LHQ: Các hộ gia đình trên thế giới lãng phí 1 tỷ bữa ăn mỗi ngày
LHQ vừa công bố Báo cáo Chỉ số Lãng phí Thực phẩm (UN's Food Waste Index Report; theo đó, hơn 1 tỷ bữa ăn mỗi ngày đã bị các hộ gia đình và DN vứt bỏ, trong khi thế giới đang có gần 800 triệu người đói.
“Hơn 1 tỷ tấn thực phẩm, tương đương gần 1/5 tổng số thực phẩm hiện có trên thị trường, đã bị lãng phí vào năm 2022”- Bà Inger Andersen, Giám đốc điều hành Chương trình Môi trường LHQ (UN Environment Programme), cho biết- "Có thể nói, lãng phí thực phẩm là một thảm kịch toàn cầu. Hàng trăm triệu người rơi vào cảnh đói vì thực phẩm bị lãng phí trên toàn thế giới". Đại diện UN Environment Programme cho biết thêm, sự lãng phí như vậy còn là "thất bại về môi trường". Bởi rác thải thực phẩm tạo ra lượng khí thải làm nóng hành tinh gấp 5 lần ngành hàng không; hơn nữa, về nông nghiệp, đòi hỏi phải chuyển đổi những vùng đất rộng lớn để trồng những loại cây không bao giờ ăn được.
Cụ thể, 28% tổng lượng thực phẩm bị lãng phí thuộc trách nhiệm của nhà hàng, căng tin và khách sạn. 12% do hệ thống cửa hàng bán lẻ như cửa hàng thịt, cửa hàng rau củ quả. “Thủ phạm” lớn nhất là các hộ gia đình, chiếm 60%, tương đương với khoảng 631 triệu tấn. Nguyên nhân phần lớn do các hộ gia đình ước lượng sai khẩu phần ăn nên mua nhiều thực phẩm hơn mức cần; đổ bỏ chứ không tận dụng thức ăn thừa; một số thực phẩm vẫn có thể dùng được vào mục đích khác một thời gian sau thời hạn sử dụng in trên bao bì nhưng vẫn bị loại bỏ… Ngoài ra, rất nhiều thực phẩm, đặc biệt là ở các quốc gia đang phát triển, tuy không bị vứt bỏ nhưng bị thất lạc trong quá trình vận chuyển hoặc hư hỏng do thiếu tủ lạnh, tủ mát. Trái ngược với suy nghĩ của nhiều người, lãng phí thực phẩm không chỉ là vấn đề của “quốc gia giàu” mà còn có thể xảy ra trên toàn thế giới.
Theo Báo cáo của LHQ, con số “1 tỷ bữa ăn" chỉ là "ước tính rất thận trọng" và "thực tế có thể cao hơn nhiều". “Nếu có thể giảm lãng phí thực phẩm trong toàn bộ chuỗi cung ứng, chúng ta có thể giảm số lượng rác thải thực phẩm- nguyên nhân chính gây ra biến đổi khí hậu- tạo tới 10% lượng phát thải khí nhà kính hàng năm. Nếu coi “lãng phí thực phẩm” là một quốc gia, thì đó sẽ là quốc gia phát thải khí nhà kính lớn thứ 3 trên hành tinh, sau Mỹ và Trung Quốc. Tuy nhiên, hiện nay đa phần con người chưa thực sự nhận thức đầy đủ về lãng phí thực phẩm, bất chấp việc này sẽ giúp giảm lượng khí thải carbon; giảm phát thải khí nhà kính; tiết kiệm chi phí sinh hoạt… chỉ đơn giản bằng cách sử dụng hợp lý hơn thực phẩm đã mua".
Tùng Anh (Theo AsiaOne)