Print

Việt Nam hướng tới nền kinh tế xanh, bền vững

Thứ Năm, 11 /04/2024 08:20

Chiều 10/4/2024, tại Hải Phòng, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà dự Diễn đàn Nhịp cầu Phát triển Việt Nam 2024 (Vietnam Connect Forum) lần thứ 4.

Chủ đề của Diễn đàn năm nay là "Việt Nam hướng tới nền kinh tế xanh, bền vững: Từ chiến lược, chính sách của Chính phủ tới các sáng kiến, giải pháp của địa phương và DN" với tham luận và ý kiến của các chuyên gia quốc tế và Việt Nam, lãnh đạo các bộ, ban, ngành, đại diện DN về các nhóm vấn đề chính liên quan đến quá trình chuyển đổi xanh.

Phát biểu tại Diễn đàn, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhận định, thế giới đang đứng trước thách thức lớn nhất là lựa chọn chuyển đổi mô hình phát triển dựa vào tài nguyên thiên nhiên trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng, và dù càng phát triển thì những vấn đề xã hội vẫn không giải quyết được như: môi trường, an ninh lương thực, nguồn nước, bất bình đẳng, chênh lệch giàu nghèo… Điều đó đòi hỏi các quốc gia phát triển và đang phát triển phải cùng hành động để đạt được một só mục tiêu.

“Kinh tế xanh, kinh tế tri thức, kinh tế tuần hoàn, kinh tế carbon thấp đã trở thành nhiệm vụ, xu thế không thể đảo ngược để bảo vệ trái đất và nhân loại”- Phó Thủ tướng nói.

Việt Nam chủ động tham gia rất sớm các thoả thuận quốc tế về môi trường, biến đổi khí hậu và lựa chọn mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức… hay các cam kết quốc tế về ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm phát thải ròng khí nhà kính.

Lần đầu tiên tại Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng cũng đã thể hiện rõ ý chí của Việt Nam trong việc lựa chọn mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Tại COP 26, Việt Nam cũng đã đưa ra mục tiêu cam kết về Net Zero bằng 0 vào năm 2050, dù ngay cả với các nước phát triển đây vẫn là một thách thức lớn.

Theo Phó Thủ tướng, đã đến lúc phải hiện thực hoá, chuyển nhanh từ nhận thức sang hành động theo nguyên tắc tất cả các nước phải cùng nhau hành động trong ứng phó biến đổi khí hậu, chuyển đổi mô hình phát triển, bằng suy nghĩ toàn cầu, hành động từ mỗi người, mỗi địa phương, mỗi quốc gia, và cho rằng yếu tố quyết định thành công trong chuyển đổi kinh tế xanh là chuyển đổi năng lượng công bằng, với sự kết nối giữa các DN, tổ chức tài chính quốc tế và Chính phủ.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng đánh giá, năng lượng xanh, bền vững sẽ là bài toán phức tạp nhất đối với các nền kinh tế muốn phát triển các ngành công nghệ mới trong thời gian tới.

“Vấn đề cấp bách hiện nay là biến các cam kết thành hành động; biến các ý tưởng, sáng kiến thành nguồn lực; biến mong muốn, tầm nhìn thành những kết quả cụ thể để không nước nào bị bỏ lại phía sau trong nỗ lực xanh hóa nền kinh tế toàn cầu một cách bền vững”- Thứ trưởng Nguyễn Minh Hằng cho biết.

Từ thực tiễn địa phương, Bí thư Thành ủy Hải Phòng Lê Tiến Châu đề xuất Chính phủ và các địa phương cần xây dựng hành lang pháp lý đầy đủ, toàn diện và cách tiếp cận phù hợp, để khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp trong chuyển đổi xanh, trước mắt cho phép thí điểm các mô hình kinh tế mới, theo hướng xanh, bền vững.

Chuyển đổi xanh cần có lộ trình phù hợp, tính đến điều kiện đặc thù và năng lực khác nhau của các địa phương (chẳng hạn địa phương có thế mạnh về nông nghiệp sẽ cần có những yêu cầu và lộ trình khác địa phương đã có nền tảng phát triển công nghiệp). Do đó, các địa phương trên cả nước cần nêu cao tinh thần đoàn kết, hợp tác, có sự chia sẻ, hài hòa lợi ích vì mục tiêu chung của Chính phủ.

“TP.Hải Phòng đang khẩn trương, nghiên cứu đề xuất với Chính phủ thành lập khu kinh tế ven biển phía Nam theo định hướng khu kinh tế xanh đầu tiên tại Việt Nam; đồng thời, phát triển quần đảo Cát Bà trở thành điểm đến du lịch xanh”- ông Lê Tiến Châu chia sẻ.

Đánh giá gần đây của Ủy ban châu Âu (EC) về quy mô thị trường toàn cầu hiện nay, các sản phẩm và dịch vụ xanh ước tính đạt trên 5.000 tỷ USD và có thể tốc độ tăng trưởng cao hơn nhiều so với các thị trường truyền thống. Dự báo đến năm 2030 nền kinh tế xanh sẽ tạo ra khoảng 24 triệu việc làm mới trên toàn cầu. Kinh tế xanh còn tạo ra cơ hội để thu hút mạnh mẽ các nhà đầu tư vào nhiều lĩnh vực mới như năng lượng tái tạo, giao thông thông minh, nông nghiệp thông minh, đô thị xanh, công trình xanh, tài chính xanh.

Theo đó, việc nắm bắt xu hướng chuyển đổi xanh, thúc đẩy chuyển đổi xanh nhằm tạo không gian mới, động lực mới, năng lực cạnh tranh mới cho doanh nghiệp, cho các ngành, lĩnh vực kinh tế có ý nghĩa cấp thiết và sống còn. Trên bình diện quốc gia, chiến lược về tăng trưởng xanh còn thể hiện quyết tâm và khát vọng phát triển đất nước hùng cường thịnh vượng và bền vững.

Kinh tế xanh đã và đang được cụ thể hóa thành các tiêu chuẩn có tính pháp chế cao, được đề cập trong các cam kết thương mại quốc tế. Biên giới carbon đã đi vào hiệu lực từ 1/10/2023, quy định về chống mất rừng sẽ có hiệu lực từ 1/1/2025 và tiếp tục thế giới sẽ ban hành dấu chân nhựa và biên giới nhựa.

Hiện nay, Việt Nam đang cùng với nhiều quốc gia trên thế giới chuyển đổi mạnh mẽ từ nền kinh tế “nâu” sang nền kinh tế “xanh” với trọng tâm chuyển đổi tuần hoàn, chuyển đổi năng lượng, phát thải carbon thấp, đảm bảo tăng trưởng xanh, hướng tới thực hiện thành công cam kết Net-Zero vào năm 2050 và phát triển bền vững. Đây được xem là cuộc đổi mới xanh, cách mạng công nghiệp xanh và trở thành xu thế tất yếu không thể đảo ngược trong tiến trình phát triển của thế giới.

Hà Thủy