Print

Trí tuệ nhân tạo: Mối đe dọa hay cơ hội cho báo chí?

Thứ Hai, 15 /04/2024 16:16

Mặc dù trí tuệ nhân tạo (AI) chưa được ứng dụng rộng rãi tại các cơ quan báo chí Việt Nam, nhưng đây là xu hướng khó có thể “cưỡng lại” khi lợi ích mà AI mang lại ngày càng lớn. Tuy nhiên, đi cùng với đó là những rủi ro và vấn đề pháp lý mới mà các quy định, cơ chế hiện tại chưa thể lường trước…

Xu hướng ứng dụng AI trong các cơ quan báo chí tại Việt Nam

Hiện có khoảng 1/4 số cơ quan báo chí tại Việt Nam đang ứng dụng AI trong các hoạt động vận hành của tòa soạn, đặc biệt là khâu sản xuất tin tức. Đây là kết quả từ Khảo sát Báo chí Việt Nam 2023 do Hội Nhà báo Việt Nam (VJA) và Hội Truyền thông số Việt Nam (VDCA) phối hợp thực hiện, Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông (IPS) là đơn vị trực tiếp triển khai, trên số lượng mẫu là 177 cơ quan báo, tạp chí trên cả nước.

Khảo sát nhằm mục đích thu thập thông tin về tình hình hoạt động và “sức khỏe” của các cơ quan báo chí Việt Nam trong năm 2023, trong đó có việc ứng dụng AI vào hoạt động vận hành và sản xuất tin tức của các tòa soạn.

Theo kết quả khảo sát, có 29,4% cơ quan báo chí đã có kế hoạch ứng dụng Al trong tòa soạn nhưng chưa triển khai. Hơn 1/3 (36,2%) vẫn chưa có kế hoạch ứng dụng, trong khi 15 cơ quan báo chí khẳng định sẽ không sử dụng Al trong các hoạt động của tòa soạn. Có 36/46 cơ quan báo chí đang ứng dụng Al đã tự xây dựng hệ thống để vận hành, còn lại sử dụng dịch vụ thuê ngoài.

Tuy nhiên, kể cả trong số cơ quan báo chí đang ứng dụng Al, có tới hơn một nửa tòa soạn chưa biết đến hoặc chưa áp dụng bộ nguyên tắc đạo đức trong sử dụng AI. Với các tòa soạn còn lại, đa phần đang tham khảo và đang áp dụng bộ nguyên tắc đạo đức trong sử dụng Al từ các nguồn uy tín khác. Chỉ có 5 cơ quan báo chí tự xây dựng bộ nguyên tắc đạo đức riêng cho tòa soạn của mình. Hơn 3/4 số cơ quan báo chí chưa hoặc không có kế hoạch cắt giảm nhân sự khi ứng dụng Al. Có 5 tòa soạn đã có kế hoạch cắt giảm nhưng chưa thực hiện, trong khi 3 cơ quan báo chí cho biết đã cắt giảm số lượng nhân viên sau khi áp dụng Al.

Các phân tích của IPS chỉ ra rằng, các cơ quan báo chí đang gặp 3 khó khăn chính khi triển khai công nghệ Al vào hoạt động vận hành và sản xuất tin tức. Cụ thể: Thiếu nhân sự có hiểu biết về công nghệ; thiếu kinh phí triển khai công nghệ; chính sách của Nhà nước về đầu tư, thuê, mua sắm sản phẩm, dịch vụ CNTT chưa tạo điều kiện cho cơ quan báo chí.

Nguy cơ phát tán “thông tin giả”

Các phân tích của nhóm chuyên gia cũng chỉ ra một vấn đề cần đặc biệt quan tâm: “Sự xuất hiện của AI đã có những tác động lớn, cả tích cực và tiêu cực đến tình trạng tin giả, tin sai sự thật”. Thực tế cho thấy, sự phát triển chóng mặt và tính sẵn có của các công cụ AI tạo sinh và hỗ trợ tự động hóa khiến việc tạo ra các  thông tin và hình ảnh giả với mức độ chân thực cao và phân phối chúng đến lượng lớn độc giả trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết.

Chỉ cần một vài câu lệnh đơn giản là ChatGPT có thể sản xuất được ngay một “bài báo” với những thông tin, bất kể đúng hay sai, mà người dùng yêu cầu (thậm chí theo phong cách của một số tờ báo hay nhà báo nổi tiếng) và Dall-E có thể lập tức tạo ra những hình ảnh mà trước đây phải mất vài giờ mới chỉnh sửa được bằng phần mềm Photoshop. Các công nghệ nói trên càng phát triển, việc phân định nội dung nào là thật-giả hay có bị AI can thiệp hay không càng trở nên khó khăn với độc giả.

Không chỉ ChatGPT hay Dall-E, các công nghệ deepfake cũng đang khiến các cơ quan quản lý, các tòa soạn và độc giả trên khắp thế giới phải đau đầu bởi khả năng tạo ra hình ảnh, video, âm thanh giả với mức độ chân thực rất cao. Theo The Guardian, deepfake vừa có thể được dùng để tạo ra tin giả, vừa có thể được dùng để phủ nhận sự thật, khi một người có thể tuyên bố những bằng chứng chống lại họ là do AI tạo ra hoặc dùng AI để tạo ra những bằng chứng giả nhằm gây nhiễu. Báo cáo của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) cũng đã cảnh báo lo ngại về vai trò của AI trong kết quả bầu cử đã đứng đầu danh sách những rủi ro lớn nhất năm 2024, một năm mà khoảng một nửa dân số trưởng thành trên thế giới sẽ tham gia các cuộc bầu cử.

Thậm chí, quá trình tạo ra tin giả từ AI giờ đây còn được tự động hóa, dẫn đến sự xuất hiện của những trang web mà thoạt nhiên trông giống một trang tin tức bình thường, nhưng thực chất toàn bộ nội dung đều được AI liên tục sản xuất tự động. Tính đến đầu tháng 1/2024, NewsGuard- một tổ chức chuyên cung cấp các công cụ phát hiện và chống lại tin giả- đã xác định được 634 trang web tin giả bằng 15 ngôn ngữ khác nhau được tạo hoàn toàn tự động bằng AI (chưa có trang web tin giả bằng tiếng Việt nào được phát hiện).

Bên cạnh khả năng sản xuất tin giả hàng loạt, các công cụ AI còn có thể cá nhân hóa nội dung của thông tin đó cho từng đối tượng độc giả dựa trên niềm tin, quan điểm chính trị hay sở thích của họ. Kỹ thuật này được gọi là user-profiling (xây dựng hồ sơ độc giả) và micro-targeting (nhắm đối tượng mục tiêu vi mô). Hồ sơ của mỗi độc giả được xây dựng dựa trên việc theo dõi hoạt động của họ trên internet thông qua cookies hay theo dõi biểu đồ nhiệt. Căn cứ vào dữ liệu này, AI sẽ tạo ra những thông tin giả sao cho phù hợp và có vẻ đáng tin cậy nhất đối với độc giả cụ thể đó và phân phối thông tin này đến đích danh họ...

Để hạn chế tối đa các rủi ro và đảm bảo AI được khai thác một cách tích cực và hiệu quả, nhiều cơ quan báo chí trên thế giới đã ban hành các bộ quy tắc về ứng dụng AI trong tòa soạn. Theo khảo sát của Think tank Polis thuộc Trường Kinh tế và Khoa học Chính trị London (LSE) trên 71 cơ quan tin tức ở 32 quốc gia, 82% cơ quan đã xây dựng các bộ quy tắc về ứng dụng AI trong tòa soạn nhằm hạn chế những rủi ro của công nghệ này.

“Bên cạnh các quy định pháp luật “cứng”, những bộ quy tắc chung cho toàn ngành hay bộ quy tắc riêng do mỗi tòa soạn tự xây dựng đang là xu hướng quản lý phổ biến đối với AI trong lĩnh vực báo chí”- nhóm chuyên gia đề xuất. Bên cạnh đó, hiện có nhiều sáng kiến ứng dụng AI để hỗ trợ quá trình kiểm chứng thông tin (fact-check) hay tự động phát hiện tin giả bằng cách phân tích các đặc điểm của thông tin đó đã được đề xuất và áp dụng. Không chỉ các cơ quan báo chí- truyền thông hay các nền tảng số, mạng xã hội, mà bất kỳ người dùng internet nào cũng có thể tiếp cận và sử dụng các công cụ kiểm chứng thông tin ứng dụng AI như Google Factcheck Explorer hay Originality AI factchecker.

Thái An