Print

Malaysia biến rác thải thực phẩm tháng Ramadan thành phân bón hữu cơ

Thứ Năm, 11 /04/2024 11:03

Tháng Ramadan là tháng linh thiêng của người Hồi giáo. Trong suốt tháng Ramadan, tất cả tín đồ đạo Hồi đều thực hiện nghiêm túc quy định “không ăn, không uống, không hút thuốc” từ lúc mặt trời mọc cho đến khi mặt trời lặn.

Sau khi kết thúc một ngày cầu nguyện trong tháng Ramadan, bên ngoài một nhà thờ Hồi giáo ở Malaysia, mọi người tập trung thức ăn thừa, bỏ vào một chiếc máy nghiền thức di động. Chiếc máy đặc biệt có chức năng biến thức ăn thừa thành phân bón hữu cơ cho cây trồng này là sáng kiến của chính quyền bang Pahang (Malaysia) nhằm mục đích giảm lãng phí thực phẩm, bởi trong và sau tháng Ramadan, có một lượng thực phẩm lớn đã bị đổ bỏ một cách lãng phí.

Trong suốt tháng Ramadan, tất cả tín đồ đạo Hồi đều thực hiện nghiêm túc quy định “không ăn, không uống, không hút thuốc”

Một số chiếc máy nghiền thức di động được triển khai tại Công viên Trung tâm Kuantan trong tháng Ramadan, vì đây là nơi nhiều gia đình tụ tập vào mỗi buổi tối để thưởng thức các món ăn địa phương sau một ngày chay tịnh. Theo ông Sharudin Hamid, đại diện Tổng Công ty Quản lý rác thải rắn và rác thải công cộng Malaysia, Công ty đã bắt đầu dự án thí điểm này vào năm ngoái, trung bình mỗi máy xử lý được khoảng 25kg rác thải thực phẩm mỗi ngày.

Mặc dù dự án chỉ xử lý được một phần rất nhỏ trong số hơn 13.000 tấn thực phẩm bị đổ bỏ mỗi ngày ở Malaysia trong tháng Ramadan; thế nhưng, động thái này cũng giúp người dân nâng cao nhận thức về lãng phí thực phẩm.

Một thương nhân đang bỏ rác thải thực phẩm vào máy nghiền thức ăn ở Kuantan (Pahang, Malaysia)

“Mục tiêu chính của chúng tôi là hạn chế rác thải thực phẩm không được đưa đến các bãi chôn lấp mà chưa xử lý”– Ông Sharudin Hamid giải thích– “Điều này có tác động đáng kể đến thói quen của người dân. Mọi người ngày càng nhận thức rõ hơn về việc bảo tồn môi trường, đặc biệt là về việc giảm lãng phí thực phẩm".
Rác thải thực phẩm sau khi qua máy nghiền, sẽ được đưa vào máy trộn từ từ với trấu và mùn cưa trong 48 giờ, sau đó được đóng gói và cung cấp cho nông dân để sử dụng làm phân bón hữu cơ cho cây trồng. Anh Abdul Shukor Mohamad Salleh, 27 tuổi, cho biết: “Những thứ phát triển từ phân bón sẽ trở thành thực phẩm, sử dụng xong vẫn có thể được ủ thành phân bón. Vì vậy, có thể coi đó là một chu kỳ tự nhiên”.

Bà Zulyna Nordin đang bón phân hữu cơ làm từ rác thải thực phẩm cho cây trồng tại vườn rau của mình

Trên mảnh vườn nhỏ gần trung tâm thành phố, bà Zulyna Mohamed Nordin, 53 tuổi, đang phun phân bón hữu cơ dạng lỏng có nguồn gốc từ rác thải thực phẩm tái chế để chăm chút cho rau, chuối và dứa của mình. Bà cho biết, nhận được khoảng 30kg phân bón mỗi tháng và nhiều hơn một chút trong tháng Ramadan: “Đây là phương pháp tự nhiên, hữu cơ và giúp tăng năng suất. Tôi đã ngừng sử dụng phân bón, hóa chất đắt tiền kể từ tháng 6 năm ngoái. Kết quả cho thấy, rau quả của tôi xanh hơn và phát triển hơn".

Tùng Anh (Theo Johor Bahru News)