Nâng cao năng lực quản lý bệnh viện tại Việt Nam
Quản lý bệnh viện là một lĩnh vực rộng, bao gồm nhiều nội dung khác nhau: Quản lý tài chính, quản lý trang thiết bị, cơ sở vật chất, quản lý nhân lực, quản lý chuyên môn, chất lượng dịch vụ bệnh viện… Mặt khác, thực tế hoạt động bệnh viện thời gian qua cho thấy phát sinh những vướng mắc, bất cập liên quan đến thực hiện tự chủ, mua sắm đấu thầu, thanh toán BHYT… Do đó, việc nâng cao năng lực quản lý bệnh viện, nhất là khi các bệnh viện thực hiện cơ chế tự chủ về nhân sự, tài chính và tổ chức hoạt động chuyên môn là rất cần thiết.
Sáng 29/3, tại Hà Nội, Viện Chiến lược và Chính sách Y tế (Bộ Y tế) phối hợp với tập đoàn Singhealth (Singapore) và công ty cổ phần Life-Course Care Group (LCCG) tổ chức hội thảo “Chia sẻ kinh nghiệm của Singapore trong quản lý bệnh viện: Chính sách và thực tiễn”. Hội thảo nhằm trao đổi kiến thức và kinh nghiệm về những thách thức và cơ hội trong quản lý bệnh viện tại Singapore và Việt Nam.
Toàn cảnh Hội thảo
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết: Bệnh viện có vai trò vô cùng quan trọng, giữ vị trí then chốt trong cung ứng dịch vụ y tế đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân. Việt Nam có một mạng lưới bệnh viện rộng khắp cả nước với tổng cộng gần 1.500 bệnh viện, trong đó 1.150 bệnh viện công lập chiếm 93% tổng số giường bệnh trên cả nước và đóng vai trò cung ứng 88% tổng số lượt điều trị nội trú.
“Thời gian qua, Chính phủ Việt Nam đã quan tâm bố trí nhiều nguồn lực đầu tư cho ngành Y tế với mục tiêu nâng cao chất lượng công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân. Số lượng bệnh viện giai đoạn 2011-2020 tăng dần qua các năm. Số bác sĩ trên 10.000 dân thực hiện đạt 12,5 bác sĩ năm 2023 (vượt chỉ tiêu Chính phủ giao). Số giường bệnh trên 10.000 dân thực hiện đạt 32 giường bệnh năm 2023 (đạt chỉ tiêu được Chính phủ giao). Tỷ lệ tham gia BHYT đạt 93,2% năm 2023 (đạt chỉ tiêu Chính phủ giao). Nhiều bệnh viện đã được đầu tư xây mới, nâng cấp”- Thứ trưởng Trần Văn Thuấn nhấn mạnh.
Cùng với việc mở rộng quy mô, tăng tính sẵn có của dịch vụ bệnh viện, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận dịch vụ, các vấn đề ưu tiên đặt ra đối với hệ thống bệnh viện là nâng cao chất lượng, giảm quá tải bệnh viện và tăng hiệu quả hoạt động bệnh viện. Để thực hiện được các mục tiêu này, công tác quản lý bệnh viện đóng vai trò đặc biệt quan trọng.
Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn phát biểu tại Hội thảo
Cũng theo lãnh đạo Bộ Y tế, quản lý bệnh viện cần được chú trọng cả hai cấp độ vĩ mô quản lý nhà nước và cấp độ vi mô là quản trị điều hành của bệnh viện. Công tác quản lý nhà nước đối với bệnh viện bao gồm nâng cao thể chế, hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật đối với hoạt động của bệnh viện, đảm bảo sự an toàn cho người bệnh, nâng cao chất lượng dịch vụ bệnh viện và hiệu quả hoạt động bệnh viện. Hiệu quả cần nhìn ở cả cấp độ hệ thống y tế và hiệu quả tại cấp độ bệnh viện. Ở cấp độ hệ thống y tế hiệu quả liên quan đến sự phân bố và sử dụng hợp lý dịch vụ bệnh viện. Ở cấp độ bệnh viện hiệu quả quản lý liên quan tới việc sử dụng hiệu quả nguồn lực bệnh viện bao gồm nhân lực, tài chính, cơ sở vật chất, trang thiết bị, thông tin để cung cấp các dịch vụ an toàn, chất lượng với chi phí tiết kiệm và đạt được sự hài lòng cao của người bệnh.
Thực hiện chủ trương của Đảng về thực hiện cơ chế tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp công lập, hiện nay, 100% các bệnh viện công lập trong cả nước đã được phân loại, giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính theo các nhóm quy định. “Các bệnh viện ở Việt Nam trong thời gian qua đã được đầu tư khá tốt về cơ sở vật chất, trang thiết bị và đào tạo về chuyên môn, nhưng năng lực về quản lý bệnh viện vẫn còn hạn chế”- Thứ trưởng Bộ Y tế đánh giá.
Theo các chuyên gia, quản lý bệnh viện là một lĩnh vực rộng, bao gồm nhiều nội dung khác nhau: Quản lý tài chính, quản lý trang thiết bị, cơ sở vật chất, quản lý nhân lực, quản lý chuyên môn, chất lượng dịch vụ bệnh viện… Mặt khác, thực tế hoạt động bệnh viện thời gian qua cho thấy phát sinh những vướng mắc, bất cập liên quan đến thực hiện tự chủ, mua sắm đấu thầu, thanh toán BHYT… Do đó, việc nâng cao năng lực quản lý bệnh viện, nhất là khi các bệnh viện thực hiện cơ chế tự chủ về nhân sự, tài chính và tổ chức hoạt động chuyên môn là rất cần thiết.
Các đại biểu tham dự Hội thảo
Tại hội thảo, các chuyên gia Việt Nam và Singapore đã cùng trao đổi kiến thức và kinh nghiệm về những thách thức và cơ hội trong quản lý bệnh viện tại Singapore và Việt Nam. Từ đó, tìm ra giải pháp nâng cao năng lực quản lý bệnh viện, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe toàn dân. Theo các chuyên gia, là quốc gia phát triển hàng đầu thế giới, Singapore có mức thu nhập bình quân đầu người đứng đầu Châu Á và đứng thứ 6 trên toàn thế giới. Singapore cũng nổi tiếng thế giới về tính hiệu quả quản lý nhà nước. Về y tế, theo bảng xếp hạng toàn cầu của nhiều tổ chức quốc tế, trong các năm gần đây, hệ thống y tế Singapore được xếp hạng đứng đầu, là hệ thống y tế tốt nhất thế giới. Để có được thành tựu nổi bật như vậy là nhờ những nỗ lực không ngừng cải cách hệ thống y tế của Singapore, trong đó đặc biệt chú trọng tới việc quản lý, quản trị hệ thống bệnh viện công lập. Những kinh nghiệm và bài học thành công trong quản lý bệnh viện công của Singapore rất có ý nghĩa thực tiễn đối với Việt Nam trong bối cảnh hiện nay.
Hà Hùng