Chi phí vận chuyển tăng cao, khách có mặn mà các tour du lịch nội địa?
Do chi phí vận chuyển tăng cao, nên giá thành cho các tour du lịch trong nước luôn cao hơn tour của các nước trong khu vực. Điều này dẫn đến khó cạnh tranh cho du lịch Việt Nam.
Du lịch Việt Nam đang đắt đỏ?
Cùng xu thế chung trên thế giới, trải qua hơn 2 năm dịch Covid-19, du lịch gần như đóng cửa và mới trở lại bình thường được 2 năm nay. Mặc dù số lượng khách đã tăng dần trong năm 2023, song theo đánh giá của Tổng cục Thống kê, du lịch nội địa đạt 108 triệu lượt khách, khách quốc tế đến Việt Nam đạt 12,8 triệu lượt, nhưng vẫn chưa bằng năm 2019.
Nhiều người phải tính toán kỹ cho các tour du lịch nội địa (ảnh minh họa)
Là Chủ tịch Công đoàn một DN lớn, chị Hoàng Bảo Phương (Tây Hồ, Hà Nội) chia sẻ, dự tính năm nay cho cán bộ, nhân viên của công ty đi nghỉ mát. Hai năm trước, dịch Covid-19 vừa kết thúc, nên giá vé máy bay khá rẻ cho các chặng như Phú Quốc, Nha Trang, TP.HCM chỉ từ 1,5-2,4 triệu đồng/cặp khứ hồi. Thế nhưng, năm nay khi vào ứng dụng của các hãng hàng không, chị giật mình vì giá vé cho kỳ nghỉ Hè quá đắt đỏ. Theo đó, giá vé chặng đi Nha Trang từ 4-5 triệu đồng/cặp, chặng đi Phú Quốc 5-6 triệu đồng/cặp, còn chặng đi TP.HCM từ 5-7 triệu đồng/cặp…
Xoay sở mọi cách để có thể bố trí một kỳ nghỉ Hè tiện lợi, chị Phương tìm đến các tour được những DN du lịch xây dựng sẵn, thế nhưng các tour trong nước năm nay vẫn cao, nên chi phí Công đoàn sẽ không đủ hỗ trợ. Ví dụ như tour Đà Nẵng tháng 5 cho 4 ngày 3 đêm giá gần 5 triệu đồng/người; tour Điện Biên di chuyển bằng máy bay giữa tháng 5 cho 4 ngày 3 đêm là 4,99 triệu đồng/người, cuối tháng 5 và tháng 6 cho 4 ngày 3 đêm từ 5,2-5,4 triệu đồng/người; tour đi Phú Quốc 4 ngày 3 đêm có giá hơn 7 triệu đồng/người; tour đi Côn Đảo-Cần Thơ 4 ngày 3 đêm có giá gần 10 triệu đồng/người.
Tham khảo tour du lịch các nước trong khu vực như Trung Quốc, Thái Lan… chị Phương thấy giá tour khá rẻ, đặc biệt các tour này trọn gói, bao gồm cả ăn uống. Đơn cử như tour đi đảo Hải Nam (Trung Quốc) trọng gói cho 5 ngày 4 đêm gần 6 triệu đồng/người; tour đi Thái Lan cho 5 ngày 4 đêm là 6,3 triệu đồng/người, còn tháng 6 khoảng 7 triệu đồng/người. Những nơi đắt hơn là vào sâu nội địa Trung Quốc như Tứ Xuyên, Vân Nam có mức giá gần 9 triệu đồng/người, di chuyển bằng ô tô và tàu điện cao tốc. Cùng tuyến này, nếu vận chuyển bằng máy bay, có giá dao động 12-13 triệu đồng/người.
Sau khi tính toán lại, chị Phương quyết định lên kế hoạch cho cán bộ, nhân viên nghỉ mát ở khu vực phía Bắc để tiết kiệm chi phí đi máy bay. Kế hoạch của chị được nhiều người ủng hộ.
Còn chị Lan Anh (Hoàng Mai), sau khi tham khảo giá vé máy bay và giá tour trong nước cũng như giá tour nước ngoài, đã quyết định chọn cho gia đình chuyến đi Thái Lan 5 ngày 4 đêm với mức giá 6,6 triệu đồng/người.
Theo chị Mai-một hướng dẫn viên du lịch, từ giữa năm 2023, khách Việt Nam tìm kiếm các tour đi nước ngoài như Trung Quốc, Thái Lan, Lào, Hàn Quốc nhiều hơn. Lý do là bởi, giá tour hợp lý, chi phí đi những khu vực đó không quá đắt đỏ, hơn nữa họ cũng muốn khám phá các vùng đất mới.
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, tính riêng trong tháng 12/2023, số người Việt Nam xuất cảnh là 352,1 nghìn lượt, tăng 23,2% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung năm 2023, người Việt Nam xuất cảnh đạt 5 triệu lượt, gấp 2 lần năm trước.
Tại Quyết định số 2473/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”, mục tiêu đến năm 2030 tổng thu từ du lịch tăng gấp 2 lần năm 2020 (tổng thu từ du lịch năm 2020 đạt 18-19 tỷ USD). Trong khi đó, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống năm 2023 ước đạt 673,5 nghìn tỷ đồng; doanh thu du lịch lữ hành ước đạt 37,8 nghìn tỷ đồng. Do đó, để năm 2030 đạt được doanh thu gấp đôi năm 2020 là cả một thách thức lớn đối với du lịch Việt Nam.
Tránh để ngoại tệ mang ra nước ngoài
Ông Nguyễn Trung Quân- Giám đốc Công ty Du lịch Hàng Không (Avitour) chia sẻ, qua hơn 2 năm Covid-19, nhu cầu khách hàng đến Việt Nam thay đổi. Du lịch chúng ta chỉ dựa vào con số kỳ vọng để đo lường, còn về chất lượng mới đạt được chỉ tiêu. Hiện khách đến Việt Nam từ các thị trường mới chủ yếu là đến công tác, hội họp, sự kiện ở những khu vực như Hà Nội, TP.HCM, chứ ít đến những nơi du lịch có mức chi tiêu nhiều như Phú Quốc, Nha Trang, Đà Nẵng. Điều đó thể hiện khách quốc tế đến Việt Nam chỉ từ hoạt động xúc tiến hay công tác, chưa phải đến thị trường với mục tiêu mang lại doanh thu lợi nhuận lớn.
Nói về sự cạnh tranh về mức giá giữa các tour du lịch nội địa và du lịch các nước trong khu vực, ông Quân cho rằng, trong chi phí một tour du lịch, chi phí vận chuyển bằng máy bay chiếm hơn 1/2 tour. Năm 2024 Việt Nam có mạng lưới bay thấp, có hãng giảm tần suất bay, có hãng trả máy bay để cơ cấu lại tổ chức, nên đã đẩy chi phí vé máy bay của Việt Nam cao so với mặt bằng chung. Trong khi đó, nhìn sang Thái Lan, mạng lưới bay dày đặc, điều này khiến chi phí cạnh tranh giữa tour trong nước và tour ngoài nước càng cao.
Ông Quân lấy dẫn chứng, những tour trong nước ở khu vực nổi tiếng giá rất cao, chỉ có một lượng nhỏ nhóm khách có thời gian, có kinh tế đến những khu vực này vào thời gian cao điểm, còn phần lớn họ lựa chọn tour nước ngoài chi phí thấp hơn. Trung Quốc là nơi có nhiều tuyến du lịch, nên lượng khách đến nước này tăng đột biến từ lúc mở cửa vào đầu 2023.
“Vào thời gian cao điểm tới đây, tháng 5-6-7 rất khó có thể đáp ứng được nhu cầu cho khách số lượng lớn đi trong nước. Đó là lý do mà nhiều người lựa chọn tour nước ngoài cho gia đình hay cho cán bộ, nhân viên của công ty mình”- ông Nguyễn Trung Quân nói.
Với Avitour, ông Quân cho biết, đây là xu thế chung, lượng khách đi nước ngoài có tỷ lệ cao hơn khách đi trong nước. Với chi phí vé máy bay cao, nên công ty cũng phải lựa chọn sản phẩm tối ưu để phục vụ khách.
Theo ông Quân, năm 2024, với xu thế và tình hình hiện tại trong nước cũng như trên thế giới còn nhiều bất ổn về kinh tế, giữ được khách là điều cần phải làm và phát huy, chứ khó có thể có đột biến.
Để có thể thu hút khách trở lại nội địa và cạnh tranh được với các nước trong khu vực, ông Quân cho rằng, các DN phải thích ứng với tình hình. Thị trường nội địa vẫn là quan trọng và cần phải chăm chút. Chúng ta phải lựa chọn sản phẩm mới, huy động tất cả các phương tiện vận chuyển mà chúng ta có như tàu hỏa, máy bay, ô tô… Đặc biệt, các DN cần bắt tay nhau đẩy được du lịch Việt Nam lên, đưa nhiều sản phẩm chất lượng tốt hơn, giá tối ưu để du khách nội địa lựa chọn đến nơi du lịch biển, đến nơi vùng núi Tây Bắc, đảo hoang sơ còn nhiều điều cần khám phá.
“Các DN du lịch cũng cần sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, cơ quan quản lý nhà nước để đưa nhiều sản phẩm tốt hơn đến với du khách nội địa, tránh để lãng phí nguồn ngoại tệ khách Việt mang đi nước ngoài”- ông Quân nhấn mạnh.
Quang Khánh