dịch vụ hỗ trợ bình đẳng giới, phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới từng bước phát triển về số lượng và hoàn thiện tốt hơn các dịch vụ hỗ trợ đối tượng. Công tác thống kê, báo cáo kết quả thực hiện công tác bình đẳng giới nói chung và việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu của Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới năm 2023 đạt kết quả tốt hơn so với những năm trước đây. Theo Báo cáo khoảng cách giới toàn cầu năm 2023, do Diễn đàn Kinh tế thế giới công bố, chỉ số xếp hạng về bình đẳng giới của Việt Nam năm 2023 xếp thứ 72/146, tăng 11 bậc so với năm 2022 (83/146)”- ông Lương thông tin.

Bên cạnh đó, bộ máy quản lý nhà nước về bình đẳng giới các cấp vẫn còn hạn chế về số lượng, đội ngũ cán bộ làm công tác bình đẳng giới thường luân chuyển, thiếu ổn định, ảnh hưởng đến việc triển khai công tác bình đẳng giới. Có 4 chỉ tiêu còn khoảng cách khá lớn và có kết quả thực hiện giảm nhẹ so với năm 2022. Đặc biệt, chỉ tiêu về tỷ số giới tính khi sinh vẫn có xu hướng gia tăng, điều này đỏi hỏi phải triển khai các giải pháp quyết liệt hơn để có thể đạt mục tiêu đề ra đến năm 2025 và năm 2030. Mặc dù số vụ và số nạn nhân của bạo lực gia đình trong năm 2023 đều giảm, tuy nhiên tỷ lệ và số lượng nạn nhân bị bạo lực gia đình là nam giới tăng lên so với năm 2022.

Chính vì vậy, Chính phủ kiến nghị Quốc hội tăng cường hoạt động giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về bình đẳng giới tại các bộ, ngành, địa phương. Đồng thời, tiếp tục quan tâm phê duyệt, phân bổ kinh phí để thực hiện bình đẳng giới và các nội dung về bình đẳng giới trong các chương trình, kế hoạch, dự án phát triển kinh tế-xã hội trong quá trình xem xét, thông qua ngân sách hằng năm.

Thảo luận tại cuộc họp, các đại biểu đánh giá cao những kết quả đạt được và cho rằng, bên cạnh những kết quả nổi bật, vẫn còn những khó khăn, tồn tại diễn ra trong nhiều năm, chẳng hạn như vấn đề nhân sự làm công tác bình đẳng giới, chỉ tiêu về tỷ số giới tính khi sinh vẫn có xu hướng gia tăng…

Theo bà Nguyễn Thanh Cầm- Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội, bộ máy quản lý nhà nước và nhân sự thay đổi thường xuyên, thiếu cán bộ chuyên trách làm công tác bình đẳng giới, mà thay vào đó là cán kiêm nhiệm nhiều… Bên cạnh đó, công tác thống kê, thông tin, báo cáo về bình đẳng giới còn nhiều khó khăn; có những chỉ tiêu vẫn chưa đong đếm được; trách nhiệm của các bộ, ngành trong thực hiện các mục tiêu vẫn còn hạn chế; nạn bạo lực trên không gian mạng có xu hướng gia tăng và nạn nhân phần nhiều là phụ nữ, trẻ em và những người yếu thế. "Do đó, Bộ TT-TT cần có những giải pháp để giải quyết vấn đề này"- bà Cầm đề nghị.

Tại buổi làm việc, bà Nguyễn Kim Thúy- Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội cũng đề nghị các bộ, ngành tiếp tục rà soát, sửa đổi văn bản hướng dẫn thu thập số liệu báo cáo kết quả thực hiện chiến lược, để giúp cho các địa phương thu thập số liệu, bởi "có thu thập được số liệu thì mới đánh giá được kết quả thực hiện 6 mục tiêu và 20 chỉ tiêu trên địa bàn quản lý". Mặt khác, sơ kết 5 năm thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới, để từ đó tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, nhìn nhận những hạn chế, vướng mắc do khâu thực thi hay do vướng mắc từ chương trình mục tiêu, để có những điều chỉnh phù hợp.

Vũ Thu