Khoảng 10% dân số Việt Nam bị trào ngược dạ dày-thực quản
Thông tin trên được BSCKII.Nguyễn Phúc Minh đưa ra tại Hội thảo khoa học Cập nhật điều trị ngoại khoa bệnh trào ngược dạ dày-thực quản (GERD-Gastroesophageal Reflux Disease), do BV Bình Dân tổ chức hôm nay (6/4).
Theo BS.Nguyễn Phúc Minh- lãnh đạo Khoa Ngoại tiêu hóa (BV Bình Dân), so với thế giới, tỷ lệ mắc bệnh lý trào ngược ở Việt Nam ít hơn. Trong số những người mắc bệnh lý trào ngược, có khoảng 60% người bệnh không điều trị kịp thời, dẫn đến biến chứng nguy hiểm như hẹp thực quản, ung thư thực quản… Trong phần trình bày “Quản lý GERD theo chứng cứ”, BS.Minh còn nói, trào ngược là bệnh lý phức tạp vì trùng lặp triệu chứng với ít nhất 3 bệnh lý khác liên quan tới tiêu hóa.
BS.Nguyễn Phúc Minh trình bày tại Hội thảo
Trong phần trình bày Tổng quan về bệnh lý trào ngược dạ dày-thực quản, GS.Lê Quang Nghĩa- chuyên gia ngoại khoa kỳ cựu ở phía Nam cho biết, đây là tình trạng trào ngược dịch và thức ăn từ dạ dày gây triệu chứng hoặc biến chứng. Bệnh xuất hiện do những biến đổi tại van dạ dày-thực quản, khiến van này không thể đóng kín, làm dịch từ dạ dày, bao gồm cả axít và dịch mật trào ngược từ dạ dày lên thực quản.
Bệnh lý trào ngược dễ xuất hiện ở người thừa cân, béo phì, căng thẳng kéo dài, viêm loét dạ dày tá tràng, có thói quen ăn uống không lành mạnh và một số loại thuốc. Nếu không được điều trị hiệu quả, người bị trào ngược có thể phải chịu đựng những triệu chứng của bệnh suốt đời. Một số trường hợp điều trị trào ngược rất phức tạp, người bệnh thường đến khám với bác sĩ tiêu hóa khi tình trạng trào ngược đã ở mức độ trung bình hoặc nặng, khi các triệu chứng với tần suất và cường độ gây ảnh hưởng chất lượng cuộc sống.
Về điều trị, thông thường người bệnh sẽ được chỉ định dùng thuốc trong khoảng 8 tuần với thuốc ức chế bơm proton (PPI) sau đó đánh giá lại để đưa ra quyết định tiếp tục dùng thuốc hoặc điều trị bằng phẫu thuật. Người bệnh cần được thăm khám chuyên sâu để đánh giá đánh giá bất thường nếp van dạ dày-thực quản, đo áp lực nhu động thực quản và pH thực quản để chẩn đoán trước khi quyết định phẫu thuật.
Trào ngược dạ dày-thực quản gây nhiều khó chịu cho người bệnh như viêm họng, ợ chua, hôi miệng, nuốt vướng, nuốt khó, nôn thức ăn hoặc chất lỏng chua, đau ngực hoặc đau vùng thượng vị, viêm thanh quản, ho dai dẳng kéo dài, khó thở, tức ngực. Các triệu chứng trên có thể tương tự như trong nhiều bệnh tiêu hóa hoặc tai mũi họng.
Khi can thiệp phẫu thuật trong điều trị trào ngược, các chuyên gia sẽ tạo “van một chiều” để ngăn tình trạng trào ngược axit từ dạ dày lên thực quản. Theo thời gian, các chuyên gia trên thế giới đã tạo ra nhiều loại “van một chiều”. Gần đây nhất, một người Mỹ gốc Việt- GS.Ninh Nguyễn- Trưởng khoa Phẫu thuật thuộc BV Đại học Irvine (Đại học California tại Irvine) đã nghiên cứu loại “van một chiều” mới nhất. Tại Hội thảo, GS.Ninh Nguyễn cũng đã trình bày về nghiên cứu của mình, đồng thời mổ thị phạm 2 ca cùng các tay kéo BV Bình Dân.
Hai người bệnh được phẫu thuật tại Hội thảo khoa học lần này đều bị trào ngược dạ dày-thực quản dai dẳng, kèm theo thoát vị khe hoành thực quản. Người bệnh thường xuyên ợ chua, khó chịu và điều trị bằng thuốc không đáp ứng. Người bệnh được phẫu thuật bằng phương pháp tạo hình van chống trào ngược dạ dày-thực quản theo kỹ thuật Omega 300 AP- đây là phương pháp hiện đang được áp dụng điều trị bệnh trào ngược tại Hoa Kỳ.
GS.Ninh Nguyễn đã có hơn 30 năm kinh nghiệm trong phẫu thuật tiêu hóa, nổi bật là tạo hình van dạ dày để điều trị bệnh lý trào ngược. Đồng thời, đã trực tiếp đào tạo các bác sĩ của BV Bình Dân tu nghiệp tại BV Đại học Irvine về nhiều kỹ thuật phẫu thuật tiêu hóa, trong đó có phẫu thuật tạo hình van chống trào ngược dạ dày-thực quản...
Thanh Giang