Print

Khai mạc Hội nghị Đại biểu Quốc hội chuyên trách lần thứ 5

Thứ Ba, 26 /03/2024 12:05

Sáng 26/3, Ủy ban TVQH tổ chức Hội nghị Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 5 để thảo luận một số nội dung trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XV.

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến nay đã tổ chức 4 hội nghị, tập hợp được hơn 323 lượt ý kiến tham gia góp ý của các ĐBQH đối với 25 Dự án Luật trong tổng số 32 Dự án Luật đã được Quốc hội thông qua từ đầu nhiệm kỳ đến nay và 1 dự thảo Nghị quyết của Quốc hội, từ đó đã tiếp thu, chắt lọc được nhiều ý kiến xác đáng, có giá trị của các ĐBQH tham dự hội nghị phát biểu. Cũng nhờ hoạt động của ĐBQH chuyên trách mà một số dự án luật khó như Luật Đất đai, Luật Khám bệnh, chữa bệnh… mà chất lượng dự án luật được nâng lên qua từng vòng cho ý kiến và đạt được sự đồng thuận, thống nhất cao khi được thông qua.

Hội nghị chuyên trách lần thứ 5 dự kiến tổ chức trong 2,5 ngày, các đại biểu sẽ cho ý kiến đối với 8 Dự án Luật bao gồm: Luật Thủ đô (sửa đổi); Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi); Luật BHXH (sửa đổi); Luật Đường bộ; Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; Luật Lưu trữ (sửa đổi); Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản.

Để Hội nghị đạt hiệu quả cao, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các ĐBQH tiếp tục xem xét cơ sở chính trị của các dự thảo Luật; tránh tình trạng khi đến giai đoạn trình thông qua lại quá chú trọng đến vấn đề kỹ thuật, biên tập. Do đó, trước tiên, cần xem xét đến nay đã quán triệt đầy đủ và thể chế hóa một cách nghiêm túc, sát với các chủ trương của Đảng đối với từng vấn đề hay không? Chủ tịch Quốc hội gợi ý, như đối với dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) có cơ sở chính trị là Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và các chủ trương chung của Đảng ta về Thủ đô; Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) có Nghị quyết 27-NQ/TW về tiếp tục xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam…

Chủ tịch Quốc hội cho biết thêm, trong 8 dự án luật trình lần này có dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) và dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp có chính sách đặc thù, vượt trội khác với quy định của luật hiện hành. Để giải quyết vấn đề có những quy định khác với hiện hành thì cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo đã đề xuất và được Ủy ban TVQH đồng tình để quy định tại điều khoản về áp dụng pháp luật. Đây là việc khó, khá phức tạp để khi ban hành bảo đảm được tính khả thi, không làm chồng chéo trong hệ thống pháp luật. “Dự kiến chương trình xây dựng pháp luật tại Kỳ họp thứ 7 tới của Quốc hội rất nặng với 10 dự án luật trình Quốc hội xem xét thông qua và cho ý kiến đối 10 dự án luật khác và số lượng lớn các dự thảo nghị quyết. Do đó, Hội nghị ĐBQH hoạt động chuyên trách lần này có ý nghĩa rất quan trọng đối với 8 dự án luật được trình và đối với việc hoàn thành nhiệm vụ lập pháp của kỳ họp nói chung. Vì vậy, mong muốn các đại biểu đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, trách nhiệm, có giá trị để Ủy ban TVQH tiếp tục chỉ đạo nghiên cứu, tiếp thu, hoàn thiện các dự thảo luật đạt chất lượng tốt nhất trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 7 tới”- Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Ngay sau khai mạc, các ĐBQH cho ý kiến về dự án Luật Thủ đô (sửa đổi). Tham gia thảo luận, ĐB Trần Văn Lâm- Bắc Giang cho biết, Dự thảo đã có nhiều chính sách đột phá hướng tới xây dựng Thủ đô văn minh, hiện đại, song vẫn còn một số vấn đề cần được hoàn thiện thêm. Cụ thể, về quy định tại điểm b khoản 2 của điều 20 về cải tạo, chỉnh trang, tái thiết đô thị và bảo tồn khu vực, công trình kiến trúc có giá trị. Đó là quy định “Dự án cải tạo, chỉnh trang, tái thiết đô thị được thực hiện trên cơ sở chủ sở hữu nhà, người sử dụng đất tự nguyện thực hiện việc điều chỉnh lại đất đai theo quy định của pháp luật về đất đai. Trường hợp chủ sở hữu nhà, người sử dụng đất không thống nhất được việc điều chỉnh lại đất đai thì trong thời hạn 1 năm kể từ ngày UBND TP phê duyệt dự án, UBND cấp huyện quyết định việc điều chỉnh lại đất đai, tổ chức lập, phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, bố trí chỗ ở tạm thời nếu được ít nhất là 2/3 tổng số chủ sở hữu nhà ở, người sử dụng đất thuộc phạm vi, ranh giới dự án đồng ý”. “Quy định này, là nếu 1/3 tổng số chủ sở hữu nhà ở, người sử dụng đất không đồng ý thì có thể bị cưỡng chế. Đây là vấn đề rất lớn, Luật Đất đai đã không quyết vấn đề này, mà ở đây còn tới 1/3 dân cư trong dự án không đồng tình mà lại cưỡng chế thì sẽ tác động cực kỳ lớn đến xã hội, sẽ dẫn đến khiếu kiện, phức tạp sẽ nảy sinh mà quyền quyết định chỉ là cấp huyện, nên cần được đánh giá kỹ”- ông Lâm nêu quan điểm.

Còn ĐB Đinh Ngọc Minh- Cà Mau cho rằng, vấn đề của Thủ đô hiện nay là ô nhiễm môi trường, không khí, ùn tắc giao thông đang gây khó khăn cho người dân Thủ đô và người dân cả nước đến học tập công tác. Vậy sửa luật lần này có giải quyết được vấn đề này hay không. Theo Nghị quyết 06 của Bộ Chính trị năm 2022 thì tỷ lệ đất dành cho giao thông khoảng 16- 26%, cho cây xanh 10m2/người vào 2030. Vậy tỷ lệ này hiện nay của Hà Nội là bao nhiêu, khi sửa luật này thì hướng các chỉ tiêu thế nào.

Tại cuộc họp, các đại biểu kiến nghị xác định khung pháp lý cần thiết để TP Hà Nội có thể cho phép thực hiện thử nghiệm có kiểm soát đối với các công nghệ, sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới có phạm vi triển khai áp dụng trên địa bàn, phù hợp với năng lực kiểm soát của chính quyền, trong đó cho phép miễn trừ áp dụng một số quy định trong luật, pháp lệnh, nghị quyết, nghị định,… phù hợp với phạm vi, yêu cầu, mục đích thử nghiệm…

V.Thu