Lan rộng nhiều hình thức lừa đảo trực tuyến với những chiêu trò tinh vi
Nhận định lừa đảo trực tuyến vẫn đang lan rộng trên không gian mạng Việt Nam, Cục An toàn thông tin (Bộ TT-TT) đã lưu ý các cách thức lừa đảo của tội phạm mạng đang ngày càng bài bản, tinh vi hơn.
Nội dung “Điểm tin tuần” về tình hình lừa đảo trực tuyến đến nay đã được Cục An toàn thông tin (ATTT) định kỳ thực hiện được hơn 4 tháng. Nhiều thông tin hỗ trợ nhận diện các hình thức lừa đảo phổ biến kèm lời khuyên giúp người dân tránh “bẫy” của các nhóm tội phạm mạng đã được Cục ATTT cập nhật thường xuyên, kịp thời.
Dẫu vậy, trong nội dung Cục ATTT mới chia sẻ, cơ quan này đánh giá, lừa đảo trực tuyến vẫn đang lan rộng, với nhiều chiêu trò ngày càng bài bản, tinh vi. Trong tuần từ ngày 11/3 đến ngày 17/3, tiếp tục có 5 hình thức lừa đảo được cảnh báo tới người dân.
Nhận làm thay thủ tục cấp, đổi giấy phép lái xe online để lừa đảo
Hiện nay, trên mạng, người dân có thể dễ dàng tìm kiếm dịch vụ làm thay thủ tục cấp, đổi giấy phép lái xe, với mức phí từ 400.000 - 600.000 đồng tùy theo nhu cầu. Nhiều đối tượng còn quảng cáo, người có nhu cầu dùng dịch vụ này sẽ không cần đến Sở GTVT để chụp ảnh; chỉ cần cung cấp bản sao một số loại giấy tờ cá nhân và ảnh thẻ.
Tuy nhiên, theo Cục ATTT, việc chọn dùng dịch vụ có thể khiến người dân rơi vào bẫy lừa đảo. Thực tế, không ít người đã thành nạn nhân của thủ đoạn lừa đảo cung cấp dịch vụ cấp, đổi giấy phép lái xe online.
Cục ATTT cũng lưu ý, việc cung cấp thông tin cá nhân cho người lạ như đối tượng nhận làm thay thủ tục cấp, đổi giấy phép lái xe online còn khiến người dân có nguy cơ gặp một số rắc rối. Chẳng hạn, bị đánh cắp và rao bán thông tin cá nhân, hay bị quấy rầy bởi quảng cáo rác.
Vì thế, Cục ATTT khuyến nghị người dân khi có nhu cầu xin cấp mới, đổi bằng lái xe, nên tự thực hiện thủ tục theo phương thức trực tiếp tại Sở GTVT hoặc trực tuyến qua Cổng DVC quốc gia. Người dân không nên chia sẻ thông tin cá nhân; không giao dịch chuyển tiền khi chưa xác minh danh tính của các đối tượng lạ. Trường hợp đã bị lừa, người dân cần khẩn trương trình báo, tìm sự hỗ trợ từ cơ quan Công an.
Lừa hàng trăm triệu đồng với thủ đoạn cung cấp dịch vụ “visa giá rẻ”
Mới đây, qua tìm kiếm nạn nhân phục vụ cho chiêu trò lừa đảo hỗ trợ làm “visa giá rẻ” ở các hội, nhóm về xuất khẩu lao động trên mạng xã hội, đối tượng T.T.K.G ở Long An đã lừa chiếm đoạt 272 triệu đồng của một phụ nữ nguyên quán Gia Lai đang lao động tại Nhật Bản.
Phương thức được các đối tượng lừa cung cấp dịch vụ làm “visa giá rẻ” là lập website, tài khoản Facebook giả mạo các công ty xuất khẩu lao động uy tín, đăng tải hình ảnh đưa tiễn NLĐ ở sân bay, đưa ra nhiều chương trình ưu đãi với chi phí làm visa chỉ bằng một nửa so với công ty chính ngạch. Do ham rẻ, nên nhiều NLĐ đã sập bẫy lừa đảo.
Đề nghị người dân cảnh giác với hình thức lừa đảo trên, chuyên gia Cục ATTT khuyên NLĐ khi có nhu cầu làm visa, cần tra cứu danh sách DN được cấp phép trên trang dolab.gov.vn của Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH). Người dân không cung cấp số Căn cước công dân/Chứng minh nhân dân, mã OTP... cho bất cứ ai hoặc trên bất kỳ website lạ nào. Khi phát hiện ra dấu hiệu lừa đảo hoặc đã bị lừa, người dân cần nhanh chóng tố giác với cơ quan có thẩm quyền để hạn chế tối đa rủi ro, thiệt hại.
Lập website, fanpage giả mạo trang của Cục An ninh mạng để lừa đảo
Gần đây, trên không gian mạng liên tục xuất hiện các trang có tên “Cục An ninh mạng” hoặc “Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao” để đưa thông tin khuyến cáo các thủ đoạn lừa đảo trực tuyến và biện pháp phòng chống; đồng thời cung cấp các dịch vụ pháp lý hỗ trợ công dân như tư vấn lấy lại tiền lừa đảo, hỗ trợ xử lý các vụ bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Bản chất là đối tượng lợi dụng tâm lý muốn lấy lại tiền của các nạn nhân để khiến họ bị lừa chiếm đoạt tài sản tiếp.
Để hạn chế tình trạng trên, Cục ATTT cho rằng, điều quan trọng hơn cả là người dân không cung cấp thông tin cá nhân cho bất kỳ ai và qua bất cứ hình thức nào. Bởi lẽ, việc lộ lọt thông tin cá nhân sẽ dẫn đến nhiều hậu quả khó lường. Người dân, đặc biệt là những người từng bị lừa đảo tài chính, cần cẩn trọng trước các website hoặc hội nhóm mạng xã hội liên tục chạy quảng cáo, mời chào hỗ trợ lấy lại tiền đã mất.
Ngoài ra, người dân có thể kiểm tra các trang thông tin chính thống của cơ quan Công an tại phần “Liên kết website” trên Cổng Thông tin điện tử có địa chỉ mps.gov.vn, bocongan.gov.vn của Bộ Công an. Với các tài khoản trên mạng xã hội và ứng dụng OTT, hiện Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đang rà soát, sẽ công khai với người dân danh sách những đường dẫn này.
Mạo danh Công an để lừa kê khai thông tin tài sản
Công an TP.Hà Nội gần đây liên tục cảnh báo về thủ đoạn giả danh cơ quan Công an để lừa đảo chiếm đoạt tài sản người dân. Nhiều người đã dính bẫy lừa đảo của các nhóm tội phạm. Đơn cử, Công an quận Đống Đa mới đây tiếp nhận vụ việc một người dân trên địa bàn bị đối tượng mạo danh cán bộ Công an thông báo có liên quan đến mua bán trái phép chất ma túy và rửa tiền. Đối tượng yêu cầu nạn nhân kê khai tài sản để chứng minh mình không liên quan đến vụ án, sau đó lừa chiếm đoạt 150 triệu đồng của nạn nhân.
Cục ATTT khuyến cáo người dân nâng cao cảnh giác, đồng thời tuyên truyền cho người thân, bạn bè về thủ đoạn lừa đảo kể trên. Người dân không nên nghe và làm theo các yêu cầu, hướng dẫn của người lạ; không cung cấp thông tin cá nhân để tránh bị đánh cắp thông tin phục vụ cho những hành vi phạm tội của đối tượng. “Khi cần làm việc với người dân, cơ quan Công an sẽ trực tiếp gửi giấy mời, giấy triệu tập hoặc gửi qua Công an địa phương. Cơ quan chức năng cũng không yêu cầu công dân chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng”- Cục ATTT lưu ý.
Cảnh giác với các bẫy lừa đảo xuất khẩu lao động trên mạng
Cũng trong nội dung “Điểm tin tuần” thứ 11 năm 2024, Cục ATTT còn cho biết, qua quảng cáo trên mạng xã hội của Công ty TNHH thương mại và dịch vụ du lịch L&R ở Quảng Ninh, nhiều người dân đã nộp tiền để được đi xuất khẩu lao động tại Hàn Quốc theo chương trình lao động thời vụ E-8.
Là hoạt động hợp tác giữa các địa phương của Việt Nam và Hàn Quốc, chương trình lao động thời vụ E-8 do cơ quan chức năng của địa phương tổ chức triển khai, không có sự tham gia của DN.
Hiện, Quảng Ninh chưa ký kết với địa phương nào của Hàn Quốc; do đó người dân tại Quảng Ninh chưa thể đi xuất khẩu lao động theo chương trình E-8. Đáng chú ý, Công ty TNHH thương mại và dịch vụ du lịch L&R chưa được cấp giấy phép đưa NLĐ Việt Nam đi nước ngoài. Vì thế, các hoạt động tư vấn, quảng cáo, thu hồ sơ hay thực hiện đưa NLĐ đi nước ngoài đều là vi phạm quy định.
Trước tình trạng trên, Cục ATTT khuyến cáo người dân cần xác minh, tìm hiểu thật kỹ qua website chính thức của các cơ quan quản lý, để tránh rơi vào tình cảnh “tiền mất, tật mang”, dính bẫy của đối tượng lừa đảo. Cục Quản lý Lao động ngoài nước (Bộ LĐ- TB&XH) cũng thông tin, đến cuối năm 2023, mới chỉ có 12 địa phương của Việt Nam ký thỏa thuận với địa phương của Hàn Quốc.
CNTT