Print

Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh tinh thần “5 quyết tâm”, “5 bảo đảm”, “5 đẩy mạnh”

Thứ Tư, 03 /04/2024 14:29

Sáng 3/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2024 và Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương. Tại phiên họp, Thủ tướng đã chỉ rõ những tồn tại, hạn chế, khó khăn, thách thức và nhấn mạnh tinh thần “5 quyết tâm”, “5 bảo đảm”, “5 đẩy mạnh”.

Theo chương trình, phiên họp thảo luận, đánh giá tình hình kinh tế-xã hội tháng 3 và quý I/2024, tình hình giải ngân vốn đầu tư công và 3 Chương trình MTQG; tình hình triển khai Nghị quyết 01 năm 2024 của Chính phủ, công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ trong tháng 3 và quý I/2024; báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2023…

Tại phiên họp, các báo cáo, ý kiến của các thành viên Chính phủ đã thống nhất đánh giá tình hình kinh tế-xã hội tháng 3/2024 tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực; kết quả tháng 3 tốt hơn tháng 1 và tháng 2. Tính chung quý I, hầu hết các lĩnh vực đạt kết quả tốt hơn so với cùng kỳ năm 2023, với 10 mặt được nổi bật. Trong đó, đáng chú ý như: Tăng trưởng GDP đạt 5,66%, cao hơn cùng kỳ từ năm 2020 đến 2023 và cao hơn kịch bản đề ra. Kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm.

Bên cạnh đó, xuất khẩu tiếp tục tăng cao, tiếp tục xuất siêu lớn, góp phần bảo đảm cán cân thanh toán; kim ngạch xuất nhập khẩu tháng 3 đạt 65 tỷ USD, tăng 35,6% so với tháng trước và 12% so với cùng kỳ. Các lĩnh vực dịch vụ, du lịch phục hồi mạnh, trong đó số lượt khách quốc tế tháng 3 đạt gần 1,6 triệu lượt, tăng 78,6% so với cùng kỳ. Tình hình tài chính-NSNN tiếp tục được cải thiện rõ nét. Đầu tư phát triển tiếp tục đạt kết quả tích cực, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Ngoài ra, phát triển DN tiếp tục tăng với xu hướng tích cực, khi trong tháng 3 có 14.100 DN đăng ký thành lập mới, tăng 64,3% so với tháng 2. Tính chung quý I có 36.200 DN đăng ký thành lập mới, tăng 6,9% so với cùng kỳ; 23.600 DN hoạt động trở lại, tăng 2,4% so với cùng kỳ.

Lĩnh vực văn hóa, xã hội được chú trọng; an sinh xã hội được bảo đảm; đời sống nhân dân được cải thiện. Trong quý I có 93,6% số hộ gia đình đánh giá có thu nhập ổn định hoặc cao hơn cùng kỳ. Thu nhập bình quân của NLĐ quý I/2024 đạt 7,6 triệu đồng/tháng, tăng 7,8% so với cùng kỳ. Theo báo cáo từ các địa phương, tổng số tiền thăm hỏi, động viên, tặng quà cho các đối tượng bảo trợ xã hội là 8.100 tỷ đồng; hộ nghèo, hộ cận nghèo hơn 2.400 tỷ đồng; người có công và thân nhân là 9.200 tỷ đồng; cấp phát hơn 27,1 triệu thẻ BHYT miễn phí cho các đối tượng thụ hưởng…

Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, mặc dù kết quả đạt được là cơ bản, nhưng nước ta vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế, khó khăn, thách thức. Cụ thể như: Sức ép chỉ đạo điều hành kinh tế vĩ mô, nhất là lạm phát, lãi suất, tỷ giá còn cao do giá dầu thô, giá lương thực, lãi suất, tỷ giá trên thị trường thế giới biến động mạnh; rủi ro trên các thị trường tài chính, tiền tệ, bất động sản thế giới; xu hướng bất ổn chính trị, kinh tế, xã hội tiếp tục gia tăng. Một số ngành sản xuất công nghiệp phục hồi chậm; các lĩnh vực dịch vụ ăn uống, giải trí chưa phục hồi rõ nét. Hoạt động sản xuất kinh doanh trong một số lĩnh vực còn khó khăn; số DN rút lui khỏi thị trường còn lớn; việc triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội còn chậm. Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt mục tiêu đề ra. Trật tự an toàn xã hội và tình hình tội phạm, nhất là tội phạm mạng diễn biến phức tạp. Khả năng bùng phát các dịch bệnh ở người như sởi, ho gà, bệnh dại gia tăng khá nhanh.

Chỉ rõ những nguyên nhân cả khách quan và chủ quan, Thủ tướng nhấn mạnh 5 bài học, đó là: Phải nắm chắc tình hình thực tiễn, phản ứng chính sách chủ động, kịp thời, linh hoạt, đúng thời điểm, hiệu quả. Phải tăng cường đoàn kết, nhất trí trong nội bộ từng cơ quan, đơn vị, đoàn kết trong cả hệ thống chính trị, đoàn kết toàn dân. Tích cực, chủ động giải quyết công việc theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền, không né tránh, đùn đẩy trách nhiệm; bảo đảm tính tổng thể, bao trùm, toàn diện, thực chất, hiệu quả. Điều hành quyết liệt, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt điểm việc đó; phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành, địa phương để xử lý kịp thời, triển khai nhanh chóng, hiệu quả các cơ chế, chính sách đã ban hành. Giữ vững kỷ luật, kỷ cương; thực hiện nghiêm các quy định pháp luật; đồng thời vận dụng sáng tạo các chủ trương, đường lối của Đảng, các Nghị quyết của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, của Quốc hội, Chính phủ.

Trên tinh thần đó, Thủ tướng yêu cầu các thành viên Chính phủ cần tiếp tục bám sát Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, sự lãnh đạo của Trung ương, Bộ Chính trị và lãnh đạo chủ chốt, Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2030, các Kế hoạch 5 năm giai đoạn 2021-2025, các nghị quyết, chỉ thị của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, kiên quyết không lùi bước trước khó khăn, giữ vững bản lĩnh, kiên định mục tiêu đề ra, với quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn, hành động quyết liệt, hiệu quả hơn; lấy nội lực là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định, ngoại lực là quan trọng, đột phá. Từ đó, phát huy tinh thần đoàn kết, tự lực, tự cường, coi khó khăn, thách thức là động lực phấn đấu vươn lên; tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tạo công ăn việc làm, sinh kế cho người dân.

Đặc biệt, Thủ tướng nhấn mạnh, cần thực hiện cao nhất, tốt nhất, phấn đấu đạt và vượt các mục tiêu, chỉ tiêu trong năm 2024, nhất là chỉ tiêu tăng trưởng khoảng 6,5%, với tinh thần “5 quyết tâm”, “5 bảo đảm” và “5 đẩy mạnh”.

Cụ thể, về “5 quyết tâm” gồm: Quyết tâm khắc phục mọi khó khăn, vượt qua mọi thách thức. Quyết tâm thực hiện, không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm; không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác với phương châm “thắng không kiêu, bại không nản”. Quyết tâm bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung; đồng thời thúc đẩy phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm. Quyết tâm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tháo gỡ khó khăn, tăng cường phân cấp, phân quyền, cắt giảm thủ tục hành chính, giảm chi phí tuân thủ cho người dân và DN. Quyết tâm nỗ lực phấn đấu cao nhất để thúc đẩy các động lực tăng trưởng, phòng chống thiên tai, dịch bênh, ứng phó biến đổi khí hậu.

Về “5 bảo đảm” gồm: Bảo đảm thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp theo kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, lãnh đạo chủ chốt, các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ. Bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn của nền kinh tế và kiểm soát lạm phát, tạo nền tảng và điều kiện thuận lợi thúc đẩy tăng trưởng, phát triển nhanh và bền vững. Bảo đảm phát triển lành mạnh, công khai, minh bạch các loại thị trường, gồm thị trường hàng hóa, dịch vụ; thị trường lao động; thị trường bất động sản, thị trường vốn; thị trường khoa học công nghệ; thúc đẩy phát triển các loại thị trường mới như thị trường tín chỉ carbon, dữ liệu. Bảo đảm đầy đủ điều kiện để triển khai chế độ tiền lương mới từ ngày 1/7/2024. Bảo đảm ổn định chính trị, an sinh xã hội, an ninh, an toàn, an dân; bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ.

Về “5 đẩy mạnh” gồm: Đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế trên tất cả các lĩnh vực; huy động mọi nguồn lực thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, sinh kế cho người dân, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng nhanh và bền vững. Đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, triển khai có hiệu quả Đề án 06 và Trung tâm Dữ liệu quốc gia, tuyệt đối không tạo thêm rào cản cho người dân, DN. Đẩy mạnh 3 đột phá chiến lược về hoàn thiện thể chế; xây dựng hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại; đào tạo nhân lực chất lượng cao. Đẩy mạnh hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế, củng cố và nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp ở tất cả các cấp, các ngành.

Quang Vượng