“Gập ghềnh” nâng hạng thị trường chứng khoán
Cho đến hiện tại, Việt Nam chưa được đưa vào danh sách theo dõi nhằm nâng hạng thị trường chứng khoán (TTCK) từ cận biên lên mới nổi do MSCI đánh giá, trong khi đó FTSE đưa Việt Nam vào danh sách theo dõi từ năm 2018. Điều này khiến cho tiến trình nâng hạng TTCK Việt Nam trở nên “gập ghềnh” hơn.
Thị trường có bước phát triển mạnh
Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển TTCK năm 2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, sau hơn 20 năm phát triển, TTCK từ chỗ chỉ có 2 DN niêm yết và 6 công ty chứng khoán thành viên, thì đến cuối năm 2023 có gần 2,3 nghìn DN niêm yết, đăng ký giao dịch và 82 công ty chứng khoán hoạt động. Số lượng NĐT tăng từ 3.000 tài khoản năm 2000 lên hơn 7,29 triệu tài khoản, tương đương 7,5% dân số vào năm 2023. Đồng thời, chất lượng, kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm của các nhà đầu tư (NĐT) ngày càng được nâng cao.
Bên cạnh đó, giá trị giao dịch bình quân (gồm cả cổ phiếu, trái phiếu) tăng từ gần 11,7 nghìn tỷ/phiên năm 2016 lên khoảng gần 24,4 nghìn tỷ/phiên năm 2023, trong đó tính riêng giao dịch cổ phiếu đã có nhiều phiên giao dịch vượt con số 1 tỷ USD. “Với quy mô phát triển như hiện nay, đến năm 2025, Việt Nam phấn đấu trở thành thị trường mới nổi”- Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, khi xét đánh giá nâng hạng, FTSE cho biết một số vấn đề như ký quỹ và hạn chế NĐT nước ngoài đang là những cản trở khiến TTCK bị chậm trễ.
Đánh giá về vấn đề này, chuyên gia tài chính-ngân hàng- TS.Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, hiện giao dịch ký quỹ tại Việt Nam rất hạn chế, ngay NĐT nước ngoài mở tài khoản cá nhân cũng có vấn đề. Yêu cầu của cả hai tổ chức quốc tế MSCI và FTSE đối với Việt Nam khi nâng hạng thị trường, thì những giao dịch cần phải thông thoáng để các NĐT giao dịch thuận lợi. Yêu cầu của MSCI và FTSE là loại bỏ tiêu chí các quỹ phải có tiền mặt ở trong nước. Song, để nâng hạng mà yêu cầu loại bỏ điều này là điều vô lý và bất lợi cho tổ chứng khoán. Bởi, khi bỏ quy định các NĐT phải có tiền mặt trong tài khoản, sẽ tác động đến một số NĐT thanh toán ký quỹ, thực hiện giao dịch trong ngày.
Về room nước ngoài, cả hai tổ chức quốc tế đều đánh giá vấn đề này hạn chế trên TTCK. Theo TS.Hiếu, ở một số lĩnh vực nên mở room để NĐT nước ngoài họ mang công nghệ, vốn và quản trị vào DN đang thua lỗ, vực lại DN yếu kém đó. Với những ngành nghề đầu tư khác cần có điều kiện và hạn chế. Ngoài ra, còn số ngành nghề các NĐT nước ngoài muốn đầu tư vốn chủ sở hữu 100%. Tuy nhiên, Việt Nam không muốn bán tỷ lệ lớn, vì lo ngại các đối tác nước ngoài sẽ vào thao túng công ty. Nếu nới room tỷ lệ cho NĐT nước ngoài cho các ngành nghề đầu tư có điều kiện như ngân hàng, thì họ sẽ mặn mà hơn, có thể nới lên 49%.
Không lo ngại bị thao túng
TS.Nguyễn Trí Hiếu cũng cho rằng, đâu đó vẫn có những lo ngại khi nới room, nâng mức sở hữu thì các NĐT ngoại đưa DN vào quỹ đạo của họ, rủi ro cho DN, không phù hợp với nền kinh tế của Việt Nam. Tuy nhiên, các cơ quan quản lý có đầy đủ công cụ, chức năng để quản lý hoạt động này. Theo đó, có thể xử phạt những hoạt động mang tính lũng đoạn ngân hàng, chẳng hạn NĐT nước ngoài tìm cách trốn thuế, sử dụng DN đó rửa tiền.
Một DN yếu kém, được nới room, NĐT nước ngoài đầu tư vào họ sẽ bỏ công sức, tài chính, quản trị… làm lợi cho DN đó. Các DN nhỏ không có sự hỗ trợ về tài chính có thể tiếp tục yếu kém, thậm chí có nguy cơ hủy niêm yết trên thị trường. “Những lĩnh vực hạn chế nới room, hạn chế NĐT nước ngoài sở hữu là lĩnh vực quốc phòng, an ninh lượng thực, an ninh năng lượng, truyền thông, hàng không, ngân hàng quốc doanh. Còn những lĩnh vực bảo hiểm, tài chính, nới room dần cho người nước ngoài”- TS.Hiếu khuyến nghị.
Đơn cử như ở Mỹ, theo TS.Hiếu, quốc gia này cũng đã mở room cho NĐT nước ngoài 100%, với điều kiện NĐT nước ngoài đó phục vụ quyền lợi của đại chúng và họ xem xét NĐT nước ngoài có định hưóng phù hợp với chính sách tiền tệ của ngân hàng trung ương, hỗ trợ cho cộng đồng NĐT đang hướng tới đầu tư.
TTCK Việt Nam vẫn “chênh vênh”
Để đáp ứng các tiêu chí nâng hạng thị trường do MSCI đánh giá còn rất khó khăn, vì cho đến hiện tại, Việt Nam vẫn chưa được đưa vào danh sách theo dõi, trong khi đó FTSE đưa Việt Nam vào danh sách theo dõi từ năm 2018.
Chia sẻ về điều này, TS.Hiếu chỉ rõ, các tiêu chuẩn của FTSE đưa ra ít hơn các tiêu chuẩn của MSCI. Trong khi MSCI đang đòi hỏi TTCK Việt Nam minh bạch, thì tại Việt Nam xảy ra rất nhiều sự việc tiêu cực như bán khống, thao túng; hay như vụ FLC, Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát và một loạt các công ty chứng khoán vi phạm trong thời gian vừa qua bị xử phạt. Như vậy, con đường để tới thị trường mới nổi qua MSCI rất “chênh vênh”.
Vì vậy, trong lúc này, chúng ta cần một mặt tranh thủ FTSE để họ chấp thuận; mặt khác tập trung nỗ lực tranh thủ MSCI công nhận các tiêu chí còn thiếu, yếu trong việc nâng hạng thị trường, để có nguồn đầu tư lớn cho tương lai.
Ông Nghiêm Sỹ Tiến- Chuyên gia cao cấp (Công ty Chứng khoán KB Việt Nam- KBSV) chia sẻ với báo chí, nếu chúng ta bám sát và thực hiện được lộ trình đã đề xuất, đồng thời tập trung sửa đổi các vấn đề chính, thì dự kiến vào kỳ đánh giá tháng 9/2024, Việt Nam sẽ được FTSE xếp vào danh sách chờ nâng hạng và tháng 9/2025 kỳ vọng sẽ chính thức thành thị trường mới nổi thứ cấp.
Theo các chuyên gia ngân hàng, chúng ta cần sự chung tay của nhiều bộ, ngành, các đơn vị liên quan cũng như các DN, thành viên thị trường, nhưng khi các quy định pháp lý được sửa đổi, con đường tiến tới nâng hạng sẽ rõ ràng hơn, trước mắt là được FTSE nâng hạng.
Tuy nhiên, TS.Hiếu cảnh báo, một vấn đề rất quan trọng là kể cả khi được nâng hạng, thì việc minh bạch thông tin thị trường vẫn luôn phải duy trì. Bởi khi các thị trường được nâng hạng lên mới nổi, nếu không đáp ứng được tiêu chí, các tổ chức quốc tế đánh giá lại sẽ kéo xuống thị trường cận biên. “Do đó, Việt Nam cần phải cố gắng, khi được xếp hạng không có nghĩa là an toàn. Nếu không đáp ứng được các tiêu chí, FTSE và MSCI sẽ kéo xuống cận biên trở lại”- TS.Hiếu nhấn mạnh.
Dương Trang